Thương binh Lương Hữu Chất đã được giám định lại thương tật
Bà Lê Thị Thu – Trưởng phòng Chính sách Người có công, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Hà Tĩnh cho biết, Sau khi nhận được phản ánh, Sở đã xem xét lại hồ sơ và đưa ông Lương Hữu Chất ra Hội đồng giám định Y khoa để giám định lại. Hiện tại đã có kết quả tỷ lệ giám định thương tích mới, sau 15 ngày kể từ khi làm giám định lại, gia đình ông Chất sẽ nhận được văn bản kết luận mới.
Ông Lương Hữu Chất nhập ngũ năm 1972, đến năm 1974 tham gia chiến đấu và bị thương tại chiến trường C – nước bạn Lào.
Năm 1975, với kết quả giám định ông được công nhận là thương binh 4/4, tỷ lệ thương tật nhẹ nhất trên 21%. Tuy nhiên, 20 năm sau, vết thương thời chiến tranh của ông tái phát, mảnh đạn nằm trong tuỷ sống đã giết chết tuỷ, chèn dây thần kinh làm hai chân của ông mất dần cảm giác, hạn chế mọi hoạt động cũng như sinh hoạt cá nhân hàng ngày, thêm vào đó là những trận sốt rét không có căn nguyên rút hết sinh lực vốn đã gần như cạn kiệt của người thương binh này.
Năm 1995, được sự hướng dẫn và tư vấn của cán bộ xã, trực tiếp là cán bộ làm công tác chính sách – xã hội, gia đình làm hồ sơ gửi đề nghị được giám định lại vết thương cho ông. Nhưng không biết vì lý do gì, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan bị thất lạc và gia đình cũng không nhận được bất cứ hồi âm gì của các cấp có thẩm quyền.
Từ năm 1995 tới nay, mảnh kim loại từ vết thương trong chiến tranh để lại đã hoành hành cơ thể. Gia đình đã đưa ông đi khắp các bệnh viện, từ huyện tới tỉnh và lên cả tuyến Trung ương, nhưng cũng chỉ là những đợt nằm điều trị, hưởng các chế độ của thương binh trong chăm sóc, khám và điều trị bệnh. Điều gia đình mong mỏi nhất là ông Chất được một lần giám định bổ sung tỷ lệ thương tật, để ông được hưởng chế độ đúng với mức độ thương tật của mình.
Điều đáng nói, tấm thẻ thương binh của ông Chất (thẻ mới được cấp lại, thẻ cũ đã bị mất) ghi ông bị “Bị sức ép, điếc một bên tai”, nhưng qua kiểm chứng thực tế và khẳng định của gia đình, ông không hề bị điếc, thính giác, thị giác hoạt động rất tốt. Còn vết thương ở sườn trái – nơi mảnh đạn đi vào cơ thể ông dấu tích vẫn còn đó, lại không hề được thể hiện trên tấm thẻ thương binh. Vết thương chính của ông được “chẩn đoán” đại khái như vậy. Nhưng với thực tế hiện nay, ông rất cần được giám định để bổ sung vết thương, xác định tỷ lệ thương tật của mình.
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp người bị thương đã giám định thương tật nhưng còn sót vết thương chưa giám định, thì được giám định bổ sung. Cũng theo quy định này, thì chỉ sau 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ của đối tượng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải có trách nhiệm đối chiếu, sao hồ sơ gốc đang lưu tại Sở để giới thiệu đối tượng ra Hội đồng giám định Y khoa có thẩm quyền .
Báo Đời sống & Tiêu dùng hoan nghênh sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và mong muốn rằng: Các thủ tục liên quan đến chế độ của thương binh Lê Hữu Chất theo tỷ lệ giám định thương tích mới sẽ sớm hoàn thành để ông sớm được hưởng chế độ.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Theo Diễm Phước (Đời sống & Tiêu dùng)