>> TAND tỉnh tuyên huỷ án sơ thẩm vụ kiện đất của thương binh nặng
“Phép vua” thua “lệ thị xã”?
Diễn biến vụ “Uẩn khúc vụ kiện đất của một thương binh nặng” mà Tầm nhìn đã đăng tải nhiều kỳ, trong các ngày 23, 28.12.2015, TAND thị xã Hồng Lĩnh mở phiên tòa sơ thẩm (lần 2) xét xử vụ tranh chấp đất giữa ông Phan Như Quý và ông Đoàn Ngọc Anh. Ông Bùi Xuân Cần – Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh – là chủ tọa.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp đất đai giữa ông Phan Như Quý và ông Đoàn Ngọc Anh |
Đây là vụ tranh chấp đất đai diễn ra từ năm 1993 đến nay, vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Nguồn cơn sự việc bắt đầu từ năm 1989, ông Đoàn Ngọc Anh là thương binh 1/4 được chuyển về địa phương cùng với vợ và 4 con. Do hoàn cảnh khó khăn, ông Anh làm đơn xin mượn mảnh đất lưu không giáp quốc lộ 8A để dựng kiốt.
Sau đó, ông Anh và vợ lấn dần ra phía sau để dựng nhà cửa, công trình sinh hoạt. Năm 1992, UBND thị xã Hồng Lĩnh có chủ trương cấp đất cho cán bộ Xí nghiệp Công nghệ phẩm Hồng Lĩnh, trong đó có ông Phan Như Quý là Phó Giám đốc Công ty thương nghiệp tổng hợp Hồng Lĩnh.
Theo Quyết định số 44-QĐ/UB ngày 16.10.1992, ông Quý được cấp lô đất số 15, diện tích 105m2 kèm theo sơ đồ đã được phê duyệt. Tuy nhiên, khi ông Quý đến nhận đất trên đó ông Anh đã xây dựng công trình nhà cửa. Ông Quý cho rằng ông Anh đã lấn chiếm đất của ông, còn ông Anh lại cho rằng, ông đã sử dụng diện tích đất này trước đó, nhưng phía chính quyền không thu hồi, giải tỏa trước khi cấp cho ông Quý.
Tại phiên tòa, ông Đoàn Ngọc Anh và người được ủy quyền cho rằng việc cấp đất cho ông Phan Như Quý không đúng đối tượng. Cụ thể, Khoản 5, Điều 28, Nghị định số 30 – HĐBT ngày 23.3.1989 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1987 quy định: “5. Chỉ giao đất ở mới cho những hộ có nhu cầu về nhà ở và có đủ những điều kiện dưới đây: a) Có hộ khẩu thường trú ở nơi xin đất ở. b) Trong gia đình có thêm một cặp vợ chồng. c) Diện tích đất ở tính theo đầu người trong hộ dưới 80% mức bình quân đất ở của địa phương”. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được tại thời điểm cấp đất, ông Phan Như Quý có hộ khẩu tại phường Bắc Hồng hay không.
Vào năm 1992, ông Phan Như Quý đã có gia đình, nhà cửa tại xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ) và gia đình ông Quý không có thêm một cặp vợ chồng nào. Như vậy, ông Quý không đủ điều kiện cấp đất theo Nghị định 30. Thế nhưng TAND thị xã Hồng Lĩnh lại dựa vào “lệ thị xã” để bác bỏ: “Xét theo tình hình thực tế năm 1992 thị xã Hồng Lĩnh mới được thành lập… nguyên đơn Phan Như Quý đang làm việc tại thị xã Hồng Lĩnh xin cấp một mảnh đất, để tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm công tác, hợp lý hóa gia đình nên UBND thị xã Hồng Lĩnh đã xét cấp cho ông Quý 1 mảnh đất là đương nhiên”. Cái “đương nhiên” đó là bất chấp pháp luật, bởi Nghị định số 30-HĐBT ngày 23.3.1989 không có quy định cho phép địa phương cấp đất theo diện “đặc thù”.
Phía ông Đoàn Ngọc Anh cũng nêu quy trình cấp đất cho ông Phan Như Quý không có quyết định thu hồi đất, không có đơn xin cấp đất, không có biên bản giao đất thực địa, không có phiếu thu tiền hợp lệ là trái với Quyết định số 936 -QĐ/UB ngày 25.8.1992 của UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định tạm thời về việc giao đất, thu hồi đất. Tuy nhiên, TAND thị xã Hồng Lĩnh lại “lái” sang việc gia đình ông Anh lấn chiếm đất, nên không thể giao đất thực địa. Việc ông Anh lấn chiếm đất dẫn đến việc không thể giao đất thực địa, còn thiếu 4 thủ tục: Quyết định thu hồi đất, đơn xin cấp đất, biên bản giao đất thực địa, phiếu thu tiền hợp lệ đều không liên quan gì đến ông Anh, nhưng tòa đều “bỏ qua”, không xem xét.
Chính quyền và tòa án là “thần đèn”?
Đến phần tuyên án, TAND thị xã Hồng Lĩnh lại khiến nhiều người sửng sốt khi tuyên buộc ông Đoàn Ngọc Anh phải trả lại cho ông Phan Như Quý toàn bộ diện tích 105m2 “tại thửa đất số 13, tờ bản đồ địa chính số 49 theo bản đồ địa chính được đo đạc năm 2014, tại tổ dân phố 4, phường Bắc Hồng”.
Sơ đồ thửa đất kèm theo Quyết định số 44 ngày 16.10.1992 cấp đất cho ông Phan Như Quý xác định kích thước, vị trí, diện tích thửa đất nhưng đã bị TAND thị xã Hồng Lĩnh bác bỏ. |
Theo đơn khởi kiện của ông Phan Như Quý và hồ sơ vụ việc, ông Quý đòi lại mảnh đất được cấp theo Quyết định 44-QĐ/UB ngày 16.10.1992. Trong sơ đồ kèm theo Quyết định 44, mảnh đất ông Quý được cấp thuộc ô số 15, phía Bắc giáp đường nhánh (còn gọi là đường quy hoạch rộng 3m), chiều dài mỗi bên các cạnh lần lượt là Bắc 4,5m, Đông 22m; Nam 5,5m; Tây 22m.
Thế nhưng, không biết dựa vào đâu, vào ngày 22/12/2015, UBND TX.Hồng Lĩnh đã đo vẽ, xác định mảnh đất cấp cho ông Quý năm 1992 có chiều rộng phía Bắc 5,38m, phía Đông dài 14,43 m + 4,56m; phía Nam dài 5,42 m, phía Tây dài 19,37m. TAND thị xã Hồng Lĩnh đã tuyên cho ông Quý được nhận mảnh đất theo sơ đồ này.
Về vị trí, kích thước mảnh đất này hoàn toàn khác so với mảnh đất ông Quý được cấp năm 1992 theo Quyết định số 44 và sơ đồ đã được phê duyệt. Điểm khác biệt đáng chú ý là mảnh đất ông Quý được cấp năm 1992 đã được chính quyền và tòa án “di dời” hàng chục mét ra phía mặt tiền quốc lộ (phía Nam). Bởi vị trí thửa đất được cấp năm 1992 có vị trí phía Bắc được xác định là “giáp đường nhánh”. Nay đường nhánh đó vẫn không thay đổi, nhưng không hiểu vì lý do gì, mảnh đất của ông Quý đã được “tịnh tiến” ra phía mặt đường quốc lộ, chồng lên phần đất khoảng gần 100m2 ông Anh đã sử dụng từ trước.
Việc làm nói trên trái với quy định của Luật Tố tụng Dân sự là Toà chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu (Khoản 1, Điều 5), làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của ông Đoàn Ngọc Anh.
Điều đáng lưu ý là trong phiên tòa sơ thẩm lần 1 vào năm 2013, bản án của TAND thị xã Hồng Lĩnh đã bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên hủy vì “so sánh, đối chiếu giữa bản vẽ quy hoạch đã được xét duyệt, bản thẩm định tại chỗ ngày 22.1.2013, bản đồ giải thửa và quyết định của tòa án… là chồng chéo, mâu thuẫn với nhau”. Thế nhưng, TAND thị xã Hồng Lĩnh vẫn tuyên cho ông Phan Như Quý được nhận mảnh đất hoàn toàn khác về vị trí, kích thước so với mảnh đất ông này được cấp năm 1992.
Quốc Hoàn – Đặng Sơn