Học sinh (HS) bị cô giáo đánh bầm tím vì viết chữ xấu, bị giáo viên tát vì nói chuyện riêng, bị đánh vì viết chậm, bị ăn đòn vì mất tập trung... Đó không còn là điều xa lạ, nếu không muốn nói khá quen thuộc trong môi trường học đường của chúng ta. HS bị đánh bởi những lý do... rất HS.
Không gian lớp học, nơi mà giáo viên thích là... đánh (Ảnh cắt từ clip) |
Mới nhất, là sự việc cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên ở Hải Phòng đánh nhiều HS lớp 2 ngay trong giờ kiểm tra. So với nhiều vụ việc bạo hành HS, có thể nói, cái đánh của cô Trang chưa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về thể chất cho học trò. Nhưng những cái bạt tai, đánh, dùng thước vụt vào chân... trong giờ HS làm bài kiểm tra một cách thản nhiên của cô Trang cho thấy, cô đánh học trò như một phản xạ tự nhiên, tiện tay là đánh.
Những cái bạt tai, giơ tay, vụt thước... cùng lúc nhiều HS mà trong khoảnh khắc ấy chúng ta có thể chắc chắn các cô không kịp hỏi han, nghe suy nghĩ, tình cảm của con trẻ. Chỉ cần thấy các em thể hiện, làm bài không giống như cách mình muốn là đánh.
Đặt mình vào con trẻ,ai trong chúng ta có thể làm nổi việc ngồi, nói, viết đúng như ý của người khác để không bị đánh?
Rồi một cô giáo khác bước vào lớp, chỉ cần cho rằng HS đang "chọn điên" mình là giơ tay đánh một cách rất tự nhiên. Cái đánh của một người thầy không hề có tình yêu thương, tình cảm hay một chút ái ngại, day dứt.
Liên tục những sự việc bạo hành, phạt học sinh phản giáo dục gây đau đớn dư luận |
Các em viết chậm, mất tập trung... là biểu hiện bình thường
TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó tổng hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan cho biết bà đau lòng quá sức trước sự việc cô giáo đánh học trò ở Hải Phòng. Nhìn hình ảnh cô giáo cầm thước đánh vào chân HS chan chát, tay vả vào mặt HS bôm bốp, cô đoán không phải là lần đầu cô hành xử như vậy.
HS viết chậm, HS tự ra khỏi chỗ ngồi, HS mất tập trung... đó là những việc diễn ra mỗi ngày mỗi ngày ở trường tiểu học trên cả thế giới này, từ Đông sang Tây, từ châu Âu tới châu Á, châu Phi... Đó là những biểu hiện rất bình thường ở trẻ tuổi này. Một lớp học mấy chục em thì kiểu gì cũng có những em chưa thể tuân thủ nguyên tắc hoặc năng lực học tập hạn chế hơn, thế mới cần giáo viên.
Cách đây 6 năm, TS Thu Huyền từng "gây bão" với bài báo "Có những ‘"cái tát" giúp HS nên người". Lúc đó, dù không ủng hộ bạo lực nhưng cô vẫn chưa rạch ròi trong tư tưởng giáo dục, vẫn xem có những trường hợp phải nghiêm khắc trừng phạt trẻ. Đến nay, cô đã tự ‘tẩy não’ chính mình.
"Đừng ai cố gắng thuyết phục tôi rằng bạo lực có khi cũng là cần thiết nữa! Không, ngàn lần không! Đòn roi chỉ để lại vết thương thân thể lẫn tâm hồn cho trẻ. Đòn roi rồi thuyết phục trẻ đó là nhân danh tình thương thì khó khăn lắm", cô Huyền nói.
Theo cô Huyền, mọi người hãy thay đổi niềm tin về việc đòn roi mới làm những đứa trẻ ngỗ nghịch thay đổi. Có ai tự hỏi rằng: vì đâu những đứa trẻ trở nên ngỗ nghịch? Có lỗi từ đầu của người lớn? Có phải vì sự thiếu kiên nhẫn, thiếu làm mẫu, thiếu hướng dẫn tới nơi tới chốn của người lớn mà đứa trẻ lạc lối? Để rồi, khi người lớn bất lực thì họ dùng tới bạo lực.
Ai có vấn đề, người đó phải đi giải quyết
ThS Tô Thị Hoàng Lan (ĐH Sư phạm TPHCM) kể trong những năm đi dạy, kể cả dạy phổ thông, cô thừa nhận mình chưa bao giờ gặp HS nào có hành vi ngỗ nghịch, cá biệt,... đến mức ảnh hưởng đến các HS khác và mình phải bất lực với HS cả. Tuy nhiên, chắc chắn rằng năm học nào cũng có những HS làm cô đau đầu và phải vắt óc suy nghĩ làm cách nào hướng các em đến những suy nghĩ và hành xử tốt hơn, ít ra là trong nhà trường.
Một điều cô nhận ra, nhìn lại những ca mà cô cho rằng mình đã giáo dục HS có kết quả đều không đến bằng con đường phạt/đe doạ HS mà đều là bằng việc lắng nghe, trò chuyện, tỉ tê, phân tích, quan sát, quan tâm... HS đó.
Từ những sự việc giáo viên trừng phạt HS, cô Lan lại nhớ đến quyển sách "Giáo dục không trừng phạt" của Thomas Gordon.
Tác giả nhấn mạnh, việc giáo dục không nằm ngoài việc chúng ta lắng nghe trẻ, chấp nhận trẻ, biết cách phản hồi trẻ và giúp cho trẻ tự đưa ra giải pháp cho vấn đề của mình.
Trước khi làm được việc này, chúng ta phải biết xây dựng một mối quan hệ tin cậy với trẻ ra sao, và dĩ nhiên không đến bằng sự trừ phạt hay doạ nạt.
Và có một câu ông nói trong quyển sách làm cô suy nghĩ: "Khi đứa trẻ làm gì đó không thỏa mãn nhu cầu của bạn, bạn nghĩ về hành vi đó đến mức bực bội. Chính bạn mới là người có vấn đề. Khi nào đứa trẻ cảm thấy bực bội vì không được thỏa mãn nhu cầu của chính nó, thì nó mới là người có vấn đề".
ThS Hoàng Lan nhấn mạnh, ai có vấn đề, người đó phải đi giải quyết. Nếu HS làm giáo viên bực bội, thì giáo viên phải học cách giải quyết việc bực bội đó, chứ không phải là bắt HS giải quyết thay cho mình bằng cách phạt chúng.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí