TP Hà Tĩnh

Hoảng hồn với bánh chưng mốc meo, bốc mùi của Khách sạn Công đoàn Hà Tĩnh

Bánh có mùi chua, lên men và bị mốc cả ở trong và ngoài lá dong, không còn có thể sử dụng được dù mới chỉ đến mùng 2 tết Ất Mùi – đó là những chiếc bánh chưng được Khách sạn Công đoàn Hà Tĩnh (Số 15, đường Phan Đình Phùng, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) bán cho khách hàng trước dịp tết Nguyên đán.

Bánh chưng bị mốc, lên men ngày mồng 2 tết

Vào ngày mùng 3 tết Ất Mùi,  báo Tầm nhìn nhận được phản ánh của gia đình bà P.T.H (Ngõ 2,  đường Phan Đình Giót, TP Hà Tĩnh) về việc những chiếc bánh chưng không đảm bảo chất lượng mà gia đình đặt mua trước tết tại Khách sạn Công đoàn Hà Tĩnh.

Theo đó, bà H cho biết: Ngày 20/12 âm lịch, bà đến Khách sạn Công đoàn Hà Tĩnh (số 15, Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh) đặt mua 15 chiếc bánh chưng (giá 40.000 đồng/chiếc) để dùng trong dịp tết Nguyên Đán.

Ngày 29 tết bà đến lấy bánh. Ngày mùng 2 tết bà và gia đình bóc bánh để ăn thì phát hiện chiếc bánh đã bị mốc, có mùi chua và nhất là vết mốc có màu rất lạ. Và đến ngày mùng 3 tết, toàn bộ số bánh còn lại, cả những chiếc được đặt trên bàn thờ đều bị mốc và có mùi, không thể sử dụng được nữa.

Chiếc bánh bà H mua tại Khách sạn Công đoàn đã bị mốc meo, bốc mùi (Ảnh chụp vào ngày mồng 2 tết)

“15 chiếc bánh tôi đặt mua đều bị hỏng cả dù mới đến mùng 2 tết. Thế là tết này gia đình chúng tôi anh em, con cháu, bạn bè đến không có bánh chưng để ăn, trong khi mình đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua số bánh này” – Bà H bức xúc.

Cho chúng tôi xem những miếng bánh đã bị bóc dở và cả những chiếc còn nguyên vẹn bà cho biết: bánh bị mốc, ngoài những đám mốc bình thường thì còn có chất gì màu  rất lạ. Được làm chưa lâu, những chiếc bánh bình thường có thể bị lại gạo nếu nấu chưa được kỹ, còn nếu có mốc thì nếu cắt bỏ  đi lớp mốc phía ngoài thì vẫn có thể sử dụng được những phần chưa bị hư, nhưng những chiếc bánh này bị  lên men và hỏng cả chiếc bánh, phần nhân phía trong cũng bị đen lại, nhìn là không dám ăn.

Ở chiếc bánh chưa bóc lá, nhìn từ phía ngoài cũng có thể thấy lớp mốc. Bóc ra, bánh được gói bởi 2 lá dong, toàn bộ phần bánh phía trong bốc mùi.

Theo như lời nhiều người dân có kinh nghiệm cho biết: bánh chưng bảo quản trong điều kiện bình thường mà mới đến ngày mồng 2 tết đã bốc mùi và hỏng cả chiếc bánh thì chiếc bánh được làm không đảm bảo chất lượng.

“Tôi muốn làm rõ sự việc về những chiếc bánh chưng kém chất lượng vì nếu như không làm rõ, có thể những chiếc bánh chưng độc hại, mau hỏng năm sau lại xuất hiện, ảnh hưởng tới sức khỏe và niềm vui ngày tết của nhiều gia đình” – bà H cho biết.

Cả phía ngoài và trong chiếc bánh đều bị mốc và bốc mùi (Ảnh chụp ngày mồng 2 tết)
 Phần nhân phía trong cũng bị đen lại  (Ảnh chụp vào ngày mồng 2 tết)

Ngay trong chiều mồng 3 tết,  PV liên lạc qua điện thoại với ông Phan Ngọc Khuê, Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Công đoàn Hà Tĩnh.

Sau khi nghe qua sự việc, ông Khuê liền đặt nghi vấn: liệu có đúng là người dân đó mua bánh chưng ở khách sạn do ông quản lý hay không vì bánh chưng ở đơn vị này đã có thương hiệu từ lâu, và có thể có người muốn làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm do công ty sản xuất.

Trước đó bà H cho biết: khi bà đặt mua sản phẩm tại khách sạn này, bà được nhân viên phát cho một phiếu ghi đặt hàng và hẹn ngày lấy bánh, vào ngày 29 tết, khi nhận bánh thì nhân viên thu phiếu lại. Tuy nhiên, bà H cho biết, tên, số điện thoại và số lượng sản phẩm, tiền đặt cọc của bà đều có ghi đầy đủ trong sổ đặt mua hàng của khách sạn vào ngày 20/12 âm lịch.

Đến sáng mồng 4 tết, PV trực tiếp có cuộc làm việc với ông Phan Ngọc Khuê và cho ông xem những hình ảnh về chiếc bánh bị hỏng. Ông Khuê khẳng định lại thương hiệu và chất lượng bánh qua các năm được bán tại khách sạn.

Sau đó ông tiếp tục đặt nghi vấn về việc liệu có đúng khách hàng đó đã mua bánh tại khách sạn mình hay không, còn nếu bánh thực sự được mua tại khách sạn thì khách sạn sẽ chịu trách nhiệm và đền bù cho khách hàng.

PV đề nghị ông Khuê cho xem danh sách ghi tên khách hàng đặt mua sản phẩm vào ngày 20/12 âm lịch mà bà H nói. Tuy nhiên, ông Khuê chỉ cho PV xem một quyển sổ ghi sơ sài tên một số khách hàng nhận bánh vào ngày 29 tết mà nhất quyết không cho PV xem danh sách ngày 20.

Sau khi ông Khuê một mực từ chối cho xem danh sách, PV đề nghị có cuộc gặp với khách hàng để làm rõ những vấn đề khách hàng phản ánh, ông Khuê hẹn sẽ gặp và làm việc với gia đình bà H và trả lời về thông tin trên vào ngày mùng 6 tết.

Bán bánh chưng nhưng không kiểm soát được chất lượng sản phẩm 

Vào ngày mùng 6 tết (tức ngày 24/2/2105), đến gần cuối giờ chiều không thấy ông Khuê liên lạc gặp gỡ gia đình khách hàng như ông nói để kiểm tra và làm rõ thông tin về vụ việc, PV đã liên lạc lại với ông Khuê. Sau đó, tận cuối ngày ông Khuê mới tới làm việc với gia đình.

Tại đây, ông Khuê mới xác nhận 15 chiếc bánh chưng mà bà H mua và đã bị hỏng đúng là được đặt mua tại khách sạn do ông quản lý.

Ông Phan Ngọc Khuê bên chiếc bánh mốc meo, bốc mùi mà Khách sạn Công đoàn bán cho bà H

Ông khẳng định lại thương hiệu của bánh chưng bán tại Khách sạn Công đoàn vào ngày tết, đã được người dân thành phố Hà Tĩnh tin dùng từ lâu.

Tuy nhiên, ông lại cho biết thêm: từ hôm mồng 4 tết, xem những hình ảnh do PV chụp lại  trước đó, ông cũng đã thấy những chiếc bánh chưng này không đảm bảo chất lượng.

Cũng theo ông, ngoài những chiếc bánh mà bà H phản ánh thì chính một số chiếc bánh sử dụng tại gia đình ông (cũng đặt từ Khách sạn Công đoàn) cũng bị như vậy.

Ông Khuê cho biết, Khách sạn Công đoàn trực tiếp bán ra thì khách sạn sẽ chịu trách nhiệm. Ông đã trực tiếp xin lỗi về những chiếc bánh kém chất lượng và sau đó đền bù số tiền bà H đã bỏ ra để mua những sản phẩm này.

Và đến tận lúc này, ông Khuê mới cho biết: thực tế, bánh chưng tại khách sạn ông đều được đặt và sản xuất tại cơ sở sản xuất “Bánh chưng bà Thu công đoàn” của bà Từ Thị Thu (nguyên là giám đốc Khách sạn Công đoàn, đã nghỉ hưu).

Tết Ất Mùi năm nay, khách sạn đặt 5000 chiếc nhưng cơ sở không đáp ứng được nên chỉ đặt được 3200 chiếc.

Khi PV đặt vấn đề, sản phẩm do khách sạn Công đoàn bán ra và là thương hiệu của Khách sạn thì không thể phó thác chất lượng sản phẩm cho một cơ sở khác được, thì ông Khuê cho rằng việc này mình không thể nắm hết được, từ trước đến giờ đều tin tưởng và sử dụng bánh tại cơ sở này.

Như vậy, từ lời ông Khuê có thể thấy, thương hiệu bánh chưng của Khách sạn Công đoàn đặt từ cơ sở khác và đơn vị này không thể kiểm soát hết được chất lượng sản phẩm được bán cho khách hàng.

Một thương hiệu bánh chưng lớn tại Hà Tĩnh mà chủ của thương hiệu này không dám khẳng định giám sát và nắm hết được chất lượng sản phẩm liệu có xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng trong một thời gian dài đối với mặt hàng có ý nghĩa lớn như thế này hay không?

Mai Nguyễn – Thu Trà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP