Theo phản ánh về vấn đề thu lệ phí mập mờ khi nhận bằng tốt nghiệp của một số học sinh, sinh viên, PV đã đến tìm hiểu thực hư vấn đề. Và đúng như phản ánh, tại Trường Cao đẳng nghề Việt Đức thu 50 nghìn đồng.
Em Phương, sinh viên khóa 10, khoa CNTT bức xúc: “Bọn em đến nhận bằng ở phòng đào tạo thì cô Trần Thị Huyền (cán bộ phòng đào tạo – PV) thu 50 nghìn rồi mới phát bằng. Em cũng không rõ là thu khoản gì, mà cũng không dám hỏi. Cả lớp em ai cũng đều bị thu như thế”.
Trao đổi với ông Đặng Minh Ất – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Đức về vấn đề này, ông Ất cho biết: “Học sinh tốt nghiệp nhà trường không thu tiền. Phòng đào tạo in bằng ra là miễn phí nhưng bìa cứng kẹp bằng tốt nghiệp là 20 nghìn. Nhà trường không có chủ trương nhưng trên cơ sở phòng đào tạo xin phép in bìa cứng nên nếu học sinh có nhu cầu thì họ mua. Còn về việc có văn bản nào quy định thu thì tôi sẽ hỏi lại thầy Vinh phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo. Tôi thì làm những việc vĩ mô còn việc này thì tôi giao cho đồng chí Vinh. Mà nếu có cũng nên bỏ, bỏ là đúng”.
Bà Trần Thị Hạnh, phó Phòng đào Tạo Trường Cao đẳng nghề Việt Đức nói: “Bìa cứng thì thu 30 nghìn còn 20 nghìn là tiền phí phôi bằng và in bảng điểm”.
Thế nhưng, theo một số sinh viên phản ánh lại thì mặc dù các em không hề lấy bìa cứng đựng bằng tốt nghiệp nhưng vẫn bị thu 50 nghìn đồng.
Được biết, khóa tốt nghiệp vừa rồi của Trường Cao đẳng nghề Việt Đức có 700 học sinh, sinh viên, như vậy số tiền thu từ khoản phí “trên trời rơi xuống” này sẽ lên đến 35 triệu đồng. Vậy, khoản tiền này sẽ được sử dụng vào mục đích gì?
Bìa đựng bằng tốt nghiệp, bảng điểm của sinh viên thu 30 nghìn và tiền phôi bằng 20 nghìn
Cũng trong buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Vinh, phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Cao đẳng nghề Việt Đức phân trần: “Việc thu tiền lệ phí 50 nghìn chúng tôi không có văn bản gì. Về phí phôi bằng, ngày xưa là 10 nghìn giờ tăng 20 nghìn, vì phải đi mua phôi ở Hà Nội. Thu tiền này về mặt nguyên tắc là sai vì trong chi phí đào tạo là có trong đó rồi, nhưng chi phí đào tạo không đủ để giảng dạy; còn về phía bìa cứng thì trước đây là 20 nghìn giờ thu 30 nghìn mà cũng không đủ chi phí bỏ ra làm. Tôi sẽ có điều chỉnh về vấn đề này và giao cho phòng đào tạo ngừng thu đồng thời tổng hợp lại số tiền đã thu để sau này giải trình với nhà trường”.
Mặc dù số tiền mà các sinh viên nhận bằng phải nộp là không lớn, nhưng vấn đề đáng nói ở đây là một tiền lệ xấu trong môi trường giáo dục. Nhà trường tự tạo ra các khoản thu vô lý, và khi nhiều khoản tiền nhỏ góp thành một khoản tiền lớn thì sự việc sẽ trở thành vấn đề nên suy nghĩ lại (!).