Hiện tượng học sinh không đạt yêu cầu tối thiểu vẫn được lên lớp, còn gọi là ‘ngồi nhầm lớp’, tồn tại từ hàng chục năm nay.
Ngành giáo dục từng phát động phong trào rầm rộ nhằm chấm dứt hiện tượng này nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
PGS Mạc Văn Trang, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng khái niệm “ngồi nhầm lớp” chỉ có ở VN và cũng phải nói rõ rằng học sinh (HS) không có lỗi mà là do giáo viên (GV), người lớn sắp đặt.
100% học sinh lên lớp!
Xét ở góc độ khoa học, có một bộ phận HS có khó khăn trong học tập mà bất cứ quốc gia nào cũng có. Trước đây, Viện Khoa học giáo dục cũng đã có nghiên cứu và đưa ra kết quả là khoảng 10 – 15% HS có khó khăn trong học tập. Những HS này chưa đến mức phải xếp vào đối tượng giáo dục đặc biệt và nếu có phương pháp phù hợp vẫn theo được chương trình, dù có chậm hơn. Tuy nhiên, PGS Mạc Văn Trang cho rằng thực tế GV không phát hiện kịp thời hoặc phát hiện nhưng vì áp lực thành tích hoặc nguyên nhân nào đó mà không có phương pháp giúp đỡ ngay và cứ để 100% HS lên lớp.
Ông Trang nói, chỉ có thể chấm dứt được tình trạng “ngồi nhầm lớp” khi GV, nhà trường phải phát hiện và báo cáo thực về những HS gặp khó khăn trong học tập. Từ đó đề ra các giải pháp chuẩn để giúp HS này học được, theo được chương trình. “Nếu đã cố gắng hết mức mà cuối năm HS đó vẫn không đạt được những yêu cầu tối thiểu thì phải cho các cháu học lại”, ông Trang nói.
Trường chuẩn quốc gia thì không có HS ở lại lớp?
Năm 2014, sau khi báo chí phát hiện và phản ánh hiện tượng HS học đến lớp 3 vẫn chưa biết đọc, biết viết xảy ra ở Trường tiểu học Văn Thanh, H.Thanh Chương, Nghệ An, phụ huynh ở đây cũng cho biết đã đến trường xin cho con được… lưu ban, để học lại nhưng nhà trường không đồng ý với lý do, trường chuẩn quốc gia thì không được để HS nào ở lại lớp.
Năm 2015, hiện tượng “HS ngồi nhầm lớp” ở H.Hướng Hóa, Quảng Trị, lại xôn xao dư luận khi một số HS lên lớp 4, 5 không biết đọc biết viết; HS lớp 6, 7 vẫn được công nhận là HS tiên tiến khi chỉ biết đọc, viết và làm toán bằng trình độ của HS lớp 1, 2…
Nhiều GV cho rằng ở trường chuẩn quốc gia nhiều áp lực. “Nếu trong lớp có HS yếu dẫn đến phải lưu ban thì trách nhiệm đầu tiên là thuộc về GV chủ nhiệm. Qua một học kỳ nếu không nâng được HS yếu kém lên thì GV chủ nhiệm lại bị phê bình, kiểm điểm vì làm ảnh hưởng tới thành tích chung của trường… Chính vì thế dù HS có yếu, GV cũng phải gắng đẩy lên bằng được”, cô H.T (GV tại Q.3) tâm tư.
Còn cô N.T (GV tại Q.8) kể: “Năm trước trường tôi có một HS mới vào lớp 6 lực học rất yếu. Tuy nhiên mãi tới gần hết học kỳ 1 GV chủ nhiệm của HS này mới phát hiện ra. Khi GV phản ánh, trường yêu cầu phải tìm cách để HS đó tiến bộ. Một thời gian sau HS này vẫn không tiến bộ, GV đành phải xếp một HS giỏi ngồi cạnh để chỉ bài cho qua được năm lớp 6”.
Một trưởng phòng giáo dục tại TP.HCM cho biết, theo quy định, các trường trong thời hạn được công nhận đạt chuẩn quốc gia tối thiểu phải đạt các chỉ tiêu như: tỷ lệ HS bỏ học và lưu ban hằng năm không quá 6%, HS xếp loại giỏi từ 3% trở lên, khá từ 35%, loại yếu, kém không quá 5%. Hạnh kiểm xếp loại khá, tốt từ 80% trở lên, loại yếu không quá 2%. “Tuy nhiên, rất ít trường bám vào các tỷ lệ này mà luôn đặt mình trong sự so sánh với các trường chuẩn khác và đuổi theo thành tích mà các trường này đã đạt được, nên thành tích đều vượt xa tỷ lệ quy định”, vị này thông tin.
Cũng theo vị trưởng phòng này: “Mặc dù trường chuẩn vẫn được phép có tối đa 6% HS lưu ban nhưng nhiều năm trở lại đây, ở TP.HCM rất ít trường để xuất hiện con số này. Thậm chí có trường hợp phụ huynh xin trường xem xét cho con họ ở lại lớp vì nhận thấy chưa đủ kiến thức để lên lớp trên nhưng không được. Sau đó họ phải gửi đơn lên phòng, buộc phòng phải thành lập tổ chuyên môn đánh giá năng lực thấy HS yếu thật sự, yêu cầu trường bồi dưỡng lại, lúc này trường mới chấp nhận”.
Về các quy định trường chuẩn quốc gia hiện hành, lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT lý giải: “Trên thực tế, chất lượng giáo dục sẽ đi kèm với chất lượng về điều kiện dạy học. Trường chuẩn quốc gia quy định rất rõ về điều kiện cán bộ quản lý, GV; điều kiện cơ sở vật chất… Do vậy, nếu các điều kiện đó đảm bảo thì chất lượng của người học cũng phải có những chuẩn nhất định. Tuy nhiên, để HS học đến lớp 6 mà không biết đọc, biết viết thì phải xem lại trách nhiệm của nhà trường trong cả quá trình dạy học và cần gọi đúng bản chất của hiện tượng này là bệnh thành tích”.
Phải làm rõ trách nhiệm Ngày 3.10, ông Ngô Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết khi báo chí phản ánh ông đã chỉ đạo ngay Sở GD-ĐT phải mời lãnh đạo các phòng GD-ĐT trong tỉnh lên báo cáo về tình trạng HS tiểu học mà không biết đọc, biết viết và đề xuất hướng xử lý, để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời. Theo ông Ngô Hùng, quan điểm của tỉnh là phải làm rõ trách nhiệm của các thầy cô, ban giám hiệu các trường, kiên quyết không để xảy ra chuyện như vậy nữa. Hoàng Vân – Trần Thanh Phong |
Phát hiện thêm nhiều phụ huynh xin cho con xuống lớp 1 Trong năm học 2016 – 2017, nhiều phụ huynh đã đến Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A, H.Trần Đề (Sóc Trăng) để xin cho con em đang học lớp 2H xuống học lớp 1 vì không biết đọc, biết viết. Theo cô H.T.T, chủ nhiệm lớp 2H, lớp có 24 HS đều là người dân tộc Khmer. Qua khảo sát, chỉ có 4 HS đọc trôi chảy. Trong 20 HS còn lại, có em đánh vần khó nhọc, một số em khác chỉ biết vần nhưng không ghép được, có em hoàn toàn không biết đọc, biết viết. Gặp L.T.T.N tại lớp học, chúng tôi đưa cuốn sách giáo khoa lớp 2 kêu đọc tên từng cuốn, N. lắc đầu nói: “Con không đọc được”. Hỏi biết viết không thì N. cũng lắc đầu. Hỏi năm học lớp 1 thầy có kêu con đọc bài không, N. trả lời: “không”. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng Lý Ro Tha thẳng thắn nhìn nhận: “HS ngồi nhầm lớp ở Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A là đúng. Chúng tôi đề nghị Phòng GD-ĐT H.Trần Đề phải có biện pháp khắc phục, tăng cường bồi dưỡng để giúp các em sớm đọc thông viết thạo, theo kịp bạn bè khác”. Hoàng Vân – Trần Thanh Phong |
T.Nguyễn – B.Thanh – L.Ngọc