Chị Bùi Thị Mỹ Hạnh khát khao tìm lại người mẹ đẻ đã bỏ rơi chị từ lúc lọt lòng. |
Chị Bùi Thị Mỹ Hạnh, 38 tuổi, hiện sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội, bị mẹ đẻ bỏ rơi ở nhà hộ sinh Ba Đình, Hà Nội từ khi mới chào đời (năm 1980). Chị may mắn khi gặp được cha mẹ nuôi tử tế luôn bao bọc, hết mực yêu thương, coi chị như người con đẻ, nuôi nấng chăm sóc chị suốt gần 40 năm qua.
Chị Hạnh không hề biết mình là con nuôi cho đến khi mẹ nuôi chị qua đời. Kể từ đó chị Hạnh luôn đau đáu mong tìm được mẹ đẻ. Hễ ai có thông tin gì về câu chuyện năm ấy, chị đều tìm tới tận nơi để gặng hỏi, xác minh, nhưng đáp lại đều chỉ là những thông tin mập mờ, đồn đoán.
Bé gái bị bỏ rơi tại nhà hộ sinh năm 1980
Đã 38 năm trôi qua kể từ khi được bố mẹ nuôi đón từ Nhà hộ sinh Hàng Bún (nay là Nhà hộ sinh Ba Đình) về nuôi dưỡng, gia đình Hạnh vẫn ở tại một địa chỉ trong con ngõ nhỏ trên phố Âu Cơ, gần Hồ Tây, Hà Nội. Nhớ lại khoảng thời gian trước, chị Hạnh kể, khi mẹ nuôi sắp qua đời, bà nói cho chị nghe một bí mật khiến chị rụng rời: Chị là con nuôi. “Bố mẹ nuôi đến đón khi tôi đã bị bỏ ở nhà hộ sinh hơn một tuần trời”, chị Hạnh nói.
Chiều ngày 5/12, chia sẻ câu chuyện trên với phóng viên Dân trí, chị Bùi Thị Mỹ Hạnh cho biết, hồi đó (năm 1980), có một người họ hàng của bố mẹ nuôi chị làm nghề hộ sinh tại đó, thấy chị bị bỏ rơi nhiều ngày mà không có bố mẹ đẻ đến nhận. “Lúc đó bác ấy đã nghĩ ngay đến bố mẹ tôi đang bị hiếm muộn và giúp đỡ làm các thủ tục để bố mẹ nuôi có thể nhận tôi về chăm sóc”.
Ngày 25/11/1980, chị Hạnh được bố mẹ nuôi đón về nhà khi được hơn 7 ngày tuổi. Khi ấy, bố nuôi chị Hạnh 32 tuổi, còn mẹ nuôi 31 tuổi, hai người lấy nhau đã khá lâu song chưa sinh được con. Nhận nuôi được một bé gái mới sinh kháu khỉnh, gia đình vui mừng lắm.
Dù là con nuôi nhưng chị Hạnh đã có một cuộc sống ngập tràn tình yêu và hạnh phúc. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Mặc dù không mang nặng đẻ đau nhưng bố mẹ nuôi cưng chiều và yêu thương chị Hạnh hết mực. Bố mẹ nuôi là món quà vô giá mà số phận đã bù đắp cho chị sau nỗi bất hạnh bị bỏ rơi.
Cuộc sống của chị cứ êm đềm trôi đi như vậy cho đến khi người mẹ nuôi tiết lộ sự thật trước lúc qua đời. Kể từ đó chị bắt đầu đi tìm mẹ đẻ.
Với những thông tin rất ít ỏi mà chị Hạnh đã tìm hiểu cũng như được bố mẹ nuôi kể lại, thì vào một ngày cách nay rất lâu, khi chị khoảng 4-5 tuổi, có một người phụ nữ đã tìm đến khu xóm nơi gia đình chị đang sống để dò hỏi về gia đình đang nhận nuôi một bé gái từng bị bỏ rơi tại Nhà hộ sinh Hàng Bún.
“Có lẽ khi đó nhiều hàng xóm biết tôi đang sống trong một gia đình khá giả, có cuộc sống tốt, nên đã nói với người phụ nữ kia rằng không biết thông tin gì. Sau này họ kể lại, tôi láng máng nghĩ là đó có thể là người mẹ đẻ đã từng đi tìm mình. Cũng có thể đến tận bây giờ, người mẹ ấy biết tôi sống trong một gia đình tốt và hạnh phúc nên cũng không đến tìm gặp tôi nữa”, chị Hạnh chia sẻ.
Mong được ôm mẹ đẻ dù chỉ một lần
Sau khi mẹ nuôi mất, chị Hạnh bắt đầu nung nấu ý định đi tìm mẹ đẻ, đi tìm nguồn gốc máu mủ của mình. "Ngày trước tôi đã từng có ý nghĩ trách móc mẹ đẻ, trách sao lại nỡ bỏ rơi tôi khi vừa mới sinh ra. Nhưng giờ nghĩ lại tôi hiểu có thể hồi đó mẹ gặp khó khăn gì đó nên không thể nuôi tôi. Đã làm mẹ nên tôi biết người mẹ nào cũng rất yêu thương con mình", chị Hạnh tâm sự.
Đã nhiều lần, chị Hạnh hỏi bố nuôi về thông tin của người phụ nữ từng bỏ rơi chị tại nhà hộ sinh, nhưng ông chỉ nhớ hộ khẩu của mẹ đẻ chị có ghi trong hồ sơ ở nhà hộ sinh Hàng Bún. Khoảng vài năm trở lại đây, hành trình tìm mẹ của chị Hạnh dày đặc hơn, chị tìm đến gia đình bà Mai Hạnh, người phụ nữ đã sinh con năm 1974 ở nhà hộ sinh Ba Đình và bị trao nhầm con, để hỏi thăm bà Hạnh cách tiếp cận được hồ sơ của nhà hộ sinh.
Dù biết là rất khó khăn với những thông tin ít ỏi về người mẹ đẻ, chị Hạnh vẫn đang miệt mài tìm kiếm. Nếu còn sống, theo chị Hạnh, năm nay mẹ đẻ chị có thể đã xấp xỉ tuổi 70. Người phụ nữ 38 tuổi mong ước được một lần được nhìn thấy mẹ đẻ của mình, được ôm lấy người mẹ đó trước khi bà ấy cũng như người mẹ nuôi, bỏ chị đi về thế giới khác.
"Trước khi mất, mẹ nuôi gọi tôi đến và tiết lộ sự thật rằng tôi không phải con đẻ của bà. Nhưng bà nói, bà luôn coi tôi như con đẻ, dẫu tôi không có cùng máu mủ nhưng vẫn luôn là con của mẹ”, chị Hạnh kể rồi đưa tay gạt nước mắt.
Chị Hạnh và người mẹ nuôi. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Những ngày này, chị Hạnh đang đi làm đơn đề nghị trích lục thông tin từ nhà hộ sinh, chị đi hỏi các cơ quan tư pháp rồi đi khắp nơi tìm kiếm thông tin. Mỗi lần đọc trên báo hay mạng xã hội về những trường hợp trao nhầm con tìm lại được gia đình máu mủ của mình, chị Hạnh lại cảm thấy vui mừng, hy vọng hành trình tìm mẹ của chị cũng sớm có kết quả tốt đẹp.
Tác giả: Trần Thanh
Nguồn tin: Báo Dân trí