Hồ nuôi cá của trang trại anh Trần Văn Sơn
Tới thăm trang trại gia đình anh Trần Văn Sơn vào một ngày nắng hạ, nhiệt độ lên tới 400C nhưng anh vẫn đang tất bật chuẩn bị cho việc thả trên 1.200 con thỏ giống. Công việc nhà nông vất vả, khó khăn và cũng không ít lần phải nhận lấy thất bại nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi với một niềm tin vào hiệu quả trong tương lai.
Năm 2002, từ chủ trương nhận đất khoán rừng của Nhà nước, anh đã mạnh dạn nhận trên 23ha rừng và đất rừng để khoanh nuôi, bảo vệ. Đồng thời, trồng cây màu và tre lấy măng theo dự án Bắc Trường Sơn. Do không chuyển đổi giống cây trồng phù hợp mà chủ yếu là khoanh nuôi diện tích rừng tạp hiện có nên thu nhập không cao.
Năm 2011, khi chủ trương xây dựng NTM được triển khai xuống tận nhân dân đã đem lại cho anh luồng sinh khí mới. Được cấp ủy chính quyền tạo điều kiện cho đi tập huấn về làm trang trại, được học tập, tham quan mô hình, tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, đã làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của anh trong tư duy kinh tế.
Kể từ đó, anh bắt đầu chú ý đến việc tìm kiếm thông tin qua sách báo, mạng internet để tìm hướng đi phù hợp với đất đai, khí hậu và điều kiện của gia đình. Lúc đầu vốn ít, anh đầu tư theo hướng lấy ngắn nuôi dài, vừa trồng cam, nuôi cá, nuôi lợn, nuôi gà. Cũng đã có không ít lần thất bại, nhưng anh đã không nản chí. Sau khi tích lũy được ít kinh nghiệm trong chăn nuôi anh nghĩ đến việc mở rộng quy mô. Anh Sơn chia sẻ: Trong bối cảnh sản xuất ngày càng cạnh tranh gay gắt, nông dân không thể làm ăn riêng lẻ mà phải hướng tới liên kết sản xuất kinh doanh 2 bên cùng có lợi. Đang loay hoay tìm cách phát triển mô hình, thì chính sách trong xây dựng NTM đã một lần nữa tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Được xã Sơn Kim1 động viên, tạo mọi điều kiện hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật và nhất là định hướng việc đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn tôi đã quyết tâm vay vốn trên 2 tỷ đồng để làm trang trại.
Năm 2013, anh đã mạnh dạn liên kết với công ty CP xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô 600 con mỗi lứa. Thực hiện đúng các quy trình hướng dẫn về chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên đàn gia súc phát triển tốt. Nhận thấy lợi nhuận từ mô hình này, một năm sau đó anh mạnh dạn đầu tư tiếp một khu chuồng trại nữa, nâng quy mô chăn nuôi lên 1.200 con. Không dừng lại ở đó, anh còn đầu tư chăn nuôi thỏ liên kết trên 1.200 con mỗi lứa.
Chăm chỉ, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, hiện nay anh Trần Văn Sơn đã có một mô hình trang trại quy mô lớn được Tỉnh cấp phép với diện tích 23ha. Trong đó, 20ha rừng trồng cây lâm nghiệp như: Dổi, de, Lim, cồng và bảo vệ rừng tự nhiên; 1ha mặt nước nuôi cá, 1ha trồng cây ăn quả gồm Cam V2, Bưởi Hồng Quang tiến; 1ha làm khu trại chăn nuôi lợn, thỏ và trồng cỏ chăn nuôi. Ước tính nguồn vốn bỏ ra trên 6 tỷ đồng. Mô hình mới cho thu nhập ổn định 2 năm nay, mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Dám nghĩ, dám làm và dám đối mặt với thử thách để tìm cho mình hướng đi phù hợp, giờ đây anh Trần Văn Sơn đã trở thành một nông dân tỷ phú. Và trên con đường đầy khó khăn này, anh đã được cấp ủy chính quyền các cấp và tổ chức Hội nông dân đồng hành giúp đỡ.
và vườn cam của gia đình anh
Làm giàu cho mình nhưng anh Trần Văn Sơn không ngại truyền lửa, chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết làm kinh tế cho mọi người. Nhiều năm liền anh được các cấp, các ngành khen thưởng và trao tặng các danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi, Nông dân tiêu biểu. Mới đây anh đã được vinh danh điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM huyện Hương Sơn giai đoạn 2010 – 2015./.
Hương Hà /Hương Khê