Trong đơn gửi báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Oanh trình bày: Mảnh đất 891 m2 của gia đình là đất thổ cư từ nhiều đời, được nhà nước công nhận 100% diện tích đất ở. Năm 2007, UBND TP Hà Tĩnh ban hành thu hồi toàn bộ diện tích đất nói trên để thực hiện dự án đường bao phía Tây mặc dù mảnh đất đó không bị ảnh hưởng bởi dự án.

Ông Nguyễn Hữu Thái, chồng bà Oanh là giáo viên THPT không đồng ý, tuy nhiên, chính quyền đã dùng nhiều biện pháp, bao gồm cả gửi văn bản đề nghị đình chỉ công tác hai vợ chồng, huy động lực lượng cưỡng chế, với mục đích giải phóng mặt bằng để sử dụng đất cho “mục đích công cộng”.

Không chống được sự thúc ép từ phía chính quyền, đến năm 2011, gia đình bà Oanh buộc phải dời về phần đất tái định cư được UBND TP Hà Tĩnh cấp, nhưng vẫn tiếp tục khiếu kiện. Quá bức xúc vì bị thu hồi đất không đúng mục đích, ông Nguyễn Hữu Thái đã nhuốm bệnh ung thư. Sau đó qua đời vào năm 2012.

 Gần đây, chính quyền đã quyết định cho một doanh nghiệp thuê để kinh doanh nhà hàng, cho thuê đám cưới với thời hạn 50 năm

“Tỉnh đã quyết rồi”?

Đến nay, sau 7 năm ban hành quyết định thu hồi đất, mảnh đất “vàng” vốn của bà Oanh vẫn bỏ hoang, ngôi nhà cũ của gia đình vẫn chưa được tháo dỡ.

“Lúc đầu, tôi có nghe mảnh đất nói trên định để phân lô bán nền tái định cư cho một dự án khác, nhưng khi gia đình có đơn nên thành phố phải dừng lại. Hiện nay họ đã đồng ý cho một doanh nghiệp thuê để làm nhà hàng rồi”, bà Oanh nói.

Ông Trần Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho biết: “Ban đầu, mảnh đất nói trên được quy hoạch xây dựng ngân hàng, sau điều chỉnh thành đất công ích. Vừa rồi vào cuối tháng 4.2015 có cuộc họp bao gồm UBND TP, Sở Xây dựng và một số cơ quan, tôi là đại diện của UBND phường Trần Phú. Cuộc họp bàn việc cho doanh nghiệp Đại Thành ở TP Vinh Nghệ An thuê 2.500 m2 đất (bao gồm phần đất của bà Oanh trước đây – PV) để kinh doanh nhà hàng, phục vụ đám cưới. Tôi không đồng ý vì đất công ích thì phải sử dụng vì mục đích công ích, nay để kinh doanh dịch vụ là không hợp lý, nhưng một cán bộ nói việc này tỉnh đã quyết rồi, nên tôi buộc phải ký vào biên bản”.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Trần Phú xác nhận nội dung bà Oanh trình bày là đúng sự thực. “Mảnh đất của bà Oanh trước khi có quyết định thu hồi đã tách thành ba thửa, nhưng mới chỉ được cấp một suất tái định cư. Hiện nay vị trí đất đã thu hồi chưa sử dụng, nguyện vọng bà Oanh muốn được cấp thêm một phần đất tại vị trí thuộc đất hương hỏa của gia đình là chính đáng”. Ông Tuấn nêu quan điểm là nếu thu hồi đất của dân mà không sử dụng vào mục đích công ích thì cần xem xét trả lại cho dân.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh xác nhận vị trí đất nói trên đã được quy hoạch để giao cho một doanh nghiệp thuê kinh doanh. “Sở Xây dựng chỉ xem xét về mặt chuyên môn liên quan đến xây dựng công trình, còn thu hồi đất là việc của UBND TP Hà Tĩnh”, ông Trần Xuân Tiến nói. Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông Hà Văn Trọng, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh để nắm bắt thông tin, tuy nhiên không được ông Trọng sắp xếp lịch làm việc.

Dự án Đường bao phía Tây, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị hai bên đường bao phía Tây TP. Hà Tĩnh do công ty cổ phần Simco Sông Đà làm chủ đầu tư có quy mô 83,5 hécta. Tổng mức đầu tư toàn dự án 420 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 trên 80 tỷ đồng với diện tích 23,5 ha. Trong quá trình thi công xẩy ra nhiều bất cập về thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến khiếu kiện kéo dài, dự án chậm tiến độ.
Video clip về vụ việc

 Quang Đại