Pháp luật

Kiều nữ và chiêu lừa đảo bán hàng qua zalo

Thư nghỉ bán hàng nhưng vẫn quảng cáo trên Zalo, rồi nhận tiền của khách đặt hàng, sau đó chặn tài khoản của khách để chiếm đoạt tiền đã nhận.

Ngày 13-6, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm về phần quyết định tội danh và hình phạt, tuyên phạt Hồ Thị Anh Thư (19 tuổi, ngụ quận Ô Môn) một năm sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Thư tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13-6. Ảnh: NN

Theo tòa, tội danh sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản mà cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo Thư quy định tại Điều 226b BLHS năm 1999, tương ứng là Điều 290 BLHS năm 2015 thì hành vi của bị cáo không thuộc trường hợp nào quy định tại những điều luật này. Điều luật này cũng không quy định về hành vi khác. Bị cáo chiếm đoạt số tiền 21,2 triệu đồng. Do đó, đề nghị của VKS đổi tội danh của bị cáo sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ.

Theo hồ sơ, từ năm 2014, Thư sử dụng số điện thoại di động đăng ký trên mạng Zalo với tên tài khoản “Shop Mỹ Phẩm Thời Trang” để làm trung gian bán hàng giầy dép, mỹ phẩm cho “Shop Mỹ Phẩm Thủy Siêu” tại TP.HCM để hưỡng tiền hoa hồng 20% trên giá trị sản phẩm bán được.

Đến tháng 3-2015, Thư sử dụng tài khoản Zalo trên tự quảng cáo bán hàng trực tuyến các loại mỹ phẩm, thời trang nhưng Thư không có hàng để bán mà nhằm mục đích lừa chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Thủ đoạn của Thư là khi có khách đặt hàng thì Thư yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của mình tại ngân hàng ở quận Ô Môn thì Thư mới chuyển hàng. Sau khi nhận tiền, Thư hẹn 2-3 ngày sẽ giao hàng. Tuy nhiên, nhận tiền xong Thư sử dụng chức năng của mạng Zalo chặn tài khoản của khách hàng để họ không liên lạc được với Thư và Thư chiếm đoạt tiền của họ.

Với thủ đoạn trên, Thư đã chiếm đoạt của 42 người ở hàng chục tỉnh, thành của cả nước. Tổng số tiền Thư đã chiếm đoạt 21,2 triệu đồng.

Xử sơ thẩm vào ngày 15-12-2016, TAND quận Ô Môn xử phạt Thư 3 năm tù về tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 226b BLHS năm 1999. Sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tác giả: Nhẫn Nam

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP