19 năm thành lập, đó là quãng thời gian chưa phải gọi là “thâm niên” so với nhiều ngôi trường, song ở Hà Tĩnh, trường THPT mang tên cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập luôn là tâm điểm của sự chú ý. Bởi đó là ngôi trường luôn nằm ở tốp đầu của tỉnh Hà Tĩnh trong các kỳ thi.
Trường THPT Hà Huy Tập (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) 3 năm liền có học sinh giỏi quốc gia. |
Nhà trường xác định chất lượng mũi nhọn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng học tập. Đến nay, thành tích của các thầy cô giáo và các em học sinh không chỉ dừng lại ở cấp ngành, cấp tỉnh mà còn vươn tới nhiều thành tích xuất sắc ở cấp quốc gia.
Năm học 2006 - 2007, chỉ mới 6 năm trường thành lập, em Phan Thị Hưởng đã xuất sắc giành giải Khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học. Đây thực sự là dấu mốc quan trọng, là tiền để để các thầy cô, cũng như các em học sinh cố gắng.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tặng hoa cho em Lê Thị Vân trong lễ tuyên dương học sinh giỏi quốc gia. |
Sau đó, trong 3 năm học liên tục (2017, 2018, 2019) nhà trường đều có học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia như em Lê Thị Vân đạt giải Nhì môn Địa lý vào năm 2018, hay em Trần Thị Hảo với số điểm 16,5, đạt giải Nhì môn Địa lý năm 2019 (chỉ kém giải Nhất 0,25 điểm).
“3 năm liên tục có học sinh giỏi quốc gia đối với khối trường chuyên là chuyện bình thường, song với trường huyện thì đó là một hiện tượng. Thực sự đó là niềm động viên, khích lệ, song cũng là cái áp lực buộc chúng tôi phải không ngừng nỗ lực để giữ và phát huy được kết quả ấy”, cô Phạm Thị Phương, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Tập chia sẻ.
Để khuyến khích, động viên học sinh kịp thời, sau mỗi kỳ thi nhà trường tổ chức vinh danh, tặng quà chúc mừng các em đoạt giải trước toàn trường.
Phó Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Tập cũng cho biết, học sinh trên địa bàn chủ yếu là con em nông dân, điều kiện học tập còn rất nhiều khó khăn. Ngoài thời gian trên lớp, khi về nhà hầu như các em đều phải phụ giúp bố mẹ công việc hàng ngày.
“Nhiều em nằm trong đội tuyển của trường, của tỉnh nhưng khi chúng tôi xuống gia đình thì thấy các em đang phải đi chăn trâu, chăn bò, tay cầm theo quyển sách để học. Nghĩ nhiều lúc cũng thấy rất thương cho các em”, cô Phương tâm sự.
Song phương châm của nhà trường là biết khơi dậy niềm đam mê, khát vọng trong mỗi em học sinh, biết được thế mạnh của từng người cùng với sự động viên, chia sẻ kịp thời, do đó đã góp phần giúp các em thành công.
Cũng theo cô Phương, bản thân những người thầy cô cũng phải không ngừng nỗ lực, học tập, sáng tạo, đổi mới để khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo trong dạy học nhằm thu hút học sinh học tập.
Tác giả: Trọng Tùng - Xuân Sinh
Nguồn tin: Báo Dân Trí