Ngày 28/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi hội thảo với chủ đề ”Học sinh thành phố với văn hóa ứng xử học đường”.
Hội thảo cũng là cuộc gặp gỡ năm 2017, giữa lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh với 160 học sinh đại diện đến từ các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố.
Tại đây, các em học sinh đưa ra những giải pháp tích cực góp phần xây dựng môi trường học đường ngày càng thân thiện, phát triển và hội nhập.
Nói mười câu đến bảy câu nói tục
Đã có rất nhiều vấn đề nóng liên quan đến văn hóa ứng xử học đường được các học sinh thẳng thắn đề cập với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Đó là, hoạt động tư vấn tâm lý học đường chưa hiệu quả. Việc giáo dục nhân cách chưa bám sát tình hình thực tế. Nhiều học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mạng xã hội.
Đó là văn hóa giao tiếp học đường chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn tồn tại. Đã có rất nhiều bức xúc liên quan đến sự gia tăng, biến tướng của tình trạng bạo lực học đường hiện nay.
Có một số bộ phận không nhỏ học sinh có thái độ sống chưa đúng mực trong học đường. Việc sử dụng những từ ngữ thiếu văn hóa của học sinh không có kiểm soát diễn ra hằng ngày trong lớp và trong trường học.
Các học sinh cứ giao tiếp với nhau là sử dụng từ ngữ thiếu văn hóa. Có học sinh vừa bước ra khỏi cổng trường, bước vào quán nước là cởi đồng phục, giao tiếp với nhau bằng những từ ngữ thiếu văn hóa.
Một học sinh chia sẻ trăn trở của mình với Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – Ảnh: T.A
Gia Huy, học sinh tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 7 phân vân, làm cách nào để các học sinh không còn nói tục, làm cách nào để người lớn nhận thức nói tục là không tốt.
Em cho biết, ở Trung tâm giáo dục thường xuyên là một xã hội thu nhỏ. Ở đó, có học sinh lớn tuổi, học sinh nhỏ tuổi.
”Có anh chị lớn tuổi rồi nhưng không kiểm soát được lời nói của mình. Mở miệng ra là nói tục. Nói mười câu thì đến sáu bảy câu có từ nói tục”.
Nguyễn Nhật Tiến, học sinh lớp 11 Trường trung học cơ sở – trung học phổ thông Đinh Thiện Lý cho rằng, facebook là nơi để học sinh chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của mình cũng như kết nối bạn bè. Thế nhưng, các học sinh lại lợi dụng vào điều đó để sử dụng những lời lẽ dung tục, nói xấu, chửi bới nhau thậm tệ.
Qua đó, Tiến đề xuất, trong bộ môn Giáo dục công dân và môn tin học nên dạy cho học sinh làm sao để sử dụng mạng xã hội hiệu quả nhất. Đó là nên đăng cái gì, sử dụng từ ngữ như thế nào để không làm ảnh hưởng đến người xung quanh và chính mình.
Phải chuyển trường vì dùng hàng nhái
Một học sinh ở Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu cho biết có bạn đi học vì gia đình khó khăn nên mua giày giá rẻ nhưng nhiều bạn giàu có khác trong trường thấy thế nên chọc, rồi nói này nọ, thậm chí chửi vì xài hàng nhái.
”Vì áp lực quá nên bạn học sinh kia phải chuyển trường luôn. Em thấy tình trạng phân biệt giàu nghèo trong trường vẫn còn rất nhiều.
Vì thế, em mong thầy cô nên có biện pháp hoặc làm sao để các bạn yêu thương nhau hơn, đến trường là để học tập chứ không phải xem xét, so đo nhau về vật chất.
Bàn về vấn đề này, một học sinh khác cho rằng, vì gia đình khó khăn bạn học sinh kia mới phải dùng giày giá rẻ, đáng lẽ các bạn phải thông cảm, chia sẻ cho bạn ấy. Các thầy cô phải biết để động viên, khích lệ tinh thần bạn ấy, cớ cao lại đồn bạn ấy đến đường cùng là chuyển trường như vậy.
Ứng xử học đường đã gần rơi xuống tận cùng
Theo Võ Thành Đạt, học sinh lớp 11, trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, văn hóa ứng xử học đường trong xã hội ta bắt đầu rơi xuống xém tận cùng. ”Sở chọn chủ đề này em rất vui, vì mong muốn của mình đã được quan tâm”.
Em cho rằng, nên đem những câu chuyện trong văn dạy cho học sinh, giúp các em áp dụng thực tế tốt hơn.
Trong sách giáo khoa môn văn có nhiều bài có nội dung hay lắm, dạy cho các em rất nhiều điều bổ ích. Các thầy cô hãy sử dụng phương thức truyền đạt khoa học, sát với thực tế, để chúng em hiểu bài, suy nghĩ kỹ về những việc mình làm.
Trong lớp em, các bạn cứ cạnh tranh, đấu đá nhau về điểm số, vì vậy làm mất trật tự trong lớp học. Vì thế, em em chỉ mong Sở nên áp dụng chủ trương nhận xét như ở bậc tiểu học hơn cho điểm số.
Trăn trở với tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra ở nhiều trường, Võ Trâm Anh, học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền, phản ánh khi xảy ra sự việc thì các giáo viên thường xử lý rất nghiêm khắc nhưng thiếu quan tâm về tình cảm, tìm hiểu hoàn cảnh vì sao các bạn lại dẫn đến như vậy…
Ghi nhận những ý kiến của các em học sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, cùng với việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng phát huy năng lực phẩm chất cho học sinh.
Ngành giáo dục cũng đã, đang và sẽ chú trọng tới việc giáo dục đạo đức, văn hoá ứng xử học đường giúp học sinh tự tin, sáng tạo biết sống có trách nhiệm với công việc, hành động, lời nói của mình với mọi người xung quanh.
Theo đó, các thầy cô giáo phối hợp với các đoàn thể tổ chức các buổi sinh hoạt, các lớp kỹ năng sống.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý các học sinh khi phát hiện hoặc gặp tình huống bạo lực học đường cần kịp thời chia sẻ với thầy cô giáo để có hướng giải quyết hiệu quả, hợp lý. Đồng thời, nâng cao ý thức học tập văn hóa ứng xử từ gia đình và cộng đồng.
Tác giả: Diệu Thuần
Nguồn tin: Báo Giáo dục Việt Nam