XEM CLIP:
Khu “biệt phủ” gồm 3 dãy nhà chính xây dựng kiên cố theo dạng nhà cấp 4, trổ mái thái bên trên, nhưng bên trong là mái bằng bê-tông xếp theo hình chữ U. Ước tính, mỗi phòng có diện tích cả trăm mét.
Một dãy nhà ngang (cũng cấp 4) liền kề, nằm mé trái của khu nhà chính.
Cán bộ địa chính xã Hoành Sơn cho hay, đây là “trụ sở” của một DN, cũng là nơi cư trú của cả gia đình. Tấm biển công ty được treo trên khu nhà chính, xung quanh có dàn cây cảnh trang trí xung quanh, tạo thành một quần thể.
Đường vào "biệt phủ" nằm trọn vẹn trong đê sông Kinh Thầy |
Công trình sai phạm gồm 3 dãy nhà chính xếp hình chữ U |
Chủ tịch UBND xã Hoành Sơn Trần Đức Ba xác nhận với VietNamNet, công trình kiên cố xây dựng trái phép tại thôn Cậy Sơn đã vi phạm luật đê điều, vì nó nằm trong hành lang đê và hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy.
Luật Phòng chống thiên tai và bảo vệ đê điều nghiêm cấm mọi hành vi xây dựng bất cứ công trình nào trên đê. Một chiếc lều dựng tạm, cũng được gọi là công trình, và không được phép làm.
Theo ông Ba, chủ công trình sai phạm không phải người dân địa phương, nhưng có giấy phép đăng ký kinh doanh thành lập công ty, được chính quyền Hải Dương thu hồi đất bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
“Ban đầu, việc thu hồi đất nông nghiệp, đất bãi của dân bàn giao cho chủ đầu tư để thành lập bãi chứa, kinh doanh than, vật liệu xây dựng. Đến khi giá than mất giá, họ chuyển sang sản xuất hương, sau đó tiếp tục mở rộng để làm khu chuồng trại chăn nuôi”.
Khuôn viên bên trong khu "biệt phủ" |
Cổng vào khu dinh thự |
Khoảng năm 2009, xã nhận được thông báo của tỉnh về việc thu hồi đất bãi, thống kê kiểm đếm diện tích, cây hoa màu trên đất bãi thu hồi để làm căn cứ đền bù. Mục đích là giao cho DN có tên công ty TNHH sản xuất và thương mại Sơn Nga làm bãi chứa kinh doanh than.
Tổng diện tích thu hồi là hơn 2ha.
Trong phạm vi trách nhiệm của cấp cơ sở, những gì Chủ tịch xã Hoành Sơn được làm là kiểm tra, lập biên bản báo cáo các ban ngành cấp trên.
Nhiều lần kiến nghị xử lý bất thành
Trao đổi với VietNamNet, Chi cục phó Chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều (Sở NN&PTNN tỉnh Hải Dương) Đỗ Tiến Bậc thông tin, đơn vị đã rất nhiều lần kiến nghị xử lý công trình sai phạm này.
''Khoảng năm 2012 - 2014, chúng tôi đã lập biên bản, xử phạt và dừng thi công, nhưng chủ công trình bất hợp tác'' - ông Bậc nói.
Ông quả quyết: Bất kỳ công trình nào xây dựng trên hành lang đê điều, dù là lều tạm, cũng là không được phép chứ chưa nói đến làm công trình nhà ở, chuồng trại kiên cố. Nếu trong diện dự án thu hồi đất bãi để giao đất, cho thuê có thời hạn, cũng chỉ được phép làm đường đi hoặc trồng cây ngắn ngày.
Quần thể cây cảnh... |
Với các dự án liên quan đến đê, hành lang đê, ngoài sự chấp thuận của UBND tỉnh, ý kiến của các sở ngành liên quan...
Theo ông Bậc, dự án thuê đất bãi, hành lang đê của công ty Sơn Nga không có sự chấp thuận của Chi cục quản lý đê điều, như thế đã là chưa đủ hồ sơ, giấy tờ. Họ xây dựng công trình kiên cố án ngữ hành lang đê, hành lang thoát lũ, mức độ như vậy là đặc biệt nghiêm trọng.
Trước câu hỏi ''sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, tại sao để tồn tại thời gian dài như trên?" - ông Đỗ Tiến Bậc cho hay: Thẩm quyền của Chi cục chỉ dừng ở mức quản lý nhà nước, không có quyền được tháo dỡ, cưỡng chế những sai phạm tương tự. Hiện tại, đơn vị mới có báo cáo từ Hạt quản lý đê điều; đã có kiến nghị tới UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Kinh Môn nhưng chưa nhận được văn bản phúc đáp.
Sẽ báo cáo UBND tỉnh
Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương Trương Văn Hơn khẳng định sẽ báo cáo UBND tỉnh sự việc để chỉ đạo các đơn vị trực tiếp liên quan, kiểm tra xử lý công trình sai phạm.
“Tôi sẽ kiểm tra xem việc vi phạm này có được ai bảo kê, bao che như thông tin trong dư luận hay không và có thông tin rõ ràng” - ông Hơn nói.
Tại huyện Kinh Môn hiện có 50 bến bãi chứa vật liệu ngoài đê, trong đó, 42 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng và than đang hoạt động. Nhiều bến bãi có diện tích và chiều cao lớn ảnh hưởng đến an toàn của đê điều và hành lang thoát lũ trong mùa mưa bão.
Chủ tịch UBND xã Hoành Sơn Trần Đức Ba |
UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành chỉ đạo tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh bến, bãi chứa vật liệu và các hoạt động khác ngoài bãi sông liên quan đến đê điều, thoát lũ sông. Hạt quản lý đê huyện Kinh Môn đang thực hiện kiểm tra hiện trạng hoạt động bến bãi trên địa bàn, từ đó ra thông báo gửi đến chủ các bên bãi.
Cuối tháng 5/2018, UBND huyện Kinh Môn thành lập đoàn liên ngành do Phó chủ tịch Nguyễn Đức Tiến phụ trách kiểm tra tại các bến bãi chứa vật liệu xây dựng. Nhiệm vụ của đoàn liên ngành này là tháo dỡ, di dời tất cả các công trình sai phạm trước mùa mưa bão...
''Tuy nhiên, việc tồn tại một công trình sai phạm trên hành lang đê trong nhiều năm tại địa bàn, dù hoạt động kiểm tra, di dời các công trình sai phạm trước mùa mưa bão năm nào cũng được thực hiện những vẫn còn lọt sai phạm và sẽ kiểm tra'' - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương khẳng định.
Chi cục phó Chi cục quản lý đê điều Đỗ Tiến Bậc thẳng thắn: Đây là công trình sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, phải cưỡng chế.
Tác giả: Kiên Trung – Đoàn Bổng
Nguồn tin: Báo VietNamNet