Cháy bỏng một tình yêu…
Hưởng ứng kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy hương Sơn về việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9 và 545 năm thành lập huyện Hương Sơn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị cơ sở đã tích cực triển khai và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Với sự nhiệt tình, say mê của đội ngũ diễn viên, ca sĩ quần chúng đã góp phần làm thay đổi diện mạo của những làng quê vốn rất đỗi yên bình. Tiếng hát ngân lên, len vào mọi ngốc ngách của tâm hồn, đường làng, ngõ xóm nhằm ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi về đổi thay của quê hương đất nước, về phong trào xây dựng nông thôn mới.
Lịch sử đã ghi nhận về mảnh đất Hương Sơn trải qua 545 năm hình thành và phát triển. Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Con người nơi đây mang cốt cách thanh cao, nhân ái, thuận hòa, ở đó tình làng nghĩa xóm được gắn bó bền chặt, từ trong lao động, xây dựng quê hương, với những điệu hò, ví dặm trên Ngàn Phố từ thuở nào nay lại được cất lên trong các đêm hội diễn từ các thôn đến các xã, thị trấn. Đồng chí Lê Nhật Tân – Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện phấn khởi nói: Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới với các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế- xã hội; Trên lĩnh vực văn hóa, thể thao đã được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm nên đã có sức lan tỏa lớn và đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho quần chũng nhân dân.
Đến với các thôn xóm những ngày này, cứ mỗi buổi chiều về, chúng ta lại thấy những cảnh tượng mẹ giục con, vợ giục chồng ăn nhanh để cho kịp đi xem Hội diễn Văn nghệ, rồi tiếng í ới gọi nhau đi lên nhà văn hóa thôn hay sân vận động để nghe hát. Một cảm giác như lâu lắm rồi, chỉ tồn tại trong tâm tưởng. Vậy mà, thật bất ngờ và thú vị, thời gian gần đây, cái cảnh tối tối người người, nhà nhà rủ nhau đi tập văn nghệ ở xóm đã trở nên quen thuộc. Sau một ngày tất bật, bận rộn lo toan cho cuộc sống thường nhật, họ giành thời gian để cống hiến và tận hưởng. Người thì đến đó với niềm yêu thích ca hát, người thì tới đó vừa để thưởng thức và động viên thành viên trong gia đình hay bạn bè, làng xóm tham gia… Không phân biệt già trẻ, lớn bé, tôn giáo, hễ là người trong thôn, trong xã thì tham gia. Có những gia đình có tới 3 đến 4 thế hệ cùng tham gia trong một tiết mục; có xã, thị trong một bài tập thể có sự tham gia của các đồng chí Bí thư, Phó Bí Thư, Chủ tịch và cán bộ đảng viên, CNVC xã, thị trấn… đúng là văn nghệ quần chúng!
Lay đọng lòng người…
Hội trường nhà văn hóa thôn, xã, sân vận động như bị bùng nổ trong những tiếng vỗ tay, reo hò của khán giả qua những tiết mục hấp dẫn, ý nghĩa. Khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên rồi thán phục, xúc động, có nhiều bà, nhiều mẹ đã thốt lên: Thật không thể tưởng nổi sao họ hát giống ca sĩ thế, giọng ấm, ngọt, truyền cảm đến lạ lùng, biểu diễn thật chuyên nghiệp,… đó là những mĩ từ họ không tiếc lời dành tặng. Bằng lời ca tiếng hát, những cây văn nghệ, diễn viên quần chúng không chuyên đến từ các đơn vị đã thể hiện rất xuất sắc các tiết mục từ đơn ca, tốp ca và múa đầy ấn tượng, tạo nên sự hài lòng với các vị giám khảo và thú vị với khán giả. Điều dễ nhận thấy trong hội diễn năm nay là sự hưởng ứng chủ trương nhiệt tình, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu cội nguồn văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân đã góp phần thành công cho hội diễn từ vật chất lẫn tinh thần, các đội đã nỗ lực nâng cao ý thức tập luyện, đầu tư thích đáng vào khâu hóa trang, đạo cụ,…làm trang trọng, nâng cao thêm chất lượng cho hội diễn, đây là điều rất đáng trân trọng.
Lên Đại ngàn Sơn Kim 2 sẽ khó biết được mấy tháng trước, nơi đây đã phải hứng chịu một trận lũ lịch sử, bây giờ đồi chè đã xanh tươi, các thôn, làng lại rộn vang tiếng hát. Từ làng chè, tiểu đội Thanh niên xung phong, Đồn Biên phòng 563, người dân khắp các ngả đổ về trung tâm xã để cùng nhau ca hát, 16 tiết mục được giàn dựng công phu, ấn tượng với hình ảnh người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương, quyết tâm bảo giữ gìn bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, với bài hát múa “Trồng cây lại nhớ đến Người” có sự tham gia của bác Phan Thị Minh 62 tuổi cùng với con, cháu bước lên sân khấu mà lòng rộn ràng hồ hởi như đang tuổi đôi mươi; cùng 3, 4 thế hệ tham gia biểu diễn như ở gia đình Bác Khanh – thị trấn Phố Châu. Sự đa dạng trong tuổi tác, ngành nghề càng tôn thêm sắc màu phong phú cho hội diễn, dù là cán bộ hưu trí, cán bộ huyện, xã, tiểu thương, nông dân, học sinh… mối quan hệ giao lưu giữa Đảng với dân như lồng vào một, không khoảng cách. Nhiều địa phương, có sự trở lại của khá nhiều diễn viên đã từng xuất hiện trên sân khấu của Tiếng hát Đoàn viên – Người lao động, CNVC và lực lượng vũ trang đã tạo nên sự cố kết cộng đồng cao, góp phần vào sự thành công hội diễn.
Đến Sơn Hòa, Sơn Ninh cho thấy mỗi nơi một vẻ, đem đến cho khán giả những cảm xúc, ấn tượng mạnh. Tiết mục của Cựu chiến binh Sơn Hòa như thôi thúc, giục giã, sự truyền lửa tới thế hệ trẻ, sôi nổi với tiết mục tự biên về dân số KHHGĐ – tiết mục của thôn Bình Hòa,…
Tiếng hát “nổ tung” tại hội trường Sơn Phú như thúc dục bước chân người từ khắp 8 thôn đổ về, với sức chứa khoảng 200 người, nay phải chịu một sự quá tải bởi số lượng có khi lên tới gấp đôi, gấp ba, những chiếc quạt trần quay mạnh hết cỡ vẫn không đủ tải nhiệt, đồng chí Bí thư Đảng ủy phấn khởi nêm thêm từng hàng ghế cho nhân dân có chỗ ngồi. Mở đầu là màn trình diễn hết sức ấn tượng với phần tự biên làm sinh động thêm bài múa Việt Nam quê hương tôi của xóm Vọng Sơn
Trăng trong đêm rằng tháng bảy (AL), ngời ngợi trải vàng muôn nẻo làng quê, nó chảy tràn trên mặt đất làm cho khuôn mặt ai nấy trông như rạng rỡ hơn, dòng người đổ về xã Sơn Phúc mỗi lúc một đông, đông đến mức khó tưởng tượng nổi. Không riêng gì người dân địa phương, làng trên xóm dưới, trai thanh, nữ tú các xã láng giềng cũng đến tận hưởng “món ăn tinh thần” mà theo họ là để làm giàu thêm tâm hồn và cũng có thể là để học hỏi, rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức, biểu diễn. Đạt lên trên cả sự mong đợi của giám khảo và khán giả, các “cây” văn nghệ đã đem đến cho công chúng những tiết mục hay và đẹp mắt, có tác phẩm tự biên ca ngợi quê hương đất nước, lột tả một làng quê đang trên đà đổi mới, ấm no, đủ đầy… tất cả tạo nên bữa tiệc âm nhạc mà tới tận 11h đêm, dòng người ra về vẫn không khỏi tiếc nuối…
Có lẽ vẫn đang còn háo hức, mong đợi. Về với xã Sơn Quang, đi trên những tuyến đường bê tông trải dài, đạt chuẩn qua tiểu phẩm kịch giải tỏa lòng đường, mặt đường hay khúc hát dân ca hướng tới xây dựng khu dân cư kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới,… có người ngồi cạnh tôi nói, xóm ấy, vừa diễn y như sự việc xẩy ra ở xóm mình đợt vừa rồi khi ông trưởng thôn đi từng nhà vận động mọi người cùng chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, sao mà giống rứa. Nghệ thuật phản ánh cuộc sống mà, tôi thầm nghĩ vậy.
