Kỳ Anh

Hà Tĩnh: Vụ 3 thuyền viên mất tích ở biển Nhật Bản, quê nhà ngóng tin

Chiều 12-10, ông Nguyễn Lý Luận, Trưởng Công an xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chính quyền đã nắm được thông tin trên địa bàn có 2 thuyền viên Thiều Đình Thưởng (28 tuổi, ở thôn Đồng Tiến) và Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi, ở thôn Quảng Ích) đang làm việc trên tàu đánh cá Hsiang Fuh Far của Đài Loan (TRung Quốc) bị mất tích ngoài khơi Nhật Bản. Hiện vẫn chưa có thông báo chính thức từ phía chủ lao động và nhà môi giới.

Đang ngồi thất thần bên góc giường trong nhà, bà Hồ Thị Hương (52 tuổi, mẹ của Thiều Đình Thưởng) cho biết, sáng 12-10, nhà môi giới lao động có tới thông báo Thưởng cùng với 2 thuyền viên khác đang bị mất tích ở ngoài khơi Nhật Bản, hiện chưa rõ tình hình thế nào. Khi nghe tin dữ này, tôi như chết lặng, khóc cạn nước mắt, không thiết tha ăn uống gì nữa, giờ chỉ cầu mong sao ông trời phù hộ cho nó tai qua nạn khỏi.

Theo bà Hương, 4 tháng trước, gia đình vay 21 triệu đồng để cho Thưởng làm thủ tục đi xuất khẩu lao động sang lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với mức lương khoảng 8,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ ngày đi tới giờ Thưởng chưa gửi về đồng nào để trả nợ. Theo quy định thì sau 4 tháng, chủ lao động sẽ thanh toán tiền một lần, nhưng khi gần hết thời hạn thì Thưởng lại gặp nạn.

Thưởng là con trai thứ hai trong gia đình có sáu anh, chị em. Do gia đình khó khăn, học hết cấp một thì bôn ba đi làm đủ nghề kiếm sống. Năm 2013, Thưởng từng đi xuất khẩu lao động tích cóp được một số vốn về giúp bố mẹ và trả nợ. Năm nay, Thưởng lại đăng ký đi lãnh thổ Đài Loan với hy vọng có thể kiếm đủ tiền về xây nhà, lập gia đình.

Cách nhà bà Hương khoảng 1km là nhà của Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi, ở xóm Quảng Ích). Ngà và Thưởng là bạn thân từ nhỏ, đi xuất khẩu lao động cùng thời điểm năm 2015 và đều mất tích vào đêm 8-10. Ngà mới lập gia đình, có con gái nhỏ mới 1 tuổi và đang sống cùng với bố mẹ. Theo bà Phạm Thị Hương (51 tuổi, mẹ của Ngà), mấy ngày nay gia đình liên tục nhận được hung tin Ngà mất tích chưa biết thế sống chết thế nào.

Hatinh24h 01
Người nhà thuyền viên Nguyễn Đình Ngà

Trước đó, năm 2014, bố Ngà là ông Nguyễn Đình Triển (56 tuổi) đi xuất khẩu lao động ở Angola theo dạng tự do, tới nay chủ lao động không trả tiền, vẫn chưa thể về nước. Ngà nối bước theo bố ra nước ngoài làm ăn hy vọng kiếm ít vốn về đỡ đần vợ con, xây cất ngôi nhà để ra ở riêng, nào ngờ lúc này đang bị mất tích, tính mạng thì đang lành ít dữ nhiều. “Khi Ngà đi xuất khẩu, gia đình vay 30 triệu đồng tiền tín dụng. Khi sang lãnh thổ Đài Loan, Ngà bảo công việc vất vả, khó khăn, nhiều khi thức trắng đêm. Tôi không hiểu rõ tính chất công việc của con, nhưng nghe nói thì lòng quặn thắt, nghĩ thương cho nó phải vất vả từ bé tới giờ”, bà Hương lo lắng.

Còn chị Nguyễn Thị Tâm (25 tuổi, vợ Ngà) lo lắng, trước khi anh Ngà đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, cả nhà đã dặn dò, động viên, khuyên anh nên chịu khó làm ăn, đừng bao giờ nhảy tàu, tiền mất tật mang, nếu khó khăn quá thì xin về nước, vợ chồng cùng cố gắng làm việc dù nghèo cũng cam chịu. Giờ thì anh đang bị mất tích giữa biển khơi, cầu mong sao tai qua nạn khỏi để trở về nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tương, Phó phòng LĐ-TBXH huyện Kỳ Anh cho biết, hiện trên địa bàn huyện Kỳ Anh có hơn 8.000 lao động đang đi làm việc tại Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc…, trong đó có hơn 4.000 lao động là không có giấy phép. “Chúng tôi chưa rõ thông tin về 2 thuyền viên Thưởng và Ngà ở Kỳ Khang bị mất tích. Trước đó có nhiều trường hợp lao động sau khi sang nước bạn rồi bỏ trốn, chúng tôi đã phối hợp với công ty môi giới, làm công văn gửi về cho gia đình, kết hợp xử phạt những trường hợp vi phạm. Cái khó trong việc quản lý là có một số người khi đi xuất khẩu lao động không qua làm việc với phòng để hướng dẫn, mà họ trực tiếp làm việc với một số công ty ngoài miền Bắc rồi tự đi, do vậy khi xảy ra sự việc gì thì chính quyền rất khó tiếp cận thông tin…”, ông Tương cho biết.

Trước đó, lúc 23 giờ 30 ngày 8-10 (tức 21 giờ 30 ngày 8-10 giờ Việt Nam), 3 thuyền viên Việt Nam là Lê Văn Thực (22 tuổi, ở tỉnh Quảng Bình), Thiều Đình Thưởng và Nguyễn Đình Ngà đang làm việc trên tàu đánh cá Hsiang Fur Far của Đài Loan (Trung Quốc) đã nhảy xuống biển Nhật Bản ở vị trí cách cảng Shiraoi, tỉnh Hokkaido khoảng 12km. Tàu Hsiang Fuh Far xuất phát từ Cao Hùng (Đài Loan) tới Tomakomai, gần Hokkaido để tránh bão Mujigae thì xảy ra vụ việc. Một số thuyền viên trên tàu đã phát hiện và nhảy xuống biển tìm kiếm 3 thuyền viên trên nhưng không thành. Tàu Hsiang Fuh Far nặng 985 tấn, có 61 thuyền viên gồm 3 người Đài Loan, 21 người Việt Nam, 14 người Indonesia và 23 người Philippinnes. Được biết, hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đang nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng Nhật Bản để phối hợp tìm kiếm 3 thuyền viên mất tích này…

DƯƠNG QUANG / SGGP

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP