>> Án lạ ở Hà Tĩnh: VNPT bất ngờ thành…nguyên đơn dân sự
>> Án lạ ở Hà Tĩnh: Tòa kiến nghị hủy bản án của… chính mình
Liên quan đến vụ án giám đốc Công ty Huy Phong (Hà Tĩnh) bị cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong hồ sơ vụ án mới đây của cơ quan tiến hành tố tụng đưa VNPT Hà Tĩnh vào tham gia tranh tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự.
3 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ khách hàng là anh Nguyễn Văn Hướng – Giám đốc trung tâm, chị Trần Thị Hương Trà – kế toán trưởng và chị Lê Thị Bình – thủ quỹ tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ảnh minh họa. |
Theo Cáo trạng số 10/CTr-KSĐT nêu, số tiền Trần Tố Loan lừa đảo chiếm đoạt của Viễn thông Hà Tĩnh (thông qua Trung tâm Dịch vụ khách hàng) là hơn 2,285 tỷ đồng và nợ kinh doanh trước đó là 71 triệu đồng. Tổng cộng là hơn 2,356 tỷ đồng. Hiện Trần Tố Loan đã bồi thường và trả nợ được 418 triệu đồng.
Số tiền còn lại là hơn 1,958 tỷ đồng các ông Nguyễn Văn Hướng – giám đốc, bà Trần Thị Hương Hà – kế toán và bà Lê Thị Bình thủ quỹ nộp lại để thanh toán cho VNPT Hà Tĩnh.
Nay VNPT Hà Tĩnh có đơn yêu cầu Trần Tố Loan bồi thường để đơn vị này hoàn lại tiền cho các cá nhân trên.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Ở đây, VNPT Hà Tĩnh có đơn yêu cầu bồi thường nhưng là để nhận tiền hoàn trả cho 3 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ Khách hàng. Điều này chứng tỏ, VNPT Hà Tĩnh không có thiệt hại về vật chất do tội phạm (nếu có) của Trần Tố Loan.
Bên cạnh đó, quan hệ mua bán giữa Trung tâm Dịch vụ khách hàng thuộc VNPT Hà Tĩnh với Công ty Huy Phong là kinh doanh thương mại thể hiện bằng đơn đặt hàng, đơn xin mua hàng, biên bản bàn giao hàng hóa, hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa…
Khi Công ty Huy Phong chưa có tiền trả các lô hàng, thì hai bên đã có cuộc họp và ra biên bản xác nhận công nợ.
Theo biên bản công nợ ngày 25/12/2011, “Giá trị ba đơn hàng sim thẻ là hơn 2,358 tỷ đồng. Đến nay đã thanh toán cho Trung tâm Dịch vụ khách hàng được 280 triệu đồng. Số tiền nợ còn lại là hơn 2,076 tỷ đồng tôi sẽ có trách nhiệm trả nợ cho Trung tâm Dịch vụ khác hàng trong thời gian sớm nhất”.
Theo các luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Bross và Cộng sự – Đoàn Luật sư Hà Nội: “Rõ ràng Trung tâm Dịch vụ khách hàng đã tự nguyện cho Công ty Huy Phong nợ. Sau đó, Công ty Huy Phong còn thanh toán thêm một số lần”.
Cho đến ngày 26/3/2015, Trung tâm Dịch vụ khách hàng vẫn xác định: Cuối 2011, Trung tâm dịch vụ khách hàng Viễn thông Hà Tĩnh đã bán lô sim, thẻ cào Vinaphone với giá trị hơn 2,376 tỷ đồng cho Công ty Huy Phong do bà Trần Tố Loan làm giám đốc. Thế nhưng, do bà Trần Tố Loan đã không thanh toán tiền theo hợp đồng đã ký với Trung tâm dịch vụ khách hàng – Viễn thông Hà Tĩnh.
Tính đến ngày 22/2/2013, bà Trần Tố Loan còn thiếu Trung tâm dịch vụ khách hàng – Viễn thông Hà Tĩnh là 2,057 tỷ đồng …
Từ ngày 14/8/2013 đến 25/3/2015 bà Trần Tố Loan đã nộp thêm tổng cộng là 99 triệu đồng. Như vậy đến ngày 26/3/2015 bà Trần Tố Loan còn nợ 1,958 tỷ đồng.
Như vậy, khoản nợ vẫn được Trung tâm dịch vụ khách hàng và Công ty Huy Phong thừa nhận.
Và đến thời điểm trước cáo trạng truy tố Loan tội Sử dụng trái phép tài sản, số tiền còn lại được chính 3 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ khách hàng hoàn trả.
Việc thừa nhận của VNPT chứng tỏ, giao dịch giữa Huy Phong mà đại diện là bà Trần Tố Loan và VNPT Hà Tĩnh là hợp đồng thương mại.
VNPT Hà Tĩnh cũng không có thiệt hại, vậy đơn vị này có thể tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự?.
Giám đốc sim thẻ có quyền định đoạt sự “gian dối”!
Ở tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trần Tố Loan bị cáo buộc, cơ quan tiến hành tố tụng Hà Tĩnh cho rằng, do bị áp lực trả nợ, vì nhiều chủ nợ đến đòi ráo riết, để có tiền trả nợ, Trần Tố Lan “mặc dù biết mua sim thẻ điện thoại và bán sẽ lỗ vì chiết khấu thấp hơn giá thị trường nhưng vẫn mua và đưa ra thông tin là mua nợ hàng về bán quay vòng vốn, nhằm mục đích lừa dối Trung tâm Dịch vụ Khách hàng – Viễn thông Hà Tĩnh để mua sim thẻ điện thoại về bán lấy tiền trả nợ”.
Trong khi đó, tại Biên bản ghi lời khai ngày 17/2/2016 Đại diện phía Trung tâm dịch vụ khách hàng – VNPT Hà Tĩnh cho biết: “Lý do chúng tôi đồng ý bán nợ 2 lô hàng ngày 2/12/2011 và 6/12/2011 với giá trị 2,285 tỷ vì tại thời điểm đó chúng tôi bị áp lực về doanh số bán ra rất nặng nề. Nếu không bán được doanh số được giao sẽ không có lợi nhuận và thưởng doanh thu. Thứ hai là chúng tôi tin tưởng vào khả năng thanh toán của chị Loan là Giám đốc Công ty Huy Phong. Đây là khách hàng thường xuyên, có uy tín. Chị Loan có nhà cửa đàng hoàng, không phải là khách hàng tự do”.
Ngoài ra, đơn đặt hàng mua sim thẻ của giám đốc Công ty Huy Phong cần phải có xét duyệt của Trung tâm dịch vụ khách hàng. Như vậy, Trung tâm dịch vụ khách hàng xác nhận bán các lô hàng trên cơ sở kế hoạch kinh doanh. Vậy liệu, giám đốc kinh doanh sim thẻ có thể dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt các lô hàng của Trung tâm Dịch vụ khách hàng xuất ra theo kế hoạch kinh doanh đã định?
Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải xác định hai yếu tố cần thiết là hành vi gian dối và hậu quả của hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án, kế hoạch mua bán sim thẻ cho Công ty Huy Phong thuộc về Trung tâm Dịch vụ khách hàng. Đồng thời, hậu quả của vụ án thì VNPT Hà Tĩnh chưa chứng minh được thiệt hại. Vậy liệu có thể có vụ án giám đốc kinh doanh sim thẻ phạm tội lừa đảo./.