Giáo dục

Hà Tĩnh: Quá nghèo, nam sinh trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng phải từ bỏ ước mơ

Với kết quả thi 3 môn đạt 24,25 chàng trai Nguyễn Thạch Mậu Kim (SN 1999, thôn 5, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) trúng tuyển vào Khoa Luật kinh tế, Học viện ngân hàng. Cầm trên tay giấy báo nhập học, Kim hạnh phúc lắm, nhưng nhà quá nghèo chàng trai giàu nghị lực nhất xóm đành phải xếp tấm giấy ước mơ ấy vào ngăn tủ.

Từ lớp năm lớp 6, lớp 7 Kim đã biết đi nhặt đồ nhựa, vỏ lon bia để phụ giúp mẹ.

Về thôn 5, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, hỏi về chàng trai Nguyễn Thạch Mậu Kim, ai cũng mến và thương em. Mậu Kim được người dân yêu quí, bởi em sinh ra trong một tổ ấm không lành lặn, nhưng em đã vượt qua mọi mặc cảm để trở thành đứa con ngoan, cậu học trò giỏi.

Chàng trai có khuôn mặt khôi ngô, hiền lành, ít nói ngồi thẩn thờ trong ngôi nhà gỗ tuềnh toàng, tứ phía thưng bằng những miếng ván tạm bợ ấy là kết quả của một mối tình dang dở giữa mẹ em - chị Nguyễn Thị Kim Anh, SN 1972 và một người đàn ông đất Bắc.

Sinh ra không có bố, 18 năm trôi qua là cả một chuỗi thời gian dài Kim sống trong thiếu thốn tình thương yêu. Tổ ấm chỉ có người mẹ thân thương nên chơi với bạn bè trong xóm, ở trường, Kim chịu nhiều mặc cảm.

Không nghề nghiệp, chỉ với 11 thước ruộng bố mẹ tách cho, nên để nuôi đứa con trai thiếu thốn tình thương lớn khôn là cả một nỗi gian truân với chị Anh. Mười mấy năm ròng, để có cái ăn, cái mặc cho con, ngày ngày người mẹ nghèo phải lên rừng kiếm củi, chặt nứa đem về xuôi bán.

18 năm trôi qua là cả một chuỗi thời gian dài chị Anh làm tất cả mọi thứ để nuôi đứa con trai nên người.

Độc giả giúp đỡ em Nguyễn Thạch Mậu Kim có thể liên hệ chị Nguyễn Thị Anh, số điện thoại 0165.702. 8939

Càng yêu quí ý chí vượt khó của Kim, người dân trong xóm, bạn bè thầy cô ở trường càng khâm phục nghị lực vươn lên trong học tập của em. Đã bao lần mấp mé việc phải nghỉ học, nhưng cứ nghĩ đến người mẹ thân thương vất vả, tủi hờn như thế nào Kim đã quyết tâm khó đến mấy cũng phải theo đuổi con chữ để có ngày đền đáp công sức dưỡng dục của mẹ.

Suốt 12 năm, đi học em phải tự lực cánh sinh. Sách vở cũ, những dụng cụ học hư hỏng tưởng như bỏ đi, nhưng về tay Kim tất cả đều trở thành mới. Em thường tranh thủ giờ ra chơi hỏi thêm giáo viên, mượn sách vở bạn bè về tự học ở nhà. Thầy cô thương cậu học trò nghèo hiếu học, đã giúp đỡ nhiệt thành cả về tình thương lẫn vật chất. Kết quả học tập của Kim thật đáng ghi nhận. Từ cấp 1 đến cấp 3, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.

Và thành quả lớn nhất, món quà quí nhất mà Kim dành tặng mẹ và thầy cô yêu quí của mình sau 12 năm đèn sách, đó là tại kì thi đại học vừa rồi, Kim trúng tuyển vào Khoa Luật kinh tế, Học viện ngân hàng, với kết quả thi 3 môn đạt 24,25 điểm (Văn: 7,75; Sử: 7,5; Địa: 9).

Đôi chân, bàn tay người mẹ nghèo vì thế đã chai sạn, mang nhiều vết sẹo. Khó khăn thêm chồng chất khi hơn một năm trước chị Anh phải trải qua 2 lần phẫu thuật u bẹn. Số tiền vay nợ ngân hàng 50 triệu đồng theo diện hộ nghèo hiện chị vẫn chưa trả được.

Hạnh phúc duy nhất, niềm vui lớn lao giúp người mẹ đơn thân vượt qua nỗi gian truân, vất vả về đường đời là Mậu Kim chăm ngoan, giàu nghị lực và rất đỗi thương yêu mẹ. Từ lớp năm lớp 6, lớp 7 Kim đã biết đi nhặt đồ nhựa, vỏ lon bia để phụ giúp mẹ. Đến cấp 3 Kim vừa học, vừa làm thuê. Kim không mặc cảm, ai thuê cái gì, việc nặng nhọc đến đâu em cũng làm để kiếm thêm đỡ đần cho mẹ.

Sống trong một tổ ấm không lành lặn, thiếu thốn đủ bề, căn nhà tồi tàn như thế này, nhưng Kim đã biết vượt lên số phận, thi đậu vào đại học.

Nhưng chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm vui, bài toán lấy gì để bước vào giảng đường khi nhà quá nghèo, mẹ bệnh tật chưa có thêm tiền để chạy chữa đã khiến Kim bất thần. “Hôm biết cháu thừa điểm để trúng tuyển, mẹ vui lắm. Đang ốm mà mẹ khỏe hẳn ra. Với cháu, được làm cho mẹ vui lòng là hanh phúc không có gì có thể đo đếm được. Nhưng vì dành tiền để lo thuốc thang cho mẹ nên có lẽ cháu chỉ dừng lại ở đó thôi. Cháu sẽ đi làm thuê để nuôi mẹ thôi chú ạ”- Kim đượm buồn tâm sự.

Nghe con trai nói, chị Anh đã bật khóc nức nở. Thật dễ hiểu cho những giọt nước mắt của người phụ nữ gặp nhiều truân chuyên, sóng gió giữa đường đời. Thành quả sau bao năm lo toan, vất vả của chị, nghị lực tuyệt vời của con trai, tất cả giờ có nguy cơ trở thành công cốc.

Chị Anh cầm giấy báo nhập học của con khóc sướt mướt: “Nếu có thứ gì có thể bán được trong ngôi nhà này để lo cho con nhập học em sẽ làm tất anh ạ. Nhưng có gì để bán nữa đâu. Nhà cửa cầm cố hết cả rồi. Nợ nần hàng xóm chưa trả được. Từ hôm con nhận giấy báo nhập học tới giờ không đêm nào em ngon giấc. Cứ nghĩ đến con không được nhập học là nước mắt em lại cứ trào ra”.

Chị Anh cầm giấy báo nhập học của con khóc sướt mướt. Thành quả sau bao năm lo toan, vất vả của chị, nghị lực tuyệt vời của con trai, tất cả giờ có nguy cơ trở thành công cốc.

Thật nhói lòng khi nhìn chàng trai ngoan hiền, giàu nghị lực cầm tấm giấy trúng tuyển xếp vào ngăn tủ, khép lại ước mơ dang dở được đặt chân vào đại học để có ngày báo hiếu với mẹ. “Không còn cách nào khác chú ạ. Sắp tới cháu sẽ xin phép mẹ vào miền Nam đi làm công nhân để phụ giúp mẹ. Niềm vui ấy, tấm giấy này cháu xem đó như là một kỷ niệm trong đường đời, và cũng là để mẹ thấy cháu đã không gục ngã trước tuổi thơ của cháu”- Kim nói, rồi đóng chặt cửa tủ lại.

Không thể nhập học vì nghèo, Kim tạm ở nhà phụ giúp mẹ để chuẩn bị vào nam làm thuê. Nhiều người ở miền quê nghèo thương Nam vì hoàn cảnh nghèo mà phải gác chuyện xây ước mơ bằng đèn sách.

Trước khi rời căn nhà xiêu vẹo, tồi tàn của người phụ nữ bất hạnh, tôi thầm ước cho giá có mạnh thường quân nào đó biết được câu chuyện nghị lực của Kim, biết được chàng trai có tấm lòng hiếu thảo, hỗ trợ, giúp đỡ em phần nào để em có thể được nhập học. Tôi tin với nghị lực của mình, nếu có cơ hội viết tiếp câu chuyện ước mơ đầy hoài bão của mình Kim sẽ là chàng sinh viên giỏi, sẽ là người thành công trong nay mai.

Tác giả: Bài: Văn Dũng Ảnh: Minh Lý

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP