Từ những ống tre phơi khô, khoan lỗ đến những chiếc dây treo lơ lững trên các cành cây ngay dưới những hàng cây trong sân trường đã tạo nên một “thư viện xanh”, một “ Vườn cổ tích”, nơi miền sơn cước, từng bước góp phần hình thành văn hóa đọc ngay từ thời thơ ấu cho các em học sinh.
Qua tìm hiểu; hiện nay, mô hình thư viện cũ ở trường Tiểu học Kỳ Sơn không còn phát huy tác dụng, đáp ứng được nhu cầu học tập và tìm hiểu của các em học sinh. Xuất phát từ ý tưởng đó, trường Tiểu học Kỳ Sơn đã đầu tư xây dựng mô hình “Thư viện xanh” với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng với hơn 1000 ngày công lao động. Trong đó, nguồn lực chủ yếu huy động từ nhân dân và nguồn kinh phí của nhà trường. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, mô hình “thư viện xanh” của nhà trường đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, vào những giờ ra chơi hay các buổi học ngoại khóa, thư viện đã thu hút hàng trăm bạn học sinh ở mọi lứa tuổi đến đây để đọc chuyện, đọc sách. Từ đó, dần dần hình thành văn hóa đọc cho các em học sinh. Em Nguyễn Vũ Sơn Mai- học sinh lớp 4A trường Tiểu học Kỳ Sơn cho biết; “ Từ khi thư viện xanh của nhà trường đi vào hoạt động, em và các bạn đã có điều kiện được đọc những cuốn sách mà mình yêu thích, em cảm thấy rất vui và thoải mái khi được đọc sách ngay tại thư viện xanh của trường, vừa thoáng mát thoải mái lại vừa có nhiều loại sách báo rất hay mà em chưa từng được đọc, điều nay đã giúp em yêu thích hơn việc đọc sách so với trước kia”
Mô hình “Thư viện xanh” của trường Tiểu học xã Kỳ Sơn từ chỗ chỉ có vài trăm cuốn sách nhưng nay ở mỗi gốc cây trong khu vườn tri thức ấy. Không chỉ có Toán học tuổi thơ, Văn hay- chữ đẹp, Em yêu thiên nhiên, Vườn cổ tích… mà còn có Kể chuyện Bác Hồ. Hàng trăm câu chuyện cổ tích, hàng nghìn cuốn sách một kho tàng tri thức đã đến được với các em học sinh. Là người nhiều năm làm công tác đoàn đội, anh Nguyễn Thanh Sang- Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Kỳ Sơn- người tâm đắc với mô hình này đã khẳng định qua những kho tàng kiến thức trong “Thư viện xanh” đã giúp các em ý thức được những việc làm tốt, những điều hay lẽ phải trong cuộc sống thường ngày và loại bỏ dần những thói hư tật xấu, để hướng tới chân- thiện- mỹ.
Kỳ Sơn là xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Kỳ Anh, đời sống của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng mô hình thư viên xanh là điểm nhấn khá lý tưởng của việc triển khai phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Thông qua hoạt động của “Thư viện xanh” đã góp phần rèn luyện thói quen đọc sách trong học sinh, giúp các em mở rộng kiến thức, góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh, tạo ra một không gian học tập, giải trí mở cho các em toàn trường. Từ đây, thói quen đọc sách đã được hình thành trong mỗi học sinh. Thầy cô giáo cùng các em học sinh đọc sách, cùng nhau giúp đỡ và cùng khám phá những chân trời tri thức mới. Thư viện xanh- thư viện thân thiện đang mở ra nhiều điều kỳ diệu lý thú cho thầy và trò Trường Tiểu học Kỳ Sơn. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Phan Huy Dương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Sơn cho biết; “ Có thể nói, xây dựng mô hình “Thư viện xanh ” đã giúp các em phát huy sự sáng tạo, khơi dậy niềm tự hào, hoạt động của thư viện xanh là ngọn lửa nhỏ thắp sáng niềm tin trong mỗi học sinh, nuôi dưỡng sự thân thiện cởi mở giữa thầy và trò, giữa lớp với trường, giữa học sinh với quyển sách. Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” đã trở thành hiện thực để các em học sinh tự tin phấn đấu, rèn luyện học tập và tu dưỡng đạo đức tốt, xứng đáng là “Con ngoan, trò giỏi ”.
Tin rằng, trong số các em học sinh học dưới mái trường vùng sâu, vùng xa này sẽ có những em vươn tới được các đỉnh cao của tri thức nhân loại. Các em sẽ bay cao, bay xa trong những câu chuyện cổ tích của mình… và tin chắc rằng dù ở phương trời nào, trong tâm hồn của các em, hình ảnh “ Thư viện xanh” của ngôi trường yêu dấu sẽ mãi mãi không phải giờ phai trong ký ức tuổi học trò./.
Tác giả bài viết: Mạnh Hải –Phạm Tuấn – Mai Dung
Kỳ Anh