Càng ngày, hội diễn văn nghệ ở các xã càng thu hút sự đón đợi nơi khán giả, họ dõi theo lịch diễn qua từng ngày, từng địa phương. Đêm diễn ở Sơn Giang hôm 15/8 càng làm cho sự đón đợi ấy thật có ý nghĩa, những ai được xem thì trầm trồ, diễn hơn cả thành phố, thị xã ấy, giọng hát ngọt ngào của ca sĩ Thanh Hoài, Long Nhật da diết đến cháy lòng, đặc biệt là các tiết mục múa của thôn 5 và thôn 6 đã đưa người xem như lạc vào trong khung cửi lụa làng ven đô… Những người được thưởng thức thì tấm tắc, còn người được nghe kể thì xuýt xoa tiếc nuối…. và tự tìm cách để thưởng thức.
Xuống Sơn Trà, Sơn Bình, Sơn Tân – những địa phương có diện mạo mới trong khâu tổ chức và biểu diễn, đã lâu lắm rồi, người dân ở cái nơi chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt này được đắm mình với âm nhạc đồng quê, người dân đi như trẩy hội. Rất bất ngờ, tôi ghé hỏi thầy Lê Bá Thiệu ngồi gần, thưa thầy, sao mà địa phương ta bữa nay “hoành tráng thế?”, vẫn nụ cười hiền hậu, thầy đáp: Có được thành công hôm nay là nhờ tiếng hát đã bay cao, bay xa, bay ra khỏi lũy tre làng… tới những con người biết nâng niu, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, rất nhiều con em của xã hưởng ứng cả về vật chất lẫn tinh thần, đúng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Nhân dân là bể. Văn nghệ là thuyền. Thuyền xô sóng dậy. Sóng đẩy thuyền lên. Thuyền ra khơi xa. Gió căng buồm lộng. Buồm là lao động. Gió là Đảng ta” đó con ạ.
… Nhiều chương trình hay, nhiều tiết mục hấp dẫn tại hội diễn năm nay đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào văn nghệ quần chúng trong toàn huyện, qua đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Lan tỏa…
Đến nay, đã có 23/32 xã, thị trấn tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng thành công, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Có lẽ điều này, bắt nguồn từ cội rễ là tiếng hát được tổ chức từ thôn, xóm, khối phố? Cái thành công không chỉ trên khán phòng, sân vận động với đông đảo người xem, với những tiết mục hay, những giải thưởng… mà cái được lớn hơn nhiều đó là từ phong trào văn nghệ quần chúng, đã làm cho đời sống văn hoá tinh thần của làng, xã được nâng cao, tạo điều kiện cho phong trào ca hát có dịp ăn sâu, bám chắc trong lòng quần chúng nhân dân, đồng thời phát hiện ra những hạt nhân văn nghệ để bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào ở từng đơn vị cơ sở.
Được biết, có nơi sau khi hội diễn ở xã thành công, có thôn đã nô nức tái diễn lại, mọi người lại cùng nhau hát hò, trò chuyện; cũng có nơi đêm diễn mới kết thúc được dăm bảy phút, thì con em của xã ở khắp các chân trời đã gọi điện về chúc mừng vì đã được xem hội diễn qua facebook. Điều này chứng tỏ hội diễn đã không dừng lại trên sân khấu mà đã đi đến những chân trời xa, tới cùng những người con xa xứ luôn hướng về quê hương với một tình yêu bao la, họ bày tỏ sự xúc động và ngỡ ngàng trước sự đổi thay của quê hương, mừng vì đời sống của người dân quê mình được nâng lên.
Và tôi tin, tiếng hát, tiếng cười vui, hò reo sẽ còn ngân vang, lan toả …