Báo đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân Hương Khê, về việc từ năm 1993 đến năm 1996, hai hợp tác nông nghiệp Phú Xuân và Phú Hương thực hiện lắp đường điện và xây dựng trạm bơm, trong quá trình thực hiện do thiếu tiền nên đã cùng UBND xã Hương Xuân bàn bạc để vay tiền của nhiều hộ dân trong và ngoài xã. Hiện nay, hai công trình này đã xây dựng xong, nhưng đã 20 năm qua những khoản tiền vay của dân vẫn chưa trả lại. Chính quyền phủi trách nhiệm với lý do hợp tác xã tan rã không chuyển sổ sách và khoản nợ.
Theo đơn phản ánh của ông Lê Hữu Yêm tại xóm Hương Phú, xã Hương Xuân vào ngày 11/10/1995, Hợp tác xã nông nghiệp Phú Hương đã vay của ông 5 triệu đồng; tiếp đến ngày 19/11/1995, lại vay thêm 10 triệu đồng, đều do chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Phú Hương là ông Phạm Quang Khương đứng ra vay. Giấy vay tiền được viết bằng tay và có chữ ký đóng dấu của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Hương thuộc UBND xã Hương Xuân. “Nhiều lần tôi lên UBND xã Hương Xuân để đòi lại số tiền mà Hợp tác xã nông nghiệp Hương Phú vay tôi để làm đường điện và trạm bơm tưới tiêu, nhưng đều nhận được câu trả lời là không có tiền, không có nguồn vốn” – ông Yêm bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Chinh tại xã Phú Phong (trước kia ở tại xã Hương Xuân, huyện Hương Khê) cũng chung hoàn cảnh cho biết: “Ngày 7/1/1994, ông Nguyễn Danh Hường lúc đó làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Phú Xuân, đã viết giấy tay vay gia đình tôi 8 triệu đồng, ông Hường hứa với tôi sẽ trả cả gốc lẫn lãi trước ngày 30/5/1994. Ngày 20/2/1995, ông Nguyễn Văn Nhượng thủ quỹ Hợp tác xã nông nghiệp Phú Xuân tiếp tục đến nhà tôi xin vay thêm 7 triệu đồng nữa. Đến nay tôi cũng chưa nhận lại được tiền mà chỉ được ông Lê Hữu Phi, Chủ tịch UBND xã Hương Xuân, nói là “sẽ trả, chưa có tiền” có lúc lại nói “không có nguồn nữa”, nên tôi cũng chung hoàn cảnh như vậy.
Người dân xã Hương Xuân làm đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có những hộ dân ở trong xã Hương Xuân mà còn rất nhiều hộ dân khác ở trong và ngoài xã cũng cho hợp tác xã Hương Xuân vay tiền nay vẫn chưa được trả lại tiền. “Ngày 24/2/1995, ông Lê Hữu Hảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hương Xuân và ông Lê Xuân Hường, Chủ tịch UBND xã Hương Xuân, đã trực tiếp đến vay tiền của bà 18 triệu đồng. Vì không đòi lại được tiền nên năm 1997, bà Bà Lê Thị Dục tại khối 8, Thị trấn Hương Khê, đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân huyện Hương Khê. Sau đó, Tòa án nhân dân huyện Hương Khê đã có kết luận số 06/QĐHGT ngày 13/03/1997, buộc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Xuân trả cho bà Lê Thị Dục số tiền 18.051.000 đồng. Đến nay họ mới trả cho tôi được khoảng 2 triệu đồng, nên kết luận của Tòa án nhân dân huyện vẫn chưa thực thi.
Một điều lạ là, trong các giấy vay tiền và phiếu thu của người dân đều có chữ ký của người trực tiếp đi vay tiền, trong đó có phiếu vay nợ còn có đóng dấu đỏ ghi rõ hợp tác xã nông nghiệp Phú Hương, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Những phiếu thu có dấu và chữ ký ông Phi lại cho rằng: “Các phiếu đó không đủ cơ sở, vì mục đích vay tiền không được ghi rõ ràng. Việc hợp tác làm đường điện vay tiền của dân xã không biết, hợp tác xã tự làm đường điện”.
Ngày 19/10/2002, Đội thi hành án huyện Hương Khê có công văn số 26/CV-THA, công văn có nêu: Hiện tại Nhà nước có nguồn kinh phí hỗ trợ cho xã Hương Xuân làm đường điện và giải quyết nợ công cho các hộ dân trong quá trình vay làm đường điện. Yêu cầu Kho bạc huyện Hương Khê, UBND xã Hương Xuân chuyển số tiền trên vào tài khoản của Đội thi hành án huyện Hương Khê giải quyết theo quy định. Theo đó Hợp tác xã nông nghiệp Hương Xuân phải trả nợ cho Nhà nước, tập thể và công dân với số tiền hơn 58.424.725 triệu đồng. Ngày 24/10/2002, UBND huyện Hương Khê có công văn số 488CV/UB yêu cầu Kho bạc huyện Hương Khê và UBND xã Hương Xuân thực hiện theo số 26/CV-THA ngày 19/10/2002 của Đội thi hành án huyện Hương Khê. Nhưng cho đến nay công văn này vẫn chưa được thực thi.
Phiếu vay nợ người dân còn lưu giữ
Lý giải về việc đến nay vẫn chưa trả tiền cho các hộ dân ông Lê Hữu Phi, Chủ tịch UBND xã Hương Xuân nói: “Do giấy vay của nhiều hộ không có chứng từ rõ ràng. Một số hộ có chứng từ rõ ràng phải để xem xét đã, có thể sẽ trả trong năm 2014. Hợp tác xã là đơn vị kinh tế riêng không thuộc quyền quản lý của xã?. Việc hợp tác xã vay tiền dân xã không biết, đường điện do hợp tác xã làm”. Nay hợp tác xã nông nghiệp hiện không còn tài sản, không có tài khoản, không có khả năng thanh toán nợ. UBND xã không xác định được nghĩa vụ thanh toán thuộc cơ quan đơn vị nào. UBND xã Hương Xuân không có nghĩa vụ thanh toán tiền nợ cho các hộ dân. Trong khi đó, lúc bàn giao điện cho điện huyện Hương Khê, điện lực Hương Khê đã thanh toán lại tiền vay thì số tiền đó lại chuyển về cho xã nắm giữ mà cũng không chi trả cho dân….
Không đồng tình với cách giải quyết của UBND xã Hương Xuân, ngày 8/1/2013, UBND huyện Hương Khê đã có thông báo số 04/TB-UBND giao cho UBND xã Hương Xuân báo cáo giải trình làm rõ làm rõ nội dung phản ánh của công dân và đề xuất UBND huyện phương án xử lý xong trước ngày 15/01/2013.
Mặc dù chỉ đạo của huyện là rõ ràng nhưng UBND xã Hương Xuân vẫn không thực hiện. Vậy đến bao giờ người dân mới được trả lại tiền? Mong rằng câu hỏi sớm được trả lời.
Theo Tainguyenmoitruong.com.vn