Danh Nhân

Kỷ niệm 107 năm ngày sinh cố TBT Hà Huy Tập ( 24/04/1906 – 24/04/2013)

Hà Huy Tập ( còn có tên, bút danh là Hà Huy Kiêm; Ba; Xinhitxkin; Hồng Thế Công; Josep Marat;Thanh Hương…) sinh ngày 24 tháng 4 năm 1906 trong một gia đình Nho học có nguồn gốc nông dân, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.


Sau Đại hội, thực dân Pháp đã tiến hành chiến dịch bắt bớ, giam cầm những người cộng sản. Hơn 2/3 cán bộ, đảng viên bị bắt giữ, tra tấn, tù đầy, trong đó có nhiều Ủy viên BCHTW Đảng. Trước tình hình đó, đồng chí Hà Huy Tập vẫn trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của Đảng để giữ vững tinh thần cho cán bộ, đảng viên, giảm bớt thiệt hại và chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo.


Ngày 26 – 7 – 1936, Hà Huy Tập cùng Lê Hồng Phong đồng chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tại Thượng Hải ( Trung quốc), quyết định những vấn đề cơ bản chỉ đạo chiến lược và sách lược mới của Đảng trong thời kỳ mới. Trong hội nghị này, Ban chỉ huy ở ngoài quyết định cử Hà Huy Tập về nước để tổ chức Ban Trung ương và khôi phục các tổ chức Đảng. Từ đây Hà Huy Tập trở thành Tổng bí thư của Đảng.


Cuối tháng 7 – 1936 Hà Huy Tập về Sài Gòn và quyết định chọn địa điểm Mười tám thôn vườn trầu ( Hoc Môn) làm Trụ sở Trung ương Đảng. Tháng 10 – 1936 Hà Huy Tập đã tái lập được BCHTW Đảng tại Sài Gòn. Sau đó BCH Trung ương đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất bàn về công tác xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng.


Ngày 2 đến 3 – 3 năm 1937 Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị BCHTW lần thứ 2 để kiểm điểm lại hoạt dộng của Đảng và bầu BCHTW, đồng chí tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư.


Trong thời gian này Hà Huy Tập đã sáng lập, làm Tổng biên tập các cơ quan ngôn luận của Đảng như báo L.Avant, Le Peuple, viết nhiều tác phẩm lý luận và các Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản.


Từ ngày 29 đến 30 – 3 – 1938, Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị BCHTW lần thứ 3. Tại Hội nghị này đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Hà Huy Tập vẫn nằm trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng.


Ngày 1 – 5 -1938 Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt khi đang bí mật chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn nhân ngày Quốc tế lao động. Anh bị Tòa tiểu hình Sài Gòn kết án 2 tháng tù giam và cấm lưu trú 5 năm, sau đó Tòa Thượng thẩm xử them 6 tháng tù và 5 năm biệt xứ. Ngày 28 – 3 – 1929, Hà Huy Tập được thả khỏi khám lớn Sài Gòn và bị đưa về quê quản thúc. Tại Nghệ Tĩnh, với tinh thần ham hoạt động, Hà Huy Tập tìm mọi cách liên lạc với tổ chức Đảng và tham gia các phong trào cách mạng của quần chúng, sau đó bị giam giữ tại nhà tù ở Nghệ An.


Nhận thấy Hà Huy Tập là một nhà hoạt động cách mạng nguy hiểm, Thực dân Pháp đã bắt giữ và giải Hà Huy Tập vào giam giữ tại Sài Gòn. Chúng liên tiếp tra tấn và mở nhiều phiên tòa để xét xử, kết án đồng chí. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhân cơ hội này chúng gán ghép cho đồng chí “ có trách nhiệm tinh thần” với cuộc khởi nghĩa và kết án tử hình..


Ngày 2 – 5 – 1941, Hà Huy Tập viết thư vĩnh biệt cho gia đình và bạn hữu, thể hiện ý chí kiên cường của một người cộng sản chân chính với lời nhắn gửi bất hủ: “ Hãy xem tôi như người còn sống”.


Ngày 28 – 8 – 1941, tại trường bắn Ngã tư giếng nước ( Hóc Môn, Gia Định) thực dân Pháp đã xử bắn Hà Huy Tập cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu…


Cuộc đời đồng chí Hà Huy Tập đã khép lại ở tuổi 35 tràn đầy nhiệt huyết, nhưng sự nghiệp cách mạng của Anh đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một tấm gương sáng ngời của người cộng sản, thật đúng như Chủ tich Hồ Chí Minh đã khẳng định: “ Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước nhất. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và dân tộc. Các đống chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.


Để ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Hà Huy Tập và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, ngôi nhà nơi đồng chí sinh ra và lớn lên ở quê hương đã được Nhà nước ta xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng quốc gia. Bên cạnh đó Khu trưng bày, tưởng niệm đồng chí Hà Huy Tập cũng được xây dựng, thi hài đồng chí được đưa về an nghỉ vĩnh hằng tại quê hương Cẩm Xuyên để hàng ngày bà con quê hương, du khách muôn phương được đến đây để chiêm ngưỡng, học tập tấm gương của một con người suốt đời chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, hạnh phúc của nhân dân./.


Theo: bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP