Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia giáo dục học trước chương trình đó không phải là cách hay để giúp các con học tốt chương trình lớp 1 mà đó chỉ là phương án giải quyết tình thế.
Phụ huynh trải lòng chuyện con sắp vào lớp 1
Ngày đi làm, đêm về học bài cùng con là hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Hữu An (Thanh Trì – Hoàng Mai – Hà Nội). Được biết, năm nay, đứa con đầu lòng của anh An vào lớp 1, hai vợ chồng anh dẫu khá bận nhưng vẫn dành tối đa thời gian có thể để kèm cặp, tạo thói quen học bài cho con trước khi vào lớp 1. Anh An chia sẻ: “Mình thấy cháu gái của mình bước vào học lớp 1 khá vất vả, nhất là giai đoạn tạo nề nếp cũng như cách tự lập. Ví dụ như: đi học về buổi tối phải làm bài tập, khi học bán trú phải biệt tự vệ sinh, tự xúc cơm…. Chính vì chủ quan nghĩ vào năm học cháu sẽ quen với cách cô hướng dẫn, nhưng mình phải mất gần 1 kỳ học mới làm quen được”.
Phụ huynh không nên quá lo lắng khi con tiếp thu chậm. Ảnh Hải Nam. |
Rút kinh nghiệm từ cháu gái của mình, từ ngày bước vào mẫu giáo lớn mỗi buổi tối anh An thường cho con ăn cơm trước để con học bài. “Thời gian đầu mình phải ngồi học cùng con, nhưng tầm 2 tháng con quen, cứ ăn cơm xong đến giờ tự chủ động vào bàn học. Nói học, nhưng vào bàn con làm những gì con thích ví dụ như: tập vẽ, tập tô màu…. Hay cho con vẽ theo các nét đơn giản để quen cách cầm bút, quan trọng vẫn là tạo thói quen cho con ngồi học”, anh An nói.
Anh anh cũng chia sẻ thêm: “Mình lo rằng nếu không dạy con tự ý thức về việc học khi vào năm học mới áp lực từ bài vở, áp lực từ trường học mới sẽ khiến con mệt mỏi, học hành không hiệu quả. Tuy nhiên, vợ chồng mình cũng không cho học con đi học trước chương trình, bởi nếu học trước mình sợ con sẽ chán, lên lớp sẽ không tập trung”.
Cũng có con năm nay vào lớp 1, anh Nguyễn Hưng (Khu đô thị Linh Đàm – Hoàng Mai – Hà Nội), để chuẩn bị cho con là “tân sinh viên lớp 1”, vị phụ huynh này đã cùng với một số phụ huynh thuê gia sư về dạy nhà cho con mình trước. “Trong thời gian học thêm hè này, mình chú trọng cho con làm quen với chữ, số, tập viết, mình nghĩ làm quen trước để con đỡ bỡ ngỡ, tự ty khi học. Ngoài ra, vợ chồng mình dạy con một số kỹ năng như: tự xúc cơm ăn, tự rửa tay, vệ sinh cá nhân để các con có thể tự lập những lúc bán trú ở. Đối với việc tạo cảm hứng cho con học hành, anh đã đưa con đi mua sách vở, dụng cụ học tập, balo…”, anh Hưng nói.
Ngoài nỗi lo con thích ứng với trường học mới chậm, vị phụ huynh này còn gánh thêm mối lo sĩ số đông quá khiến chất lượng giáo dục giảm. Anh Hưng nói: “Khu đô thị mình sống khá đông dân, kéo theo số trẻ vào lớp 1 cũng đông. Theo như mình tìm hiểu năm ngoái, mỗi trường đã có hơn 20 lớp 1 vậy là 1 khóa đã có gần 1 nghìn học sinh. Năm nay, số học sinh vào lớp 1 tăng hơn rất nhiều, trong khi đó chỉ có 2 trường tiểu học. Chính vì vậy nổi lo quá tải, chất lượng học sẽ giảm luôn ám ảnh mình và nhiều phụ huynh ở khu mình sống. Ngoài ra, một số trường còn cho học sinh nghỉ luân phiên, ví dụ học thứ 2, thứ 3 học; thứ 4 nghỉ thứ 5 đến thứ 7 học. Vậy nghỉ ngày thứ 4 con ở nhà ai sẽ trông? Bố mẹ nghỉ làm thì chỉ nghỉ được 1 đến 2 lần chứ không nghỉ được quanh năm được….”.
Theo anh Hưng vấn đề nghỉ luân phiên đó cũng chưa đáng ngại bằng việc sĩ số lớp đông, một cô giáo không thể có thể sát sao được hết với các con. “Đặc biệt là giai đoạn lớp 1 rất quan trọng, nó là nền móng cho các con lên các lớp trên bởi vậy tôi và nhiều phụ huynh khác rất lo lắng liệu có nên chọn phương án chọn trường trái tuyến, đi xa hơn hay chọn một trường dân lập để cho con học hay không?”.
