Chuyện khó tin

Kinh hoàng xác chết ‘đội mồ sống dậy’

Với phép thuật cao siêu, pháp sư có thể khiến xác chết tự đứng dậy và bước đi trong dáng vẻ cứng nhắc, vô hồn.

Cứ 3 năm một lần, người Baruppu tại huyện miền núi Tana Toraja thuộc tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia lại tổ chức tập tục kỳ lạ có tên Ma’nene. Nó thường diễn ra trước mùa vụ hoặc hết tháng 8 hàng năm.

Chính vì vậy, đây là dịp mọi người trong gia đình, dòng họ tụ tập đông nhất để cùng làm giỗ.

Theo phong tục truyền thống, xác chết của những người thân trong gia đình, tổ tiên được những người còn sống đào lên khỏi mộ. Sau đó, họ đem những thi thể đó về nhà, thay quần áo mới như một cách tưởng nhớ người đã khuất. Thời gian cử hành các nghi lễ kéo dài trong 3 ngày.

Cụ thể, vào ngày thứ nhất, người ta sẽ mở nắp quan tài của người chết và đưa thi hài lên trên. Sau đó, họ đặt người đã khuất ra khu vực làm lễ và xung quanh có đầy đủ người thân, họ hàng.

Họ tiếp tục lau rửa xác người chết, nhiều khi đó chỉ còn là những bộ xương trắng do đã mất nhiều năm nên thịt và nội tạng bị phân hủy hết. Tiếp đó, những người thân trong gia đình xác chết mặc quần áo sạch mà người chết từng mặc lúc còn sống hoặc trang phục mới.

Kế đến, gia đình “dẫn” người chết đi diễu khắp làng trên xóm dưới để người dân cúng viếng. Người Baruppu tin rằng, mặc dù những người quá cố đã chết hàng trăm năm nhưng linh hồn họ vẫn tồn tại và sẽ phù hộ cho gia đình tránh được những điềm dữ, tai ương, sâu bọ phá hoại mùa màng hay những bất hạnh trong cuộc sống…

Vào ngày thứ hai, dân làng đưa xác chết vào quan tài và đóng nắp, đậy kín mộ. Đến ngày thứ 3, gia đình, dòng họ cùng nhau tổ chức buổi đọc kinh và làm cỗ giỗ để tưởng nhớ người quá cố.

Pháp sư đang triển khai phép thuật để xác chết có thể đi lại và trở về nhà
Pháp sư đang triển khai phép thuật để xác chết có thể đi lại và trở về nhà.

Truyền thuyết của người dân Baruppu kể lại rằng, tập tục Ma’nene ra đời từ xa xưa. Khi đó, một người thợ săn có tên Pong Rumasek đang đi săn thú hoang ở khu rừng Balla thì bất ngờ phát hiện xác chết nằm dưới những gốc cây và chỉ còn lại bộ xương. Cảm thấy thương người xấu số bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc và không được mai táng chu đáo, Pong Rumasek liền cởi chiếc áo của mình rồi mặc cho xác chết. Sau đó, ông đào một cái hố và chôn cất thi thể vô danh.

Sau khi an táng xong, Pong Rumasek tiếp tục cuộc đi săn thú rừng để lấy thịt và bán lấy tiền mua những thứ cần thiết trong gia đình. Kể từ đó, lần nào Pong Rumasek đi săn đều thu hoạch lớn. Thậm chí, ruộng lúa của ông không cần chăm sóc mà vẫn trổ bông chín vàng.

Vì vậy, ông chỉ cần mang dụng cụ ra cắt lúa và chở về nhà. Rumasek tin rằng, những điều may mắn, kỳ lạ đến với mình là nhờ đã mặc quần áo và chôn cất tử tế xác chết vô danh ở trong rừng.

Cũng từ đó, dân làng bắt đầu thực hiện tập tục đào mồ và thay quần áo cho xác chết. Ngoài ra, tập tục Ma’nene còn có một số quy định cấm mà người còn sống phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu không sẽ rước họa vào thân.

Cụ thể, nếu người chết là chồng hoặc vợ thì người còn sống chỉ được đi thêm bước nữa (tái hôn)sau 3 năm chịu tang, tức sau khi làm lễ thay quần áo cho người mà mình đã từng chung chăn gối.

Để cử hành tập tục Ma’nene, người dân còn mời pháp sư đến gọi linh hồn và khiến xác chết sống lại. Pháp sư được cho là người có sức mạnh phi thường. Họ có thể làm cho một xác chết nằm yên trong quan tài có thể đi lại khắp xóm làng cũng như xuất hiện trong đám giỗ của chính họ.

Thông qua những lời cầu khấn, bài văn tế… của pháp sư, người thân, con cháu sẽ không bị người quá cố trách phạt vì hành động đào mộ này.

Một xác chết được mặc quần áo và đi
Một xác chết được mặc quần áo và đi “chào hỏi” họ hàng, bà con làng xóm.

Hiện người dân ở Mamasa, phía Tây Toraja vẫn còn duy trì tập tục này và dĩ nhiên có nhiều pháp sư nổi tiếng đảm nhiệm việc cúng lễ theo nghi thức độc đáo, kỳ lạ trên.

Người Mamasa tin rằng, hồn ma của người quá cố cần phải quay trở về ngôi làng mà họ từng sinh sống để gặp lại người thân, họ hàng. Thêm vào đó, người còn sống sẽ hướng dẫn cho họ phải đi tiếp chặng đường sang thế giới bên kia như thế nào sau khi đã cử hành các nghi lễ ma chay.

Dân làng Mamasa rất sợ những cuộc hành trình dài khi phải tiễn đưa người đã khuất sang thế giới bên kia bởi đường quá xa khiến họ khó có thể trở về làng. Nhưng nếu họ chết và được chôn ở gần làng thì những pháp sư có “nội công thâm hậu” có thể điều khiển âm binh để dẫn đường chỉ lối cho xác chết tự về làng.

Theo niềm tin của người Mamasa, người chết có thể tự đi về nhà cho dù họ được chôn cất ở bất cứ nơi đâu, thậm chí khi chỉ còn là một cái xác khô đã được chôn hàng trăm năm. Họ có thể đứng dậy, tự tìm đường về làng nhờ “thần lực” của pháp sư.

Vì vậy, khoảng cách không gian và thời gian đều không hề ảnh hưởng đến hành trình quay trở về nhà để gặp người thân, họ hàng, hàng xóm của xác chết.

Với phép thuật cao siêu, pháp sư có thể khiến xác chết đang nằm trong quan tài tự đứng dậy và bước đi trong dáng vẻ cứng nhắc giống như người máy kèm theo khuôn mặt vô hồn.

Tuy nhiên, nếu trên đường trở về nhà mà người nhà hay khách qua đường vô tình nhắc đến họ một cách trực tiếp thì xác chết sẽ đổ ụp xuống và không thể đi tiếp.

Vì vậy, khi tiến hành tập tục kỳ quái, đặc biệt này, người nhà của xác chết phải cảnh báo người qua đường không được bàn luận chuyện gì về người đã khuất nếu không sẽ gặp phải tai ương.

Chính vì lẽ đó, thân nhân của người quá cố thường chọn những tuyến đường vắng bóng người qua lại để rước xác chết về nhà một cách bình an mà không gặp phải những “sự cố” ngoài ý muốn.

Theo Báo Du Học

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP