Giáo dục

Không chuẩn bị tài chính, cha mẹ 'đem con bỏ chợ' khi cho đi du học

“Mẹ ơi, 10 ngày nữa là hết hạn đóng tiền học rồi”, những tin nhắn của con gái đang du học ở Australia luôn khiến chị Khánh bối rối.

Năm 2013, khi con gái vừa vào lớp 10, thấy du học là con đường xuất ngoại dễ nhất, chị Khánh đăng ký cho con sang Australia học. Lúc đó, trừ căn nhà hai tầng rộng hơn 100m2 ở quận 7 mà cả gia đình đang sống, chị còn có hơn 3000m2 đất tại Bà Rịa Vũng Tàu, một nhà nghỉ 10 phòng, vài miếng đất lẻ tẻ tại các quận ở TP HCM. Ước tính tổng tài sản của chị hơn 50 tỷ đồng.

Làm thủ tục nhập học cho con, đóng hết một năm tiền học, một năm tiền nhà, một năm bảo hiểm, mua vé tàu xe một năm, gửi người quen đang sống ở Sydney tiền chi tiêu ăn uống của con... tổng cộng gần 600 triệu đồng, chị yên tâm con có thể học... ba năm bên đó, rồi học tiếp đại học mà quên việc chuẩn bị sẵn tài chính cho những năm học sau.

Kinh doanh bất động sản, cứ có tiền là mua đất, nhiều khi thấy nhà đất đẹp mà không có tiền thì vay ngân hàng để mua nên chị Khánh hiếm khi có tiền mặt trong tay. Mỗi khi con đóng tiền học, chị lại chạy vạy vay mượn, lúc ngân hàng, khi xã hội đen với lãi suất 4-6%/tháng. Mỗi lần xin tiền mẹ phải mất một thời gian khá lâu mới nhận được nên con gái chị bắt đầu đi làm thêm trong kỳ nghỉ hè từ lớp 10 lên lớp 11 để trang trải chi phí hàng ngày. Dù vậy, lúc nào cô bé cũng nơm nớp lo sợ phải về nước nếu mẹ không kịp đóng tiền học. Không thể chuyên tâm học hành, tốt nghiệp phổ thông, cô bé chỉ đăng ký vào trường dạy nghề thay vì ngành Quản trị kinh doanh như dự định ban đầu của hai mẹ con.

Du học sinh khó mà chuyên tâm học tập nếu không được đảm bảo về tài chính - Ảnh: educationnews.org

Du học khi kinh tế gia đình không thực sự dư dả là lý do chính khiến con trai anh Xuân phải bỏ dở giữa chừng, dù cậu đã kiếm được một suất học bổng tương đương 50% học phí tại một trường đại học ở Anh. Từng học ở Anh và có người bạn thân sống tại đây nên anh Xuân luôn hướng con sang Anh học. Anh làm trong một cơ quan nhà nước, vợ làm cho một công ty nước ngoài tại TP HCM, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 50 triệu/tháng. Khi con đi học, vợ chồng anh phải dùng hết số tiền tiết kiệm gần 600 triệu để đóng tiền học cũng như các chi phí trong năm đầu tiên cho con.

Nhẩm tính mỗi tháng chi tiêu của con trai bên Anh bằng tổng lương của cả hai bố mẹ tại Việt Nam, gia đình anh đã cho thuê ngôi nhà đang ở của mình, đi thuê một ngôi nhà nhỏ hơn để dư ra được 6 triệu đồng/tháng. Cả nhà cũng dự tính sẽ cho con trai anh đi làm thêm trong thời gian học tập tại Anh.

Thiếu tiền, không dám mua giáo trình, sách vở, con trai anh không còn thấy hào hứng với việc học. Học nặng, cậu mải đi làm nên không thể kết thúc chương trình sau ba năm. Việc phân bố thời gian và sức khỏe không phù hợp khiến cậu vài lần phải nằm viện, và tháng 8 năm ngoái đành trở về nước khi chưa có bằng cử nhân.

Từng nhiều năm học tập và làm việc tại Đức, tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội đã gặp những du học sinh thi mãi không xong vì mải đi làm kiếm ăn khi không nhận được đủ sự hỗ trợ tài chính từ gia đình. Có những bạn thời gian học đại học kéo dài cả 10 năm vì thi mãi không xong.

"Phụ huynh của các bạn này đã không nhận thức hết được các khó khăn mà lưu học sinh phải trải qua. Họ nghĩ mọi thứ đơn giản và chỉ quan tâm đến số tiền nộp lần đầu. Thường cha mẹ quan tâm nhiều nhất là tiền học nhưng thực ra đó chỉ là một phần, còn rất nhiều chi phí khác nữa liên quan đến quá trình học tập của du học sinh. Nếu chưa thực sự hiểu được vấn đề tài chính mà đã đưa con đi du học, các cha mẹ đã đẩy con đến những hoàn cảnh thực sự khó khăn, nan giải", bà Hương nhận xét. Ví dụ, để được cư trú thêm một thời gian, lưu học sinh cần có một khoản tiền trong tài khoản để chứng minh tài chính.

Bà Hương cũng cho biết thêm dù ở Đức, học đại học không mất học phí, chi phí ở Đức khá rẻ nếu so với các nước khác như Anh, Pháp nhưng để có thể yên tâm cho việc học tập, một du học sinh tại đây cũng cần có khoảng 1.000 euro/tháng (25 triệu đồng).

Từng chứng kiến nhiều bạn bè chạy vạy tiền nong mỗi kỳ đóng tiền học cho con, chị Minh, một thương nhân ở phố cổ Hà Nội, trước khi cho con sang New Zealand du học vào năm 2008 đã bán luôn một căn nhà với giá 1,5 tỷ đồng, chuyển sang đô Mỹ, đem gửi ngân hàng để dùng dần cho 3 năm du học của con. Dù nhiều lần khát vốn để đầu tư vào một dự án nào đó, chị tuyệt đối không động vào số tiền này. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của mẹ, con chị đã trải qua thời kỳ trung học rất vui vẻ, các dịp hè và Tết đều về nhà nghỉ. Hiện nay, cậu đã tốt nghiệp đại học, sau một năm làm cho một tập đoàn lớn của nước ngoài đã tự thành lập công ty riêng của mình tại Việt Nam.

Cách chuẩn bị tài chính của chị Minh cũng chính là lời khuyên của giám đốc một công ty tư vấn du học. Theo ông, nếu có ý định cho con du học, cha mẹ nên tích lũy tài chính ngay từ khi con còn nhỏ, khoản tiền này nên để riêng, có thể gửi tiết kiệm hoặc thông qua mua bảo hiểm nhân thọ. Vì chi phí cho việc học tập ở các nước là không giống nhau, nếu muốn cho con học ở nước nào, cha mẹ nên nhẩm tính trước tổng chi phí con cần để học tập ở đó, từ đó sẽ tìm ra số tiền cần phải bỏ ống mỗi tháng. Nếu không muốn con có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng, cha mẹ chỉ nên cho con lên đường khi đã chuẩn bị đủ chi phí cho toàn bộ thời gian học của con. Không thể tính cua trong lỗ rằng con sẽ đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống.

"Bởi không giống như học ở trong nước, nếu không chứng minh được khả năng tài chính, du học sinh có thể bị đuổi học và trục xuất về nước bất cứ lúc nào", ông cảnh báo.

* Tên nhân vật đã thay đổi

Tác giả: Kim Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: bố mẹ , du học , tài chính

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP