Ngày 5-7, tin từ Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có thông báo kết luận về công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2018.
Trong số 5 vụ yêu cầu khẩn trương làm rõ, xử lý nêu trên, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đặc biệt quan tâm đến vụ “Tráo máy phát cho dân nghèo” mà Pháp Luật TPHCM phản ánh. |
Thông báo này cho biết tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực còn chậm so với yêu cầu; thu hồi tài sản không cao. Công tác quản lý đất đai, tài chính ở một số địa phương, đơn vị nhiều khâu còn lỏng lẻo; hiệu quả công tác giám sát, tự kiểm tra nội bộ còn yếu; phát hiện tham nhũng qua kiểm tra nội bộ còn ít. Công tác thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số xã phường ở TP Phan Thiết chậm so với chỉ đạo của Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy.
Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu trong 6 tháng cuối năm phải hoàn thành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế- xã hội trên địa bàn, kịp thời chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. Thường vụ Tỉnh ủy cũng đề nghị UBND tỉnh và các địa phương khẩn trương thực hiện 5 vụ việc, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy.
|
Cụ thể, vụ báo chí phản ảnh “Tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc phát cho dân nghèo” xảy ra tại xã La Dạ, Hàm Thuận Bắc: Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh phối hợp chặt chẽ hơn nữa, khẩn trương hoàn tất hồ sơ, thủ tục, sớm đưa ra xét xử kết thúc trong tháng 10-2018.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra việc thu chi và quản lý ngân sách tại Trung tâm Sức khỏe sinh sản (Sở Y tế), làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước 1-9.
Yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Tánh Linh chỉ đạo kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng đối với Đảng ủy xã Gia An và người đứng đầu cấp ủy vì để xảy ra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý cho Thường trực Tỉnh ủy trong tháng 7-2018.
Yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh chỉ đạo kiểm tra Chi ủy Chi bộ Bệnh viện Phổi Bình Thuận vì để xảy ra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý trong tháng 7-2018.
Yêu cầu UBND tỉnh báo cáo kết quả thanh tra chuyên đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Phan Thiết và xử lý sai phạm, báo cáo trong tháng 8-2018.
Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo để tổng hợp báo cáo Ban Nội chính Trung ương Đảng.
Được biết trong số 5 vụ yêu cầu khẩn trương làm rõ, xử lý nêu trên, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đặc biệt quan tâm đến vụ “Tráo máy phát cho dân nghèo” mà Pháp Luật TPHCM có loạt bài điều tra từ tháng 1-2007 (Vụ này, Thủ tướng Chính phủ đã có đến 5 lần chỉ đạo).
|
Báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin: Triển khai Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và các hộ nghèo ở các xã/thôn/bản đặc biệt khó khăn, đầu năm 2017, huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức trao nông cụ cho nông dân nghèo tại một số xã, trong đó có xã La Dạ.
Cụ thể, mỗi hộ được cấp máy cắt cỏ, máy xịt thuốc, máy bơm nước tùy theo nhu cầu, trị giá 5 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên hầu như các máy nông cụ này đều có dấu hiệu bị tráo đổi vì vỏ là của hãng Honda nhưng ruột là của Trung Quốc. Thậm chí có nhiều máy cũ không rõ nơi sản xuất… Các hộ dân đi dò giá thì phát hiện các máy mà họ nhận với giá 5 triệu đồng thực chất không quá 2 triệu đồng/cái.
10 ngày sau khi báo phản ảnh, ngày 19-1-2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bình Thuận làm rõ vụ việc, báo cáo Thủ tướng. Đến ngày 16-3-2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp tục yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo làm rõ, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và báo cáo kết quả với Thủ tướng.
Tới 16-10-2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận xử lý vụ việc. Sau đó, ngày 28-11-2017, Phó Thủ tướng có văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc và hôm 16-5-2018, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Kết quả điều tra ban đầu xác định có 172 máy nông cụ giả nhãn mác của hãng Honda, trong đó có loại máy hãng này đã không còn sản xuất nữa. Ngoài ra có 153 máy nông cụ khác có giá trị thấp và thiếu ba máy so với hợp đồng. Cơ quan điều tra đã xác định thiệt hại hơn 550 triệu đồng, làm ảnh hưởng xấu đến chủ trương của Chính phủ.
Sau đó, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Thúc Mẫn - chủ tịch và bà Dương Ngọc Thu Huyền - kế toán UBND xã La Dạ. Cả hai bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Một nguồn tin cho biết sở dĩ vụ việc xử lý chậm là do các cơ quan tố tụng vẫn chưa thống nhất tội danh lừa dối khách hàng mà Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi của ông Hồ Minh Thắng, chủ cơ sở nông cơ Minh Thắng. Cơ sở này đã đánh tráo và cấp phát hơn 300 nông cụ cho các hộ nghèo.
Tác giả: PHƯƠNG NAM
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM