Không biết từ bao giờ, dân chơi Hải Phòng thể hiện đẳng cấp bằng “đập đá phá bình”. Chỉ biết rằng “đá” (tức “ma tuý đá”) được dân chơi sử dụng từ đám cưới, sinh nhật, họp nhóm… Tất cả cuộc vui của dân chơi phải có “đá” mới “xôm”. Các dân chơi đập đá thể hiện sành điệu bằng đủ các loại bình, coóng, những tay khò đá chuyên nghiệp cùng nhạc, MC. Tất cả thú chơi, cách chơi quái dị đang dần dần “đốt đời” những dân chơi đất Cảng tự cho mình là sành điệu, thời thượng.
| |
Một nữ dân chơi đất Cảng “đập đá”. |
Trực tiếp với “sư phụ của ngáo đá”
Nhờ mấy anh bạn dân chơi giới thiệu, tôi được tiếp tục với vài dân chơi có thâm niên “đập đá”, tôi được họ giới thiệu với Tuấn “lợn” – một cậu ấm đất Cảng chính hiệu, từng có 10 năm sinh sống tại đất Hồng Kông, được dân chơi đồn thổi là một trong những “công thần cõng đá” về Hải Phòng. Tìm được Tuấn “lợn” không phải dễ dàng, bởi sự thoắt ẩn, thoắt hiện của “con ma đá” này. Tuấn “lợn” sống không theo quy luật; khi gặp trong ngõ Dân Lập; lúc lại ở miếu Hai Xã; chán hắn lại vất vưởng qua Quán Nam… Từng là cậu ấm thực thụ nhưng đến bây giờ, theo một vài dân chơi, Tuấn chả còn đủ tiền mua nổi một “cục gạch” – tức điện thoại di động loại rẻ nhất – mà gọi. Mà nếu có, chả mấy chốc, Tuấn lại cho nó mất hút theo làn khói trắng.
Tuấn nói trong trạng thái phấn khích: “Đầu những năm 2000, ở Việt Nam chưa hề biết đến “ma tuý đá”. Vì thế, càng chơi nó càng thể hiện đẳng cấp đại gia. Nhà anh trước kia đi Hồng Kông không khác gì đi chợ. Nhà có điều kiện nên những ngày đầu, anh “chơi thả cửa”. Đất Hải Phòng này là nơi đầu tiên trong cả nước có “đá”, vì nhiều người ở Hồng Kông. Ngày trước, dân chơi Hà Nội, Sài Gòn nhìn thấy dân Hải Phòng “đập đá”, chỉ có “khóc thét”. Phải 3 – 4 năm sau, “đá” mới phổ biến ở Hà Nội và Sài Gòn”. Những ngày đầu, Tuấn “lợn” vừa lắm tiền lại lắm “đá”, không ít hotgirl đất Cảng đã “qua tay” Tuấn “lợn””.
Những buổi tiệc “đập đá”, “xả đá” với các em út, nghe Tuấn “lợn” kể mà nhiều dân chơi phát choáng và nể phục. Thời kỳ đỉnh cao của Tuấn “lợn”, mỗi đêm đưa cả chục em vào cùng với dân chơi “quần thảo” trong tiếng nhạc, khói trắng nghi ngút. Vừa là cậu ấm, anh em, họ hàng đều là Việt kiều, tiền nhiều nên Tuấn “đập đá” mà không phải nghĩ ngợi về tiền bạc. Về chuyện em út, lúc “xả đá”, Tuấn “lợn” luôn đi “some” (trên hai cô một lúc) chính vì vậy, biệt danh Tuấn “lợn” ra đời. Theo lời của Tuấn “lợn”, dân chơi ban đầu thường chỉ chơi hết 1 – 2 “gờ” “đá”/đêm, sau “nâng độ” lên thành 3 “gờ” mới thấy “hơi phê”. Thời kỳ cao điểm, có khi cả tuần, Tuấn không bước chân ra khỏi phòng trọ vì mỗi ngày “chơi” tới 5 “gờ đá”.
Chơi nhiều, quen với cái bật lửa khò và thích đùa với những chiếc coóng thủy tinh đến mức, mỗi khi bị “cuốn”, Tuấn “lợn” có thể dùng bật lửa khò “chỉnh hình” lại chiếc coóng để nó đẹp hơn rồi đem cho bạn bè cùng chơi.
| |
“Bàn ục xịn” được Tuấn “lợn” đầu tư. |
Đường về đất Cảng trong cơn bão ma tuý mới
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời kỳ đầu, “ma tuý đá” thuộc dạng cực hiếm, đối với Tuấn “lợn” việc mua cái thứ giống như mì chính (bột ngọt), này không quá khó khăn nhưng cũng không phải lúc nào cũng có. Ngày đầu, muốn có được “ít hàng”, Tuấn phải đợi bà chị Việt kiều bên Hồng Kông gửi về theo đường hàng không. Ban đầu, nói đến “đá”, nhiều người Việt không biết nó là cái gì. Chỉ có những dân chơi sành điệu mới biết được”.
Tuấn vừa nói, vừa cười sảng khoái. Đối với những dân chơi “đá” thời thượng ban đầu, chỉ những cậu ấm đặc biệt như Tuấn “lợn” mới có thể có. “Ngày đó, “đá” hiếm, lại đắt, ít người biết “chơi”, bọn anh mang về Hải Phòng, chỉ có những VIP tiền tấn mới “chơi” được. Những năm 2000, “đá” có giá đến 100.000 VNĐ/gờ (gam), không có mà mua”.
Theo Tuấn “lợn”, thời gian đầu, không chỉ khó mua “đá” mà “bình” cũng khó kiếm. Ngày ấy, để có một bình “đập đá” đẳng cấp cũng phải đặt từ nước ngoài mang về. Tuấn tự cho mình đi trước thời đại, bởi khi “dân đá” nổi thì cũng là lúc Tuấn đã ở một đẳng cấp khác về “đá”. Thú chơi “đá” của Tuấn đã ở mức siêu hạng trong cơn lốc “đá” đất Cảng.
Tuấn “lợn” còn bật mí, thời kỳ đỉnh cao của Tuấn được xem là một “thế lực ngầm” và khiến dân chơi Hà Nội phải lặn lội tìm xuống Hải Phòng để “lĩnh giáo” về “đá”. Sau thời kỳ đó, khi dân Hà Nội “rộ đá” cũng là lúc “đá” ở Hải Phòng đi vào thời kỳ thoái trào. Nhất là sau vụ Lê Văn Công (đối tượng nổi danh trong giới giang hồ đất Cảng, đã bị tử hình và đã chết vì bệnh tật trước khi thi hành án), bị bắt liên quan đến “ma tuý đá”. “Sau đó, dân chơi Hải Phòng cũng như Hà Nội lùng “đá” phát rồ, phát dại. Khi “đá” được Trung Quốc sản xuất nhiều, về Việt Nam theo đường biên, lúc đó dân chơi mới có nhiều “hàng” để “xả”. “Nói chung, “đá” ở đất Cảng này thì vừa là mới cũng vừa là cũ”, Tuấn “lợn” kết luận.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một cán bộ phòng PC47, Công an TP. Hải Phòng cho biết, xuất phát từ vấn đề nhận thức sai lệch cho rằng, ma túy tổng hợp không nghiện hoặc có nghiện cũng không nặng như heroin. Họ cho rằng, tác hại về sinh lý không lớn, cùng với trào lưu của bộ phận giới trẻ quan niệm “chơi” heroin là lỗi thời, thanh niên thời thượng phải “chơi” ma túy tổng hợp, cho nên những năm gần đây, ở Hải Phòng số người nghiện mới heroin rất ít, chủ yếu là tái nghiện. Số người sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
Thời gian qua, các loại ma túy tổng hợp xuất hiện và được sử dụng ở Hải Phòng là hồng phiến, thuốc lắc, ketamin, “ma túy đá”. Tình trạng người sử dụng ma túy tổng hợp lây lan và phát triển nhanh, tập trung ở lứa tuổi thanh, thiếu niên trong khu vực nội thành.
Ảnh minh họa |
Nếu như trước đây, các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp (chủ yếu là thuốc lắc…) thì nay, do các lực lượng chức năng công an thành phố tăng cường kiểm soát, đấu tranh mạnh nên tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các vũ trường, quán bar… tuy vẫn còn nhưng ít hơn. Chúng thường lén lút, không còn công khai phức tạp như trước đây. Các đối tượng sau khi đã vui chơi trong các vũ trường, quán bar thường di chuyển đến các khách sạn, nhà nghỉ, quán trọ… để sử dụng ma túy tổng hợp.
Đáng lưu ý, gần đây, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp đã lây lan và phát triển rất nhanh sang các vùng giáp ranh với nội thành, vùng ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh làm cho tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp trên địa bàn thành phố diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo Đời sống & Pháp luật