Muốn qua cổng, phải nạp lệ phí
Theo phản ánh của người dân, từ mấy năm trở lại đây, xã Hương Vĩnh đã cử lực lượng công an xã thu lệ phí đối với nhiều lái xe, doanh nghiệp vận chuyển keo tràm và các nguyên vật liệu khác đi qua tuyến đường giao thông của địa phương này với giá 100.000 đồng/xe/chuyến.
Cổng vào xã Hương Vĩnh, nơi lực lượng công an xã chặn thu lệ phí 100.000 đồng/xe/chuyến của các lái xe và doanh nghiệp thu mua keo. |
Một chủ xe (xin được dấu tên) thường mua keo ở xã Hương Vĩnh cho biết: “Chúng tôi mua keo của người dân nơi đây, khi muốn vận chuyển qua tuyến đường do xã này quản lý thì phải nạp “lệ phí bán keo”. Tôi mua các phiếu qua cổng ở UBND xã, mỗi phiếu có giá 100.000 đồng, cứ mỗi chuyến qua cổng như vậy phải nộp một phiếu. Có ngày tôi chở sáu chuyến keo qua đây, như vậy tôi phải mất tới 600.000 đồng cho chính quyền xã Hương Vĩnh. Làm ăn vất vả, lời không được bao nhiêu nhưng đủ loại phí như vậy chúng tôi thực sự vất vả chị à”.
“Đầu tháng năm tôi mua một lần 20 phiếu thu lệ phí bán keo, mỗi phiếu giá 100.000 đồng. Với mỗi chuyến qua cổng, tôi phải nộp một phiếu cho lực lượng công an xã Hương Vĩnh. Họ đứng thu ngay tại cổng chào của xã, xe nào không nộp thì họ không cho qua, hiện nay tôi đã nộp cho họ 9 phiếu còn lại 11 phiếu thu. Mỗi ha keo tôi mua từ 50 – 70 triệu đồng, chở số keo này khoảng 10 chuyến, như vậy tôi đã phải mất 1 triệu đồng lệ phí cho xã.
Xã thu dù giá rất cao nhưng muốn qua cổng thì chúng tôi buộc phải nạp mà thôi.” – Ông H, một người dân thu mua keo vừa bức xúc, vừa đưa hóa đơn thu tiền và các phiếu “Phiếu thu lệ phí bán keo” cho chúng tôi xem.
Nhận được thông tin phản ánh từ người dân, trong vai người cần mua phiếu để vận chuyển keo qua địa bàn xã, chúng tôi đã vào UBND xã Hương Vĩnh để tìm hiểu cụ thể về loại lệ phí này.
“Điện thoại cho tôi, tôi sẽ cử người đến trực tiếp thu”.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi vào phòng kế toán của UBND xã Hương Vĩnh hỏi mua phiếu để có thể vận chuyển keo đi qua tuyến đường của xã. Tại đây, chúng tôi được một nhân viên hỏi cụ thể về việc mua bán keo, sau đó hướng dẫn qua phòng khác gặp ông Trần Bá Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh để được “hướng dẫn cụ thể hơn”.
Mỗi xe keo như thế này mất 100.000 đồng/chuyến nếu muốn đi qua tuyến đường của xã Hương Vĩnh. | ||
Một số lái xe phản ánh về tình trạng bị thu phí khi đi qua địa phương này |
Tại đây, sau khi nghe “người đi mua phiếu” trình bày về việc muốn mua phiếu thu lệ phí của UBND xã để vận chuyển keo, ông Trần Bá Hùng cho biết: đây là lệ phí tài nguyên môi trường. Theo quy định thì 1 ha phải nộp 80 kg thóc cho loại phí này. Chúng tôi quy ra tiền 100.000 đồng/chuyến. Việc này là do thỏa thuận giữa người bán keo tràm và người mua. Nếu như người bán không nạp thì người mua và vận chuyển sẽ nạp.
Riêng về ý định mua phiếu vận chuyển của chúng tôi, ông nói rằng: “các chị không cần phải mua phiếu, vận chuyển chuyến nào chúng tôi sẽ cho thu tiền lệ phí chuyến đó. Chúng tôi sẽ cho phiếu thu trực tiếp chứ không có hóa đơn đỏ” (?!). Sau đó ông Hùng cho chúng tôi số điện thoại 0986919… của ông và bảo “Khi nào xe đến, chị cứ điện thoại cho tôi, tôi sẽ cử người đến trực tiếp thu” – ông Hùng nói.
Như vậy, theo như lời ông Hùng thì lệ phí mà xã thu đối với xe vận chuyển keo mà chúng tôi đề cập đến là “phí tài nguyên môi trường”. Tuy nhiên người dân buôn bán keo qua địa bàn cho biết, các phiếu được UBND xã đóng dấu và bán ra ghi rất rõ là “Phiếu thu lệ phí bán keo”.
“Thực chất đây là loại phí giao thông qua địa bàn xã Hương Vĩnh mà thôi. Xã in phiếu thu và bắt nạp như vậy có thể là nhằm hợp thức hóa khoản thu này” – một người dân nhận định.
Theo phản ánh, ngoài các chuyến xe chở keo tràm ra, nhiều loại xe chở nguyên vật liệu khác qua cổng lực lượng công an xã cũng thu tiền.
Khi được PV thông tin về loại phí này, ông Đặng Tuấn Anh, trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch UBND huyện Hương Khê cho biết: Danh mục các loại thuế và phí trên địa bàn là do tỉnh quyết định và ban hành, huyện hay xã không có quyền trong việc này. Đối với khoản thu “Lệ phí bán keo” này, xã chưa xin ý kiến của huyện, khi báo chí thông tin thì phòng Tài chính – Kế hoạch mới biết. Xã thu nhưng không dựng rào chắn, không báo cáo lên nên huyện không thể biết được, chắc chắn chúng tôi sẽ cho kiểm tra sự việc”.
Theo ông Anh, có thể đây là khoản lệ phí giao thông xã thu đối với các xe vận chuyển hàng hóa qua đây. Tuy nhiên có lẽ do xã này đã vận dụng chưa đúng.
“Phiếu thu lệ phí bán keo” có đóng dấu của UBND xã Hương Vĩnh được bán cho các lái xe và doanh nghiệp thu mua keo đi qua địa bàn. Mỗi phiếu như trên có giá 100.000 ngàn đồng. |
Còn ông Dương Ngọc Anh, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hương Khê khẳng định với PV: “Không có khoản nào gọi là lệ phí bán keo cả”.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh nói rằng đây là “phí tài nguyên môi trường”, trong khi người dân, thậm chí là Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện thì cho rằng thực chất đây là phí “mãi lộ” đường giao thông qua địa bàn xã, còn trên phiếu thu mà xã bán ra lại ghi là “Phiếu thu lệ phí bán keo”. Như vậy, nhiều người dân đang rất thắc mắc và bức xúc không hiểu, rút cuộc đây là loại phí gì
Thời gian gần đây dư luận cũng hết sức bất bình trước việc từ hơn một năm nay, chính quyền xã Lộc Yên (huyện Hương Khê) cũng tự ý lập chốt chặn xe thu mua keo của nhiều lái xe và doanh nghiệp đi qua địa bàn để yêu cầu kiểm tra, bắt mua phiếu thu 150.000 đồng/xe/chuyến. Sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Hương Khê đã có chỉ đạo yêu cầu chính quyền xã này chấm dứt việc thu khoản lệ phí trái phép này.
Có thể thấy, tình trạng “thu phí bừa bãi” không chỉ xảy ra ở một xã trên địa bàn huyện Hương Khê. Nhiều người dân đang đặt câu hỏi, liệu đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý và thiếu trách nhiệm của UBND huyện Hương Khê trong việc để xảy ra tình trạng “quan xã” tự ý “đẻ ra” các loại phí để “tận thu” của người dân hay không?
Mai Nguyễn / Tầm Nhìn