Điểm trường THCS Kỳ Lợi được xây mới khang trang để phục vụ cho một số học sinh thuộc diện di dời tái định cư ở thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi) theo học. Ảnh: Đức Hùng. |
Theo lý giải của cha mẹ học sinh, hàng ngày con em họ sẽ phải di chuyển 22-25 km mới lên đến điểm trường mới. “Dù có ôtô đưa đón, nhưng ngày nào con tôi cũng phải đi về gần 50 km sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe”, ông Hoàng Công Nguyên (thôn Đông Yên) nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Trọng Bính, Bí thư huyện Kỳ Anh cho biết, lộ trình chuyển điểm trường lên khu tái định cư đã có sự chuẩn bị từ tháng 3. Điểm trường mới được xây dựng khang trang để tiếp nhận học sinh chuyển về. Huyện đã đưa ra nhiều phương án để đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cháu.
Theo ông Bính, huyện đã bỏ ra mỗi tháng 80 triệu đồng, thuê 5 ôtô chở học sinh từ thôn Đông Yên lên điểm trường ở khu tái định cư. Tuy nhiên, một số hộ dân vì không đồng tình với việc kiểm đếm, định giá tài sản đền bù giải phóng mặt bằng nên tìm cách cho con em nghỉ học để gây sức ép với cơ quan chức năng.
“Học và giải phóng mặt bằng là hai việc khác nhau. Phụ huynh cần tôn trọng quyền học tập của con em. Đây là hướng đi nằm trong lộ trình phải thực hiện, người dân nên ủng hộ các phương án của chính quyền”, vị Bí thư nói.
Người đứng đầu huyện Kỳ Anh cũng chia sẻ, huyện sẵn sàng chi ngân sách cho việc đưa đón học sinh; đồng thời giao cho phòng giáo dục lập phương án, khi nào học sinh đến lớp sẽ tổ chức dạy thêm để bù đắp những kiến thức hổng chưa thể theo kịp trong gần 3 tháng qua.
“Dự kiến trong tháng 12 chính quyền sẽ thực hiện xong việc kiểm kê, kiểm đếm và thực hiện xong đề bù tiền giải phóng mặt bằng”, ông Bính cho biết thêm.
Xã Kỳ Lợi có 1.235 hộ dân phải di dời lên khu tái định cư nhường đất cho dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng). Hiện tại, hơn 200 hộ dân chưa di dời, trong đó có 79 hộ chưa kiểm kê, kiểm đếm tài sản, 76 hộ đã kiểm kê, kiếm đếm nhưng chưa nhận tiền, 74 hộ đã nhận tiền nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên chưa thể di dời. |
Đức Hùng