Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô mong muốn đi theo ước mơ đại học của mình nhưng vì là con một trong gia đình, bố mẹ đều đã già yếu, hoàn cảnh khó khăn nên cô phải từ bỏ.
Khi phân hiệu trường Phú Lâm thành lập, cô được chọn đi học lớp cấp tốc 3 tháng nghiệp vụ sư phạm ở trường Đại học Hà Tĩnh. Năm 1986 cô được tuyển vào dạy tại trường Phú Lâm cho đến tận bây giờ.
Cô Hạnh giảng bài cho các em học sinh.
Do trường Phú Lâm nằm ở vùng biên giới xa xôi cách trở, nên việc đến trường học chữ của con em người Lào ở đây gặp rất nhiều khó khăn, nhiều em phải đi từ nhà đến trường hơn 5,5km, còn lại 2-4km.
Ngày trước, mỗi gia đình ở một góc rừng, cô Hạnh phải tìm đến tận từng nhà để động viên, thuyết phục mãi họ mới cho con em đến lớp học.
Cho đến nay, cô Hạnh đã giảng dạy tại trường tiểu học Phú Lâm hơn 29 năm, sự nghiệp và cuộc sống của cô cứ thế trôi qua một cách êm đềm nhưng ít ai biết được rằng cô phải một mình lặng lẽ chịu đựng biết bao nỗi vất vả, khó khăn.
Với đồng lương ít ỏi, chồng cô không có việc làm ổn định, trong khi đó còn phải nuôi 2 ông bà tuổi đã già, nay đau mai ốm, con cái ăn học, người giáo viên này đã gồng ghánh trên vai bao nỗi lo toan, vất vả, để có thể lo cho cuộc sống của gia đình trong ấm ngoài êm.
Đến năm 2001, tai họa không ngờ ập đến với cô và gia đình. Sau nhiều lần đau ở vùng cổ họng, cô đi khám và được kết luận mắc bệnh ung thư vòm họng. Cầm bản kết luận trong tay cô vừa khóc, vừa đi lang thang như người mất hồn trên đường phố Hà Nội.
“ Khi nghe bác sỹ đọc kết luận về bệnh tình của mình, tôi như người mất hồn, không muốn sống một chút nào nữa, mất hết ý chí luôn chú ạ”. Cô Hạnh kể.
Cô Hạnh đang nghiên cứu tài liệu trong giờ ra chơi.
Nhưng vì thương bố mẹ đã già yếu, con cái đang ăn học, và trên hết là nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ những khuôn mặt ngây ngô của các em học sinh đã thôi thúc cô gắng gượng tiếp tục sống, sống vì gia đình và vì các em học sinh. Và thế rồi cô quay trở lại viện xin kê đơn, mua thuốc rồi về quê nhà điều trị.
Từ ngày mang bệnh, sức khỏe cô Hạnh giảm đi trông thấy, căn bệnh ngày đêm hoành hành cơ thể cô, khiến công việc dạy học của cô gặp rất nhiều khó khăn. Theo định kì, 3 tháng 1 lần cô phải ra Hà Nội chữa trị, thế nhưng giờ đây cô phải chuyển qua 6 tháng mới ra một lần, bởi lẽ trong nhà không còn tiền.
Gia đình cô đã vay mượn khắp nơi, ngay cả căn nhà ngoài thị trấn cũng đã phải cầm cố để lấy tiền chữa bệnh, hiện tại vẫn đang còn nợ gần 100 triệu đồng, không biết bao giờ mới trả xong.
Dẫu gặp vô vàn khó khăn, tưởng chừng cô sẽ buông xuôi phó mặc cho số phận, nhưng người giáo viên ấy vẫn nén nỗi đau thể xác, đều đặn lên lớp dạy chữ cho nhiều thế hệ học sinh.
Chỉ trừ những khoảng thời gian đi viện chữa bệnh, còn lại chưa một ngày nào cô vắng bóng trên bục giảng, tận tâm với học trò, chưa bao giờ cô thấy bi quan về cuộc sống cũng như bệnh tình của mình.
“Giờ tôi chỉ mong sức khỏe được ổn định, để chăm lo cho gia đình, nuôi dạy 4 đứa con ăn học, tiếp tục lên lớp với các em học sinh” – cô Hạnh chia sẻ.
Nghị lực của cô không chỉ giáo viên trong trường nể phục mà còn được người dân xã Phú Gia yêu mến.
Khi nói về cô Hạnh thầy Nguyễn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Gia chia sẻ: “cô Hạnh là một giáo viên tâm huyết với nghề, được các em học sinh yêu mến, nhà trường sẽ tạo điều kiện để cô tiếp tục công việc giảng dạy”.
Nén nỗi đau suốt hàng chục năm qua cô giáo Ngô Thị Hạnh đã thầm lặng cống hiến tuổi trẻ của mình, cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ.
Nghị lực và tấm lòng của cô thật đáng ghi nhận và đáng được tôn vinh. Mong cho cô luôn được bình an, mạnh khỏe để tiếp tục bám lớp, bám trường dạy chữ cho con em vùng biên và là chỗ dựa vững chắc cho gia đình, con cái.
Minh Giang