Kỳ Anh

Kỳ Anh: “Trái đắng” từ những mảnh vỡ

Ngô Khánh Hùng (SN 1994, trú xã Kỳ Phong, Kỳ Anh) chỉ học hết lớp 9. Gia đình y khá “có duyên” với trại giam khi bố là Ngô Văn Tường (SN 1968), hiện chấp hành án tại trại Xuân Hà và anh trai Ngô Khánh Tiến (SN 1991) đang bị tạm giam tại trại Cầu Đông về hành vi trộm cắp xe máy. Bố mẹ ly hôn, đứa trẻ mới lớn như Hùng chưa kịp hiểu hết mọi chuyện, trong phút chốc trở nên bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời.

Bố vào tù, mẹ bỏ đi, không ai dìu dắt, đứa trẻ nghĩ ra cách kiếm tiền bằng việc cưỡng đoạt tài sản của người khác. Nhưng ít ai biết, đằng sau kẻ phạm tội ma mãnh và lỳ lợm lại là góc khuất của một người con sớm phải gánh chịu “trái đắng” gia đình.
“Trái đắng” từ những mảnh vỡ
Đối tượng Ngô Khánh Hùng

Không người dìu dắt, Hùng như chú ngựa hoang không kìm được dây cương. Y dần sa chân vào cạm bẫy. Để có tiền tiêu khiển, Hùng nghĩ ra cách “xin đểu” người khác. Năm 2010 là dấu mốc kết thúc cuộc sống lang bạt của Hùng khi y bị Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh xử phạt 12 tháng tù giam với tội danh cưỡng đoạt tài sản. Chỉ 2 năm sau, y quay lại chốn cũ với hình phạt 12 tháng về tội trộm cắp tài sản do Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh tuyên. Trở về từ chốn lao tù vào tháng 5/2014, Ngô Khánh Hùng tiếp tục cuộc sống “không gia đình”.

Ngày 4/8/2014, Hùng ra TP Hà Tĩnh. Y gọi điện cho Nguyễn Duy Hải (SN 1982, trú phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) đón rồi cả hai đến Trường Trung cấp Kinh tế vay tiền bạn mua ma túy.

Sau khi “xin đểu” được 50.000 đồng, Hùng vào phòng trọ của Võ Văn Cương (SN 1996, quê xã Phúc Đồng, Hương Khê) ở gần trường. Lấy điện thoại của Cương gọi cho bạn vay tiền nhưng không được, sẵn con dao Thái gần đó, Hùng cầm lên đe dọa, buộc Cương phải đưa tiền…

Lo sợ Hùng và Hải quay lại quấy rối lần nữa, Võ Văn Cương làm đơn trình báo công an. Biết sự việc đã bị phát giác, Hải thừa cơ bỏ trốn; Hùng bị dẫn giải về cơ quan điều tra. Sự từng trải ở một thanh niên mới lớn khiến không ít người ngỡ ngàng. Y ráo hoảnh, lạnh lùng đối mặt với từng chất vấn của điều tra viên. Có lẽ, cuộc sống quá nhiều cạm bẫy và vấp ngã đã tôi luyện cho Ngô Khánh Hùng bản tính lỳ lợm trong mọi hoàn cảnh. Chấp nhận đưa tay vào còng số 8 và bị dẫn giải về trại giam nhưng người đối diện vẫn đọc được trong ánh mắt của Hùng sự không chịu khuất phục.

Quen với cuộc sống phiêu bạt, những ngày trong trại tạm giam chẳng khác nào sợi dây vô hình trói buộc Hùng. Trong suy nghĩ của y, không còn cảm giác áy náy, ân hận mà chỉ là làm cách nào để trốn thoát? Đến một ngày, các chiến sỹ công an trại giam đi làm nhiệm vụ bảo vệ tại phiên tòa, nhận thấy cơ hội đã đến, Hùng giả vờ đau bụng quằn quại rồi đề nghị được đưa đi kiểm tra sức khỏe. Thừa lúc chỉ có duy nhất một công an viên, y nhanh chóng “khỏe lại”, vụt chạy trốn khỏi trại giam. Tuy nhiên, “lưới trời lồng lộng”, chỉ trong vòng hơn 1 ngày, Ngô Khánh Hùng đã bị tóm khi đang lẩn trốn tại Kỳ Anh.

Gia đình là chỗ dựa an toàn nhất, là tấm “áo giáp” bảo vệ con cái trước những tiêu cực xã hội. Chiếc áo ấy được may bằng mũi chỉ của tình thương, trách nhiệm, sự quan tâm gắn bó. Thiếu sự dạy dỗ nghiêm khắc của người cha hay những lời uốn nắn nhẹ nhàng của người mẹ đã là một khó khăn trong giáo dục nhân cách đứa trẻ. Hùng không những vắng hẳn sự chăm lo, chỉ dạy của người lớn mà còn bị ám ảnh từ lý lịch gia đình. Sự đổ vỡ từ cuộc sống gia đình khiến y ngày càng trở nên lỳ lợm…

Cánh cửa trại giam đã đóng lại trước mắt Ngô Khánh Hùng, để y suy ngẫm về quá khứ đầy vết nhơ và tương lai phía trước. Chẳng biết, bố và anh trai Hùng đã hay tin lại có một thành viên nữa của gia đình nối gót vào trại giam hay chưa. Liệu đến một ngày nào đó, hai con người sống trong bốn bức tường bao quanh có cảm thấy xót xa khi nghĩ về “trái đắng” của gia đình?

Thùy Dương

  Từ khóa: mảnh vỡ , Trái đắng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP