Hơn 6 ha ngao của người dân xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chết rạch, vỏ nổi trắng bãi biển. Ảnh: Đức Hùng |
Ông Nguyễn Xuân Phương (trú thôn Bắc Hải) cho biết, ngao chết được phát hiện từ ngày 8/4, tới nay khi nước rút thì vỏ trắng bãi. “Gia đình tôi có 1,6 ha diện tích, hiện ngao đã được 13 tháng. Lúc này gần đến vụ thu hoạch thì bỗng dưng chết hàng loạt, ước tính khoảng 18-20 tấn, thiệt hại hơn 700 triệu đồng”, ông Phương xót của.
Đứng thẫn thờ nhìn nhiều tấn vỏ ngao chất đống, bà Trần Thị Lụa cho hay gia đình vay hơn 200 triệu để đầu tư nuôi ngao, nay 15 tấn ngao đang chờ đến mùa thu hoạch đã chết sạch. Cả gia đình rất lo lắng, bởi sẽ phải gánh một khoản nợ lớn mà chưa biết khi nào mới trả hết.
Ngao chết, các hộ nuôi phải bỏ tiền ra thuê người dân xung quanh vùng đi hốt vỏ để dọn sạch bãi, nhằm chuẩn bị cho những vụ nuôi sau. “Tôi thuê người gom được 3 tấn vỏ ngao về chôn cải tạo đất, hy vọng nuôi lứa mới vớt vát”, một người dân than thở.
Ông Nguyễn Bá Lưu (53 tuổi, trú thôn Bắc Hải) cho hay, thời điểm phát hiện ngao chết có lúc nước màu đục ngầu, tuy nhiên sau đó thì đã rút. “Chúng tôi nghi ngờ những ô nhiễm do các nhà máy ở Khu kinh tế Vũng Áng xả thải ra môi trường khiến ngao bị chết”, ông Lưu nhận định.
Ngao được xác định chết ngày 8/4, trùng thời điểm phát hiện cá biển chết ở vùng biển thị xã Kỳ Anh. Ảnh: Đức Hùng. |
Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết, toàn xã Kỳ Hà có 5 hộ dân nuôi ngao với diện tích hơn 6 ha, sản lượng ước đạt là 70 tấn, tới thời điểm này thì tổng số lượng ngao chết là 63 tấn, ước tính thiệt hại xấp xỉ 3 tỷ đồng.
“Chúng tôi chưa khẳng định được nguyên nhân ban đầu, tuy nhiên thời điểm ngao chết gần trùng với thời điểm cá chết. Theo những nhận định chuyên môn thì nó là do ô nhiễm hoặc yếu tố độc trong môi trường nước”, ông Luyện nói và cho hay sự việc đã được thống kê và báo cáo lên chính quyền cấp trên.
Từ đầu tháng tư, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bắt đầu chết. Hiện tượng bất thường này sau đó lan ra cá, tôm nuôi bằng nguồn nước biển, cá tự nhiên suốt dọc trên 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế).
Các hộ dân đã thuê người đi gom vỏ ngao để dọn sạch bãi, chuẩn bị cho những lứa nuôi mới. Ảnh: Đức Hùng |
Tại nhiều xã ven biển, chỉ trong một ngày, người dân vớt được cả tấn cá chết trôi dạt bờ, giắt lên các mỏm đá bốc mùi hôi thối. Từ con nhỏ vài lạng tới 35-50 kg. Thống kê đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ.
Từ ngày 20/4 đến nay, các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân. Ngày 25/4, những nguyên nhân bệnh dịch, động đất, tràn dầu bị loại trừ.
Lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Nông nghiệp đều khẳng định độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây họa. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định.