Kinh tế

Kệ lùm xùm, Uber vẫn “chia tay” người dùng và dọn về ở chung với Grab từ hôm nay

Trong khi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vẫn đang xem xét về pháp lý trong thương vụ Uber sáp nhập với Grab thì Uber vẫn liên tục gửi thông báo tới người dùng về việc “xoá sổ” ứng dụng bắt đầu tư ngày 8/4.

Uber “chia tay” người dùng và dọn về ở chung với Grab từ ngày 8/4.

Trong thông báo mới nhất ngày 7/4, Uber khẳng định “đã là một phần của đại gia đình Grab tại Việt Nam”. Uber cũng cho biết ngừng các hoạt động kinh doanh và hoàn tất chuyển giao sang nền tảng công nghệ Grab chính thức từ hôm nay (8/4).

Trong khi đó, từ phía Grab, trong thông báo tối hôm qua, ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam cho biết đã rất nhiều tài xế Uber đã đến các trung tâm hỗ trợ của Grab trong 2 tuần vừa qua. Vị này cũng đề cập đến khả năng gián đoạn có thể xảy ra sau ngày 8/4/2018 vì đang trong giai đoạn chuyển tiếp.

Đáng lưu ý, trong thông báo này Grab tiếp tục nhấn mạnh không phải là nhà cung cấp dịch vụ taxi, mà là một công ty công nghệ cung cấp hàng loạt các dịch vụ tiêu dùng khác nhau.

Việc “xoá sổ” ứng dụng Uber được thực hiện tại tất cả các nước Đông Nam Á mà Uber hoạt động, chỉ trừ Singapore. Theo thông tin mới nhất, Grab sẽ trì hoãn đóng cửa Uber tại Singapore sang ngày 18/04, vì Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng cần thời gian để đánh giá lại thương vụ.

Cơ quan quản lý ở Singapore cho biết mình có "căn cứ hợp lý" để nghi ngờ thỏa thuận Grab - Uber vì vi phạm vào mục 54 của Đạo luật cạnh tranh Singapore. Tổ chức cũng đã ban hành những chỉ thị cũng như Biện pháp tạm thời (IMD), để 2 doanh nghiệp có thể "duy trì giá cả độc lập trước khi diễn ra giao dịch, đưa ra chính sách giá cả và việc lựa chọn sản phẩm".

Còn tại Việt Nam, liên quan đến lùm xùm về tính pháp lý trong thương vụ sáp nhập giữa 2 “đại gia” ứng dụng gọi xe, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã nhận được văn bản trả lời của Grab. Theo đó, GrabTaxi cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%.

Chính vì vậy, Grab cho rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam.

Tuy nhiên theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tại buổi làm việc hôm 6/4, GrabTaxi chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về thị phần trên thị trường liên quan nêu tại văn bản của GrabTaxi.

Cục quản lý cạnh tranh cho biết đã khuyến nghị Grab cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh trước khi tiến hành giao dịch trên thị trường Việt Nam.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Với việc “bán mình” cho Grab, Uber đã chính đánh dấu kết thúc sự hiện diện của mình ở thị trường Việt Nam từ hôm nay sau gần 4 năm cạnh tranh quyết liệt.

Uber mang tới người dùng những trải nghiệm mới lạ về dịch vụ vận tải trong cuộc các mạng 4.0. Không ít người đã “nghiện” đi lại bằng loại hình vận chuyển hiện đại, tiện lợi, rẻ hơn taxi truyền thống và đi kèm là những mã khuyến mại liên tiếp.

Có thể nói, hành khách chính là người hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường vận tải Việt Nam có sự tham gia của các hãng xe công nghệ, mà khởi đầu chính là Uber. Sự xuất hiện của Uber cũng đã “châm ngòi” cho cuộc chiến giành thị phần với taxi truyền thống.

Mặc dù cạnh tranh gay gắt, nhiều hàng buộc phải đóng cửa, cắt giảm nhân viên, làm ăn thua lỗ song không thể phủ nhận, cũng chính nhờ mô hình vận tải mới này đã mang lại cho taxi truyền thống động lực để đổi mới. Rất nhiều hãng taxi lớn đã và đang dùng ứng dụng gọi xe để thực hiện việc ước tính giá cước và quãng đường di chuyển tương tự như Uber. Sự cạnh tranh này rõ ràng đã mang đến cho thị trường Việt Nam một diện dạo rất mới.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sự rút lui của Uber diễn ra khá phũ phàng với các lái xe – những người đặt niềm tin vào Uber trong suốt thời gian qua.

Những tác động đằng sau việc Uber rút lui khỏi thị trường Việt Nam không chỉ là câu chuyện thị phần, hay tính toán thu được bao nhiêu của cơ quan thuế mà còn chính cuộc mưu sinh của nhiều lái xe. Bỗng chốc chế độ, chính sách thay đổi, các lái xe ít nhiều cảm thấy hụt hẫng...

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP