Đường “nát như tương”!
Đường Tây – Lĩnh – Hồng, là tuyến đường nối tiếp từ quốc lộ 8A đi vào các xã Sơn Tây, Sơn Lĩnh và Sơn Hồng của huyện Hương Sơn. Đây là tuyến đường không chỉ có ý nghĩa về mặt dân sinh mà còn có vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh quốc phòng (đường này tiếp giáp với vùng biên giới Việt – Lào).
Với vai trò trên, con đường này đã được trải thảm nhựa, nhưng đến nay có gần 2 km của tuyến đường (đoạn nối từ quốc lộ 8A đến đoạn tiếp giáp giữa thôn 1 xã Sơn Lĩnh và thôn Hoàng Nam xã Sơn Tây) đã bị phá hỏng hoàn toàn kể từ khi mỏ đá rú Lầm xuất hiện.
Do bụi bặm quá nhiều các hộ dân kinh doanh dọc đường buộc phải đóng các cửa hàng quán |
Theo phản ánh của người dân, trước đây lưu lượng xe vào mỏ đá còn ít nay thì lượt xe nhiều hơn, vì ngoài việc xe vào chở đá hàng ngày còn có thêm cả trăm chiếc xe chở đất của đơn vị xây dựng cầu đường 484 vào lấy đất ở mỏ đá ra thi công quốc lộ 8A.
Do phải “gồng mình” gánh tải trọng đoạn đường trên đã biến dạng hoàn toàn, mặt lớp nhựa đã bị bong hết, khắp mặt đường dày đặc những ổ gà, ổ voi; đất đá từ trên các xe rơi vãi khắp đường không những làm cho việc đi lại của người dân hết sức khó khăn mà còn nguy cơ những tiềm ẩn về tai nạn giao thông.
Người dân đi lại trên con đường này đã khó, người dân sống dọc hai bên đường lại càng bi đát hơn khi hàng ngày phải đối mặt với bụi phủ trắng nhà, đường sá thì đầy ổ gà ổ voi, xe cọ gầm rú suốt ngày đêm, trẻ con không dám ra đường vì sợ tai nạn giao thông…
Cuộc sống, sức khỏe của người dân bị đảo lộn bởi mỏ đá này |
Điều đáng nói là ở hai thôn này có tới hàng trăm học sinh hàng ngày phải đến trường trên con đường đầy nguy hiểm này.
“Cực chẳng đành” đã nhiều lần các hộ dân nơi đây đem vấn đề phản ánh lên với chính quyền địa phương nhưng vẫn không được gải quyết dứt điểm. “ Khi có sự phản ánh, chủ mỏ đá mới chịu tưới nước được đôi lần rồi đổ vài xe đá xô bồ lấp ổ gà cho có lệ. Sau đó thì mọi việc lại trở về như cũ”, một người dân nêu bức xúc.
Không xử lí được là vì mỏ đá của… “quan” xã?
Mỏ đá rú Lầm, đóng tại thôn Hoàng Nam, xã Sơn Tây là mỏ đá do HTX Hoàng Nam khai thác, theo giấy phép được cấp vào năm 2008 và mới gia hạn thêm vào năm 2013. Theo yêu cầu, quá trình khai thác phải có quy trình chế biến tại chỗ, đảm bảo về an toàn lao động và đảm bảo môi trường…Thế nhưng do hoạt động kém hiệu quả nên mỏ đá chủ yếu khai thác theo kiểu thủ công.
Đường dân sinh bị xe cày nát. |
Thời gia gần đây, do các đơn vi thi công quốc lộ 8A cần đất nên chủ mỏ đá này đã bán tầng đất phủ cho đơn vị xây dựng cầu đường 484 lấy đất đắp nền đường. Việc khai thác đá đối với công nhân ở đây đã thiếu an toàn lao động nay lại thêm đơn vị khác lấy đất ở phía trên nên sự mất an toàn lại cao hơn. Chứng kiến cảnh phía dưới công nhân hì hục đục khoét để khai thác đá, bên trên máy ủi, máy đào cứ xúc đất khiến ai cũng rung mình.
Đem vấn đề của người dân trao đổi với ông Phan Xuân Đường – Phó chủ tịch xã Sơn Tây (đồng thời là chủ mỏ đá) thì vị này chối bỏ trách nhiệm việc gây ô nhiễm và phá hỏng đường: “Hiện tại mỏ đá chúng tôi đúng là đang có khai thác đất phía tầng trên, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời điểm này thì là do đơn vị 484 lấy đất để phục vụ cho công trình QL 8A. Còn đường bị băm nát không phải trong thời điểm này, mà tình trạng này đã diễn ra trước đó” (?!)
Trong khi chủ mỏ đá nói rằng, thời điểm này mỏ đá ít hoạt động thì tại công trường chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh hành chục công nhân cùng máy móc đang hì hục khai thác.
Phía dưới là công nhân khai thác đá, phía trên là chỗ bán đất |
“Trước đây chúng tôi có nhận được thông tin phản ánh của người dân và đã chỉ đạo anh em xuống giải quyết, yêu cầu phái mỏ đá phải đảm bảo về môi trường. Nay phía mỏ đá có cho khai thác đất phục vụ QL 8A nên tình trạng này lại diễn ra”, ông Nguyễn Trường Giang- Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Sơn giải thích.
Việc mỏ đá này hoạt động khai thác không chỉ gây ảnh hưởng môi trường đến người dân, lợi dụng bán đất cho các đơn vị thi công quốc lộ 8A mà còn có nguy cơ đe dọa về an toàn lưới điện đối với đường dây cao thế của nhà máy thủy điện Hương Sơn.
Lê Thông / Tầm Nhìn