Cố gắng để cho trẻ thấy những điều vui, đặc biệt giao tiếp với bạn bè mới. Ảnh Hải Nam |
Cho con học trước cũng không phải là phương án hay
Trước những lo lắng của phụ huynh chuẩn bị tâm thế như thế nào cho con vào lớp 1, thầy Lê Đức Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Trường (Đồng Nai) – người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề giáo chia sẻ: “Với kinh nghiệm tuyển sinh lớp 1 của tôi, phụ huynh không nên cho con đi học trước chương. Bản thân chương trình lớp 1 đã có khoảng thời gian 1 tuần để cho các em làm quen với nề nếp lớp học, học tập bởi vậy những em phát triển bình thường thì không cần thiết. Chỉ đối với những em có khuyết tật bẩn sinh thì mình nên xem xét việc có nên cho đi học trước chương trình hay không”.
Ngoài ra, trong một tuần đầu học sinh sẽ được làm quen với cô giáo, bạn bè, nề nếp, cũng như những nội quy lớp học. Cô giáo sẽ hướng dẫn các em cách lấy sách vở, cách cầm bút, cách trả lời cô giáo. “Bất kỳ trường tiểu học nào cũng dạy cái đó nên phụ huynh không quá lo. Và bắt đầu tuần thứ 2 các em sẽ làm quen với những nét cơ bản, như nét khuyết, nét móc… để cấu tạo con chữ. Sau 2 tuần các em bắt đầu được cô giáo giới thiệu con chữ”, thầy Dũng nói thêm.
Một hiện tượng đáng báo động hiện nay là phụ huynh cho con đi học trước chương trình. Thầy Dũng phân tích: “Tôi phải công nhận sẽ có một số cái lợi khi cho học sinh đi học trước chương trình như: bảo đảm con cái của mình trong giai đoạn học âm sẽ không quên, chắc chắn đọc, viết được. Nhưng theo tôi cái hại sẽ nhiều hơn mà cái hại lớn nhất lên lớp thầy cô giảng lại các em có thái độ chán học, không tập trung với suy nghĩ cái đó mình đã biết, vô tình phụ huynh đã làm cho con thái độ chủ quan khi tiếp nhận kiến thức”.
Cũng theo thầy Dũng vì tâm lý lo lắng con sẽ tiếp không theo kịp bạn cùng lớp nên mới cho đi học trước, nhưng phụ huynh yên tâm sau một vài tháng các em sẽ nhớ mặt chữ, dần dần đọc được, viết được và cuối năm các em cũng hoàn thành chương trình lớp 1. Cha mẹ đừng nghĩ con biết đánh vần, biết cộng trừ trước là hay. Cái mà chúng ta nên hướng đến cái đích đến sau này chứ không phải chỉ dừng lại ở lớp 1.
“Tôi vẫn nhấn mạnh việc quan trọng nhất mà phụ huynh nên làm là chuẩn bị tâm lý tốt cho các em. Phải làm sao để các em không cảm thấy bị sốc, ngỡ ngàng khi đến môi trường học mới. Cố gắng để cho trẻ thấy những điều vui, đặc biệt giao tiếp với bạn bè mới. Phụ huynh phải gợi mở làm sao để trẻ chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn đầu đến lớp, tạo hứng thú cho con học tập”, thầy Dũng nói.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chuẩn bị cho các em tâm thế học tập. “Chuẩn bị tâm thế không nhất thiết phải mua thứ này, thứ kia mà việc đó hãy hướng dẫn các con chuẩn bị những gì học cho ngày mai, sách vở phải sắp xếp như thế nào? Vệ sinh cá nhân ra sao? Tập cho con hiểu rằng, từ nay trở đi con phải học hành đúng giờ…. tự chuẩn bị bài vở, bút mực trước khi đi học, phụ huynh không nêm làm thay hết mọi việc. Và điều quan trọng nữa là các con phải biết đi thưa về trình”, thầy Dũng nhấn mạnh.
Theo thầy Dũng, dù hoàn cảnh gia đình có khó khăn đến đâu đi nữa cũng nên dành cho các em một góc học tập, “Nói có vẻ quy mô quá nhưng góc học tập đó tùy vào điều kiện của nhà rồi có khi một tấm ván, một cái ghế nhưng để làm sao các con có không gian học và tạo được cảm hứng. Tôi vẫn nhấn mạnh, gia đình là người hỗ trợ, tư vấn, khuyến khích kỹ năng tự học thì cha mẹ tôi nghĩ cha mẹ nào cũng làm được và con kết thúc một năm lớp 1 sẽ nhẹ nhành hơn nhiều”.
Tác giả: Ngô Chuyên
Nguồn tin: Báo Công lý