Ông Phạm Quang Đệ, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết quan điểm cá nhân quanh việc xử lý cán bộ liên quan sự cố ô nhiễm môi trường biển.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản, yêu cầu các tổ chức, cá nhân để gây ra sự cố môi trường Formosa phải nghiêm túc kiểm điểm, nhận hình thức kỷ luật theo pháp luật, gửi Sở Nội vụ và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/8.
Thông tin cho rằng, 2 cá nhân là ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường; ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT lần lượt nhận hình thức kỷ luật khiển trách và xin được rút kinh nghiệm. Chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với Sở Nội vụ để làm rõ thông tin trên.
Ông Võ Tá Đinh và ông Đặng Bá Lục. |
Ông Phạm Quang Đệ, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hình thức kỷ luật rút kinh nghiệm và khiển trách này là do ông Võ Tá Đinh và ông Đặng Bá Lục tự nhận trong buổi họp kỷ luật chứ chưa có văn bản chính thức nào gửi cho Sở Nội vụ hay UBND tỉnh”.
Theo ông Đệ, hình thức tự nhận kỷ luật của các cá nhân, tổ chức trước cuộc họp, sẽ được đưa ra xem xét, nếu thấy không hợp lý thì sẽ tự nhận lại. Tiếp đó, trình lên UBND tỉnh để tổ chức hội đồng, đưa ra hình thức kỷ luật”.
Sau khi nhóm PV báo Người Đưa Tin phát hiện ra vụ việc chôn chất thải nguy hại trong trang trại của ông Giám đốc Công ty Môi trường – Đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cho biết, rất bất ngờ. |
“Với những hậu quả nặng nề mà sự cố môi trường gây ra, một vụ án nghiêm trọng đã bị khởi tố thì không thể nhận mức kỷ luật quá nhẹ như khiển trách hay rút kinh nghiệm được. Anh phải nhận hình thức kỷ luật tương xứng với vai trò, trách nhiệm quản lý của mình”. Ông Chánh Thanh tra Sở nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết quan điểm như vậy.
Đến sáng nay (25/8), thông tin từ Sở Nội vụ, biên bản tự nhận hình thức kỷ luật của ông Đặng Bá Lục và ông Võ Tá Đinh vẫn chưa được gửi đến sở này, để trình lên UBND tỉnh; tức là đã quá 10 ngày theo như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh.
Với sự buông lỏng quản lý, để gây ra thảm họa môi trường, với những thiệt hại rất nghiêm trọng, trách nhiệm này, trước hết thuộc về cá nhân ông Đinh (Giám đốc Sở TNMT) và ông Lục (Chi cục trưởng Chi cục BVMT).
Theo thống kê, sau sự cố môi trường có khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng. Hàng nghìn lao động mất việc làm, hàng triệu ngư dân rơi vào tình cảnh khốn đốn. Riêng Quảng Bình thiệt hại trong năm 2016 ước khoảng 4.000 tỉ đồng, ngoài ra các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh cũng chịu thiệt hại nặng nề không kém. Trước đó vào ngày 18/1, ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Tĩnh là người đã tự ý đặt bút ký văn bản số 07/CCMT-KSON, khẳng định bùn than cốc và tro than cốc tại xưởng luyện cốc của Formosa là chất thải rắn công nghiệp thông thường, để đơn vị này lấy cơ sở tuồn chất thải độc hại ra môi trường sống. |
Ngân Hà – Hồ Ngọc