Không có bất kỳ ai. Không có giao dịch viên đón bạn bằng những lời chào kiểu: “Bạn cần hỗ trợ gì?”. Thay vào đó, một chiếc máy sẽ làm hết tất cả những điều đó, những thắc mắc của bạn được trả lời bằng một robot…
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và giúp các doanh nghiệp ứng dụng tiết kiệm được chi phí. Ban đầu là ngân hàng Bank of America, sau đó là ngân hàng K-Bank và TPBank. Liệu xu hướng này có đẩy hàng nghìn nhân viên ngân hàng đến tình trạng thất nghiệp trong tương lai?
Công nghiệp 4.0 và ngân hàng không nhân viên
Ban đầu là Bank of America, một ngân hàng của Mỹ, đầu năm nay đã mở 3 chi nhánh ngân hàng nhỏ không có nhân viên giao dịch. Những chi nhánh này chỉ có máy ATM và thiết bị họp qua video. Ngoài ATM, còn có một robo-banks được gọi là trung tâm tự động hóa, cho phép khách hàng thực hiện các cuộc gọi video cho nhân viên Bank of America tại những địa điểm khác để thảo luận về những vấn đề nảy sinh phức tạp trong giao dịch của họ.
Hay như đầu tháng 3 vừa qua, Hàn Quốc cũng đã có ngân hàng trực tuyến K Bank. Khác với các ngân hàng thông thường, K Bank không có các điểm giao dịch mà tất cả các giao dịch như lập tài khoản, chuyển tiền, cho vay hoàn toàn được thực hiện thông qua điện thoại và Internet. Ngân hàng này làm việc 24/24 giờ, liên tục trong suốt 365 ngày/năm.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank giao dịch tại ngân hàng tự động
Do tiết kiệm được chi phí vì không phải lập điểm giao dịch, không phải thuê nhân viên, “K Bank” có thể tăng lãi suất tiền gửi và giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, có tính cạnh tranh cao so với các ngân hàng tư nhân khác. Hiện “K Bank” đưa ra mức lãi suất tiền gửi cao hơn khoảng 0,5% so với các ngân hàng khác, đồng thời áp dụng mức lãi suất cho vay tín dụng thấp hơn.
Tại Việt Nam, TPBank cũng đã mở 4 điểm giao dịch ngân hàng tự động LiveBank cho phép khách hàng có thể thực hiện nhiều loại giao dịch với máy ATM thế hệ mới như giao dịch trực tiếp với nhân viên ngân hàng.
Theo đó, khách hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng cơ bản như nộp tiền mặt, đăng ký tài khoản thanh toán, các khoản vay, mở thẻ ghi nợ, gửi tiền có kỳ hạn… Khách hàng sau khi chọn giao dịch muốn thực hiện trên màn hình, giao dịch viên sẽ kết nối với khách hàng qua video call, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng các bước thao tác để hoàn thành giao dịch.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, từ nay đến hết năm 2017, TPBank dự kiến sẽ đưa vào sử dụng ít nhất 50 điểm giao dịch tự động như vậy.
Sẽ cắt giảm nhân sự?
Theo ông Hưng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ có thay đổi tận gốc hình thức kinh doanh của ngân hàng, giúp giảm giá thành, chi phí kinh doanh.
“Hiện ngân hàng vẫn đang phần lớn dựa trên kinh doanh truyền thống có từ hàng nghìn năm nay. Tương lai, hiện diện mạng lưới ngân hàng sẽ không còn quá cần thiết, khách hàng đến các điểm giao dịch không có nhân sử dụng thiết bị cá nhân để tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Khách hàng đến chi nhánh ngân hàng không có con người và thực hiện các quy trình, thao tác, thậm chí cả dịch vụ xét duyệt hạn mức, cấp tín dụng. Đôi khi khách hàng cần cảm xúc thì vẫn có thể giao dịch với nhân viên ngân hàng qua các phương tiện”, ông Hưng cho biết.
Theo ông Hưng, thay đổi cách thực hiện giao dịch, làm giúp ngân hàng giảm bớt nhiều chi phí. Hiện nay nửa chi phí nuôi bộ máy nhân viên lớn, phòng ốc điểm giao dịch lúc nào cũng long lanh sang trọng. Những chi phí này chiếm đến 50% chi phí hoạt động ngân hàng.
Ảnh: Việt Tuấn
“Có 2/3 số lượng giao dịch được thử nghiệm trên online, Tính toán cho thấy chi phí giao dịch trên online rẻ hơn vài chục lần giao dịch truyền thống. Ứng dụng CNTT giúp cải thiện rất nhiều, khách hàng sẽ có giá dịch vụ dễ chịu hơn. Một khi ngân hàng vẫn kiếm được các dịch vụ truyền thống thì áp lực thay đổi chưa lớn. Chỉ khi họ thấy đang phải chịu chi phí quá cao thì mới áp dụng công nghiệp 4.0”, ông Hưng phân tích.
Câu hỏi đặt ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực ngân hàng liệu có dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân viên hàng loạt không?
Về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là những lợi thế lao động giá rẻ giảm, những lao động trí thức như bác sĩ, luật sư, kiểm toán hay những người làm trong ngành tài chính…
“Việc sử dụng máy móc thiết bị, robot thực hiện những công việc mang tính đơn giản, lập trình sẽ khiến nhiều sinh viên mới ra trường các ngành, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, tài chính rơi vào tình trạng thất nghiệp”, ông Doanh cho biết.
Thực tế, không ít lo ngại, không chỉ sinh viên mới ra trường thất nghiệp mà cả những nhân viên ngân hàng đang làm việc tại ngân hàng cũng có thể bị sa thải khi nhu cầu sử dụng lao động giản đơn không còn cần thiết nữa.
Về vấn đề này, ông Hưng khẳng định không có chuyện ứng dụng công nghiệp 4.0 thì sẽ xa thải nhân viên hàng loạt. “Tuy nhiên những mô hình chi nhánh mới là một phần trong cuộc cách mạng ngành ngân hàng diễn ra từ vài năm nay. Cuộc cách mạng này diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đều đang tìm cách thực hiện các giao dịch với ít chi nhánh hơn, giảm số lượng giao dịch viên cũng như quản lý”, ông Hưng phân tích.
Theo ông Hưng, những chi nhánh này sẽ là một phần chiến lược của ngân hàng để mở rộng sự hiện diện của họ tại những khu vực khó tiếp cận, nhằm tiết giảm chi phi cũng như nguồn nhân lực.
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý chính sách kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về kết nối mà ở đó con người luôn là trung tâm của sự kết nối này.
“Do kết nối tức thời, hiệu quả, thông minh nên năng suất sẽ tăng lên hàng chục, hàng trăm lần, nên dẫn tới cạnh tranh và là vấn đề sống còn của người lao động. Bên cạnh tác động tích cực to lớn, nâng cao năng suất, hiệu quả nhưng cũng kéo theo rủi ro, đó là kết nối mà “gãy” là chết. Rủi ro thứ 2 là năng suất, lao động. Rủi ro thứ 3 kết nối hành vi là thế giới ảo mà cuộc sống cần thân thiện, xúc cảm bên cạnh năng suất”, ông Thành phân tích.
Tác giả: Trần Giang
Nguồn tin: Báo Dân Việt