Formosa xả thải

Không niêm phong, cả chục tấn cá độc bán hết, ăn chết người ai chịu?

Nguyên tắc lấy mẫu cá bị độc xét nghiệm phải niêm phong để tránh tẩu tán, đánh tráo nhưng Sở Y tế Hà Tĩnh đã không làm đúng quy trình. Cá độc bán ra thị trường, ăn chết người ai chịu trách nhiệm?

Như báo điện tử Người Đưa Tin đã cung cấp đến bạn đọc thông tin gây bức xúc dư luận và sự khó hiểu của Chi cục ATVSTP và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh khi lấy mẫu xét nghiệm gần chục tấn hải sản đông lạnh (4/2016) nhưng không niêm phong.

Đến đầu tháng 7/2016, đơn vị kiểm nghiệm mới công bố gần chục tấn hải sản trên hầu như đều nhiễm kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép và đề nghị phải tiêu hủy. Điều đáng nói, hàng chục tấn hải sản nhiễm độc sau sự cố Formosa gây ra với 4 tỉnh miền Trung đã được tiêu thụ gần hết.

Không niêm phong, cả chục tấn cá độc bán hết, ăn chết người ai chịu? - Ảnh 1

Gần 10 tấn hải sản nhiễm kim loại nặng nguy hại đã bán gần hết.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra bộ Y tế cho biết: “Quy trình lấy mẫu thủy sản để kiểm nghiệm là do bên Cục An toàn Thực phẩm đảm nhiệm. Quy trình lấy mẫu thủy sản để kiểm nghiệm rất chặt chẽ, sau khi lấy mẫu phải niêm phong chờ kết quả kiểm nghiệm để có phương án xử lý.

Thông thường sẽ lấy 3 mẫu, một mẫu được lưu tại cơ sở, một mẫu lưu ở cơ quan kiểm nghiệm và một mẫu để kiểm nghiệm-PV)”.

Trước phản ánh của báo, Chánh thanh tra Bộ Y tế rất hoan nghênh báo Người Đưa Tin đã thông tin đến Bộ Y tế và đề nghị phóng viên liên hệ đến Cục An toàn Thực phẩm để có câu trả lời chặt chẽ và có hướng xử lý kịp thời.

Không niêm phong, cả chục tấn cá độc bán hết, ăn chết người ai chịu? - Ảnh 2

PGS. TS Phan Thị Sửu lo lắng hàng chục tấn hải sản người dân ăn phải.

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, PGS. TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam tỏ ra hết sức bất ngờ trước việc lấy mẫu hải sản mà không niêm phong: “Về quy trình, việc lấy mẫu hải sản đi kiểm nghiệm thì số hàng còn lại phải được niêm phong chặt chẽ.

Hơn nữa, việc niêm phong để đảm bảo cho số hàng hóa, sản phẩm khi chưa có kết luận từ cơ quan kiểm nghiệm không bị đánh tráo, cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng không mua phải hàng đang đợi kết quả kiểm nghiệm.

Việc không niêm phong thì hàng chục tấn hải sản đó có thể tuồn ra thị trường bất cứ lúc nào. Cần thiết phải xem xét trách nhiệm cơ quan lấy xét nghiệm đã không làm đúng quy trình”.

Xung quanh việc cơ quan kiểm định hơn 2 tháng sau mới có kết luận, trong khi đó hàng chục tấn hải sản đã tiêu thụ gần hết dư luận có quyền đặt ghi vấn giữa cơ quan tiến hành kiểm dịch và các cơ sở “đi đêm”.

Về việc này PGS. TS Phan Thị Sửu cũng cho rằng: “Việc công bố kết quả kiểm nghiệm của ta hiện còn rất chậm chễ nhưng không thể vài tháng mới có kết luận.

Hàng chục tấn hải sản vượt ngưỡng nhiễm kim loại nặng cho phép nhiều lần cần phải tiêu hủy lại được bán ra cho người dân thì hậu quả rất khôn lường. Người dân ăn phải nhiễm độc gây chết người, ủ bệnh thì ai chịu trách nhiệm đây?

Hải sản nhiễm kim loại nặng như Camidi, con người ăn phải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, mầm mống gây nên những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư…”.

Không niêm phong, cả chục tấn cá độc bán hết, ăn chết người ai chịu? - Ảnh 3

Kết quả nghiệm nghiệm cho thấy hầu hết số hải sản tại 4 kho đông lạnh đều nhiễm kim loại nặng vượt gấp nhiều lần cho phép.

Vũ Phương – Hương Lan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP