Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Trăn trở người bưu tá xã không được hưởng chế độ

36 năm trung thành, tận tụy với công việc, mang những cánh thư, tờ báo, bưu phẩm đến trao tận tay người nhận bất kể ngày mưa hay ngày nắng, đường xá dẫu có xa xôi, gập gềnh thế nhưng sau khi ra khỏi ngành ông Lê Bình Sơn (SN 1962, trú tại xã Đức Thủy, Đức Thọ) không được hưởng một chế độ gì của Nhà nước.

Vượt qua quãng đường gần 50km chúng tôi có mặt tại nhà ông Lê Bình Sơn (SN 1962, trú tại xã Đức Thủy, Đức Thọ) trong một ngày cuối tuần. Ấn tượng đầu tiên là sự niềm nở và nụ cười thân thiện của người bưu tá xã trước đây. Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm nép mình trong ngõ vắng, chúng tôi được ngồi nghe những phút giây ông Sơn tâm sự về nghề mà theo ông ví là “làm dâu trăm họ” này.

Ông Lê Bình Sơn (SN 1962, trú tại xã Đức Thủy, Đức Thọ) luôn mong nhận được chút chế độ phù hợp sau 36 năm làm nghề bưu tá tại xã Đức Thủy.

Nói về nghề bưu tá, ông Sơn chia sẻ: Bắt đầu làm từ năm 1978, khi mà tuổi còn rất trẻ, cống hiến và gắn bó suốt 36 năm dài đã trở nên yêu thương với công việc này hơn. Đối với nghề bưu tá cũng lắm chuyện gian nan. Thời tiết dù trời nắng hay mưa to, gió bão cũng vẫn phải lên đường hoàn thành nhiệm vụ. Xã Đức Thủy là vùng hạ của Đức Thọ nên hễ cứ mưa lớn thì nước ngập lênh láng. Thế nhưng, ông Sơn vẫn trên chiếc xe đạp đi khắp mọi nẻo đường để đảm bảo những tờ báo được phát hành kịp thời, những cánh thư, những bưu phẩm đặc biệt là hàng chuyển phát nhanh đến đúng tay người nhận.

“Khó khăn, vất vả là vậy nhưng tiền lương thì thật ít ỏi. Những năm 1978 khi mới vào làm, xã trả bác 13.000 đồng/tháng cho đến năm 2014 xã trả 600.000 đồng/ tháng. Với số tiền lương đó thì tính toán lắm mới đủ trang trải cho gia đình. Cực nhất là những hôm trời mưa, đường trơn dốc trượt, nhưng khi đến nơi, bà con lại đi vắng, vậy là mất công phải đến lần sau” – ông Sơn cho hay.

Những ngày tháng bước vào nghề với những đồng lương ít ỏi đã không làm ông Sơn chùn bước, lấy nghề làm niềm động viên an ủi. Xem công việc đưa thư như là niềm vui của mình, mỗi lúc thấy nụ cười của người nhận hàng thì mọi mệt mỏi dường như tan biến. Có lẽ từ đó là động lực lớn nhất khiến ông Sơn càng gắn bó và yêu công việc này hơn. Có những tháng ngày không ngại mưa, nắng, rét, buốt trên chiếc xe đạp bác vẫn luôn mang thông tin và kết nối liên lạc cho nhà nhà.

Tháng 3 năm 2014, bưu điện huyện Đức Thọ xây dựng điểm bưu điện văn hóa xã thì đột nhiên ông Sơn bị ra khỏi ngành không rõ lý do. Từ đó đến nay đã 2 năm nhưng những lời giải thích còn giang giở, ông Sơn là vẫn muốn nghe lời đáp án từ nơi mà trước đây mình đã công tác.

Làm nghề 36 năm, kinh nghiệm qua 6 đời giám đốc, suốt chặng đường cống hiến nhưng đến lúc ra về lại không có một chế độ nào. Trước những khó khăn, vất vả và sự cống hiến đó ông Sơn luôn mong muốn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và ghi nhận công lao của mình đã hi sinh. Niềm động viên tinh thần dù không lớn nhưng những thành tích mà ông Sơn đã đóng góp đáng được nhận lấy sự quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng.

Khi nói về những trăn trở, ông Sơn bộc bạch: “36 năm trung thành, tận tụy với công việc, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của ngành cũng như của Nhà Nước trao tặng, tôi vẫn mong lúc về hưu nhận được chút chế độ phù hợp với những cống hiến của mình để lúc ốm đau về già có chỗ nương tựa. Tuy nhiên đến giờ mà vẫn chưa được gì cả. Cũng cảm thấy buồn lắm các cháu à”.

Chia tay ông Sơn, chúng tôi ra về nhưng trong lòng không khỏi day dứt và bận tâm sau những lời trăn trở về nghề, về những cống hiến cho xã hội nhưng không được công nhận. Liệu rằng tâm nguyện khi về già của người bưu tá xã có ai thấu hiểu???

Hằng Yến – Trọng Dân/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP