Danh Nhân

Hoàng giáp Biện Hoành – Người con ưu tú của quê hương Cẩm Xuyên

Biện Hoành sinh ra và lớn lên trong buổi đầu của nhà Lê trung hưng, là một hiền tài và danh tướng của triều Lê Trung Tông (1535 – 1556). Ông từng giữ chức Thanh hình Hiến sát sứ, “Lĩnh Quảng Nam, Đạo đốc thị”…

Từ đây, ông có thêm tên gọi: Biện tướng công. Cũng không biết tự thời nào đã có bài ca: Nhà họ Biện tướng tài/ Dẹp thù trong giặc ngoài/ Thanh hình Hiến sát sứ/ Xứng áo mũ cân đai…


Tuy năm sinh, năm mất của Hoàng giáp Biện Hoành hiện giờ vẫn chưa được làm rõ (theo gia phả của một số chi tộc họ Biện, Biện Hoành sinh vào cuối thế kỷ XV); nhưng con người, nhân cách, tài năng và tinh thần vì nước, vì dân của ông thì đã rõ. Các tài liệu, như: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, “Các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam”, “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, “Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 Bia Tiến sĩ”… đều khẳng định ông là một tài năng, nhân cách lớn, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, được sỹ phu và nhân dân trọng vọng.


Trên cương vị của một Thanh hình Hiến sát sứ, Biện Hoành đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, không lùi bước trước khó khăn, dám xả thân vì nghĩa lớn. Mặc dù làm quan trong bối cảnh đất nước rối ren, tao loạn nhưng Biện Hoành vẫn giữ được bản lĩnh cao cường và phẩm chất thanh sạch, chính trực. Quan tâm nhiều đến cuộc sống khó khăn, đói kém của người dân, ông đã tích cực chủ trương khai hoang, mở đất, lập nên nhiều làng xóm trù phú tại vùng đất Hoa Duệ (nay là xã Cẩm Mỹ – Cẩm Xuyên) lúc bấy giờ. Được vua ban cho 500 mẫu ruộng, ông đã không giữ cho riêng mình mà chia hết cho dân nghèo cày cấy, làm ăn…


Quảng Nam – “vùng đất yết hầu của miền Thuận – Quảng” lúc bấy giờ hết sức phức tạp. “Bọn ngụy Mạc dám nghịch cương thường” (lời trong bia tiến sĩ Chế khoa Giáp dần, 1554), quân phản loạn nổi dậy khắp nơi chống lại Nhà Lê vừa khôi phục… Trong một lần đi thị sát, kiểm tra tình hình, Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành gặp phải sự chống trả quyết liệt của kẻ thù. Trước tình thế cấp bách, một mất một còn, ông phải mật thư báo về khuyên vợ con tìm cách lánh nạn; còn ông kiên cường chiến đấu với kẻ thù đến hơi thở cuối cùng vì sơn hà, xã tắc. Sau khi ông mất, nhà nước phong kiến truy phong ông là Thượng đẳng thần; nhân dân nhiều nơi – trung tâm là vùng Hoa Duệ – lập miếu thờ Quan Nghè Biện Hoành. Hãy còn đôi câu đối khắc trước đền thờ ông từ xa xưa: Tiên triều minh quan sinh tiền trọng/ Tạo miếu lưu dân tử hậu truyền (Lúc sống, làm quan thanh liêm, tiên triều trọng vọng/ Khi mất, dân lập miếu thờ, đời sau truyền mãi).


Sinh thời, Hoàng giáp Biện Hoành kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Chúc, quê ở xã Vĩnh Lại, nay là Cẩm Vĩnh, Cẩm Xuyên (mộ của bà hiện vẫn còn, được con cháu hương khói thờ tự chu đáo). Ông bà sinh được 5 người con: con trai đầu là Biện Viết Hoán – cử nhân, cư trú tại Thạch Hà; con trai thứ 2: Biện Văn Hành – tú tài, di cư ra huyện Siêu Loại – Kinh Bắc (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh); con thứ 3: Biện Trí Tri, di cư ra Hoàng Trù – Nam Đàn, Nghệ An; con thứ 4: Biện Trí Thái – cử nhân, di cư sang huyện Thanh Chương, phủ Anh Đô (năm 1822 đổi là phủ Anh Sơn); con thứ 5: Biện Hoằng Khôi, ở lại quê nhà Cẩm Xuyên. Và cứ thế, trăm cành cùng chung một gốc lớn lên, Biện tộc trở nên rất đáng được chú ý trong cộng đồng các dòng tộc Việt Nam. Đã có không ít những người con họ Biện là anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc; một số người có học hàm, học vị, cấp bậc cao trên một số lĩnh vực, nhất là khoa học, quân sự, và giáo dục…


Sử liệu hiện tại cho phép khẳng định: Biện Hoành là người con của họ Biện đầu tiên được ghi danh trong chính sử Việt Nam (cũng vì thế mà Biện tộc xem ông là thủy tổ). Còn nhiều điều về nguồn gốc thế phả Biện tộc cần phải được tìm hiểu, nghiên cứu, nhưng hiện đã xác định được Hà Tĩnh là trung tâm xuất phát của dòng họ này. Từ đây mà hình thành nhiều chi phái Biện tộc có mặt khắp mọi miền đất nước với 5 trung tâm: xứ Nghệ (Nghệ An, Hà Tĩnh), xứ Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa), miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận), Tây Nguyên (Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Đà Lạt), Nam bộ (TP Hồ Chí Minh, Củ Chi, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long…). Một số bà con Biện tộc ở hải ngoại sau nhiều năm thất lạc, năm 2007 cũng đã tìm về nguồn cội.


Tự bao đời, nhân dân tưởng nhớ, vinh danh Hoàng giáp Biện Hoành, xây miếu thờ ông (nhân dân quen gọi là miếu Quan Nghè) ngay trên mảnh đất của quê hương ông. Ngôi miếu hết sức linh thiêng là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân khắp nhiều vùng miền vì khát vọng một cuộc sống yên bình, hạnh phúc…


Gần 500 năm qua, con cháu Hoàng giáp Biện Hoành, do chiến tranh và nhiều ngăn trở khác, đã lạc nhau, chẳng biết đâu nguồn cội… Các thế hệ con cháu, đặc biệt từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay không ngừng hướng về tiên tổ, ra sức tìm kiếm, lần theo dấu vết của cha ông.


Ngày 1/4/2007, lần đầu tiên có được một cuộc đoàn viên Biện tộc mọi vùng miền. Từ đây, đền – miếu thờ Quan Nghè Biện Hoành được trùng tu tôn tạo ngày một quy mô hơn. Ngày 17/4/2011, đền thờ Quan Nghè Biện Hoành được tổ chức khánh thành trang trọng, cảm động với sự tham gia, chứng kiến của các cấp chính quyền, đông đảo nhân dân và bà con Biện tộc khắp cả nước.


Ngày 25/10/2011, đền được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh. Lễ đón nhận bằng Di tích (5/4/2012) được tổ chức chu đáo trong sự thành kính, ngưỡng mộ của hàng vạn tấm lòng. Tên tuổi, công đức và hành trạng của Biện Hoành đã được cả nước vinh danh.


PGS, TS Biện Minh Điền


Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Vinh

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: danh tướng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP