Sau khi nghe các ý kiến của lãnh đạo Sở GDĐT Hà Tĩnh, lãnh đạo các địa phương và các thành phần khác, ông Đặng Quốc Khánh kết luận: Tạm dừng triển khai đại trà VNEN trên phạm vi toàn tỉnh, chỉ tiếp tục triển khai VNEN ở những lớp, trường đã thực hiện mô hình thí điểm trong năm học 2015 – 2016.
Ông Đặng Quốc Khánh yêu cầu Sở GDĐT tham mưu chỉ đạo thành lập hội đồng đánh giá về VNEN, đồng thời phối kết hợp với HĐND tỉnh và khối mặt trận có chương trình giám sát riêng cho nội dung này.
Hà Tĩnh hiện có 771 trường từ bậc học mầm non đến THPT; 1 trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm – GDTX tỉnh; 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX cấp huyện; 21 trung tâm ngoại ngữ – tin học; 262 Trung tâm học tập cộng đồng xã. Vào đầu năm 2016, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã có công văn triển khai đại trà VNEN, nhiều phụ huynh đã mua sách giáo khoa cho con em.
Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên và các tầng lớp nhân dân. Thầy Trần Ngọc Hà – giáo viên trường THPT Trần Phú – nói: “Quyết định của lãnh đạo tỉnh rất hợp lòng dân. Giáo viên chúng tôi thấy chương trình VNEN có nhiều bất cập, không phù hợp và đã kiến nghị nhiều lần. Theo tôi, cần bỏ hẳn chứ không phải tạm dừng”.
Nhà giáo Lê Văn Vỵ – nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hương Sơn – phấn khởi: “Việc tạm dừng VNEN là một quyết định rất đáng ghi nhận, có lợi cho ngành giáo dục, đặc biệt là đối với tương lai của thế hệ trẻ, tránh được một “Formosa trong giáo dục”. Tôi cũng đã nhiều lần trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo ngành, lãnh đạo tỉnh. Quyết định của lãnh đạo tỉnh thể hiện sự cầu thị, sáng suốt, biết lắng nghe cơ sở”.
Chị Hoàng Thị Hải – thôn Trung Nam, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh – nói: “Tôi đã mua sách VNEN cho con, nay không dùng nữa, dù mất tiền nhưng vẫn thấy vui vì con không phải học chương trình không phù hợp”.
VNEN là gì?
Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995 – 2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.
Theo mô hình này, quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm.
Hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Giáo viên với vai trò là người hướng dẫn học, quan tâm đến sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh.
Mô hình này đòi hỏi chương trình – SGK mới, cách tổ chức lớp học mới, đòi hỏi chi phí và sự thích ứng của GV và HS.
Clip về mô hình lớp học VNEN tại Hà Tĩnh
Quang Đại – Trần Tuấn