Đó là câu chuyện cảm động như cổ tích có thực giữa đời thường của cặp vợ chồng tật nguyền Bùi Văn Tăng (SN 1970) và Nguyễn Thị Sim (SN 1982), ở xã Lương Nội, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Số phận nghiệt ngã
Sinh ra trong 1 gia đình có 7 anh chị em, tuổi thơ của Bùi Văn Tăng bình yên như bao đứa trẻ khác. Dù gia đình đông anh em, cuộc sống khó khăn nhưng những năm tháng tuổi thơ Tăng vẫn lớn lên khỏe mạnh bình thường.
Nhưng rồi, khi bước sang tuổi 16 tai họa bất ngờ ập xuống cuộc đời chàng trai trẻ, biến anh từ 1 người khỏe mạnh bình thường trở thành người tàn tật.
Dù tàn tật nhưng vợ chồng anh Tăng đã viết lên câu chuyện cổ tích về tình yêu và nghị lực sống. |
Khi đó, đôi chân của Tăng cứ đau nhức, xương khớp tê buốt. Do gia đình hoàn cảnh nên cũng không có điều kiện đưa anh đi chữa trị, mà chỉ lấy lá thuốc ở nhà. Được khoảng 6 tháng, các cơ chân của anh co rút lại, không thể duỗi thẳng được. Đến tháng 9 năm 1986, anh phải ngồi xổm, hết ngồi rồi lại nằm. Để kiếm thêm thu nhập, anh phải đi lom khom từ đầu làng đến cuối làng để uốn lưỡi câu cho trẻ nhỏ.
Sau đó 4 năm, anh lại bị ốm một trận “thập tử nhất sinh” rồi kể từ đó anh phải nằm liệt một chỗ. Mặc cảm với số phận, Tăng đã có lúc nghĩ quẩn.
Trong những ngày tháng nghiệt ngã đó, anh bất ngờ tìm được một nửa của mình nhờ chiếc điện thoại người cháu tặng.
Anh Tăng đã tìm được vợ nhờ Google. |
Trong một lần gõ Google, tìm đến Trung tâm “Vì ngày mai” (nơi chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và tổ chức sản xuất cho thanh thiếu niên khuyết tật ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội), anh đã đọc được dòng tâm sự của chị Sim khi bị lạc mất con, kèm theo đó là số điện thoại. Nhờ số điện thoại đó mà hai người quen nhau.
Lúc đầu anh chỉ nghĩ, được nói chuyện với những người có cùng cảnh ngộ đã là hạnh phúc rồi, không ngờ nhân duyên đã đưa người phụ nữ ấy về bên đời anh.
Kỳ diệu mối tình tật nguyền
Cuối năm 2013, chị Sim xin được chiếc xe lăn của một người ở bên Mỹ tài trợ.
Đứa con là kết quả của tình yêu kỳ diệu. |
Theo tiếng gọi của tình yêu, từ Hà Nội, chị Sim ngược về miền sơn cước xứ Thanh để tặng xe lăn cho anh Tăng. Khi chị Sim tìm đến nơi, phía gia đình anh Tăng ai cũng ngưỡng mộ, và cả xóm núi ấy, không ai ngờ rằng anh lại có người yêu.
Chị Sim (quê xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cũng là 1 người người bất hạnh, dù không phải nằm 1 chỗ nhưng cuộc đời chị cũng đầy nước mắt. Chị cho biết, hồi mới có bầu chị, mẹ chị tiêm nhiều thuốc kháng sinh nên sinh ra chị bé như cái kẹo, sau này trưởng thành chị cũng chỉ cao được 1,1 m, nặng có 25 kg.
Trước khi đến với anh Tăng, chị cũng đã trải qua 1 lần lầm lỡ với 1 người cùng cảnh ngộ và sinh được 1 bé gái. Cháu bé bị người chồng ruồng bỏ, chị không đủ sức nuôi con nên đã gửi lại 1 trung tâm ở Hà Nội. Sau này chị được biết con gái mình đã được 1 cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi, đến nay cháu cũng đã được 10 tuổi.
Từ ngày mẹ mất, anh Tăng đã có vợ tận tình chăm sóc. |
Ngày vợ chồng anh Tăng về chung một nhà, đám cưới không có chú rể đi đón dâu, chỉ có 2 chú cháu là người thân của anh Tăng từ nhà ra tận Thái Nguyên xin dâu. Hai bên nội ngoại cũng chỉ làm vài mâm cơm bình dị để thông báo và ra mắt họ hàng, xóm giềng.
Ngày anh chị làm đám cưới, cả vùng quê nơi anh Tăng ở xôn xao, ai cũng cảm phục tình yêu của 2 người, nhưng cũng nghi ngại về tương lai của đôi uyên ương tật nguyền.
Cưới nhau được 1 năm, niềm vui của cặp vợ chồng tàn tật càng nhân lên gấp bội khi cậu con trai chào đời. Ngày vợ anh chuyển dạ sinh con, mẹ anh cũng lâm bệnh nặng, anh thì nằm 1 chỗ chẳng giúp được gì, vợ anh phải nhờ người họ hàng chở lên Bệnh viện huyện Bá Thước để sinh.
Do phải mổ bắt con nên chị lại được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Dù chỉ nặng có 25 kg nhưng chị đã hạ sinh 1 cháu trai nặng 3,4 kg. Cháu bé được vợ chồng anh đặt tên là Bùi Lương Bằng với mong muốn con lớn lên khỏe mạnh, sống có lương tâm và công bằng với mọi người.
Cuộc sống còn nhiều khó khăn và lo âu nhưng tình yêu đã xóa tan mọi thứ. |
"Ngày trước mẹ còn sống thì mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân đều một tay mẹ giúp. Sau này mẹ mất đi, nếu không có vợ thì tôi cũng không biết phải sống thế nào" - anh Tăng nghẹn ngào.
“Cuộc sống của vợ chồng giờ có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chúng tôi cũng cố gắng yêu thương đùm bọc nhau, nhưng chỉ sợ khi một ai đó đổ bệnh thì không biết bấu víu vào đâu. Tôi sống đến bây giờ đã là điều kỳ diệu, giờ tôi chỉ có ước muốn được 1 lần tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra xem tôi mắc bệnh gì thế là tôi mãn nguyện lắm rồi”- anh Tăng chia sẻ.
Ngôi nhà mà vợ chồng anh Tăng đang ở là do một doanh nghiệp trao tặng. Số tiền trợ cấp xã hội của hai vợ chồng cộng lại chỉ được 945 nghìn đồng/ tháng. Con trai anh Tăng do bị viêm phế quản mãn tính nên mỗi khi trở trời lại ốm.
Với số tiền trợ cấp ít ỏi, cuộc sống của đôi vợ chồng này không khỏi những khó khăn. Tuy nhiên, sự lạc quan, nỗ lực luôn giúp họ vui vẻ để vượt qua những thiếu thốn. Số phận không may mắn nhưng tình yêu đã làm xóa tan mọi khoảng cách của hai con người biết mạnh dạn vượt qua nghịch cảnh để đến với nhau.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí