Nông Thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Phê bình Chủ tịch 4 huyện

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công điện số 18/CĐ-UBND gửi Giám đốc Sở NN&PTNT và Chủ tịch UBND các huyện/thành phố/thị xã về việc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 hại lúa hè thu…

Đến thời điểm này, trà lúa hè thu chạy lụt (khoảng 4.000 ha, tập trung ở Đức Thọ, Hương Sơn, Hồng Lĩnh) vào giai đoạn trổ bông – ngậm sữa, trà thâm canh khoảng (25.000ha, ở hầu hết các địa phương) trổ từ ngày 5 – 15/8, số diện tích còn lại khoảng 13.000ha trổ sau 15/8. Từ đầu vụ đến nay, lúa hè thu đã chịu ảnh hưởng của 2 lứa sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại, trong đó lứa 1 là 4.504 ha (1.047 ha bị trắng lá), lứa 2 là 18.990ha (2.002 ha bị trắng lá).

Dập dịch sâu cuốn lá - không thể chậm hơn!
Thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện nhằm phòng trừ hiệu quả sâu cuốn lá hại lúa hè thu

Mặc dù tình hình sâu cuốn lá nhỏ gây hại diện tích lớn nhưng lãnh đạo ngành chuyên môn và nhiều địa phương chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ; cán bộ chuyên môn tại các địa phương thiếu sâu sát, không nắm chắc diễn biến, tình hình dịch bệnh để chủ động các biện pháp phòng trừ nên diện tích bị lây nhiễm, trắng lá do sâu lứa 2 gây ra khá lớn. Các huyện bị nhiều như: Can Lộc (diện tích bị hại 4.845 ha, 1.200 ha hại nặng), Kỳ Anh (diện tích bị hại 2.500 ha, 500 ha hại nặng), Thạch Hà (diện tích bị hại 6.000ha, hại nặng 100 ha) Cẩm Xuyên (diện tích bị hại 3.575 ha).

Ngày 2/8/2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức cuộc họp cấp bách bổ cứu các giải pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, tuy nhiên, lãnh đạo UBND các huyện: Hương Sơn, Lộc Hà vắng mặt khi chưa được sự cho phép của UBND tỉnh. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh phê bình nghiêm túc Chủ tịch UBND các huyện: Can Lộc, Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên do để diện tích bị lây nhiễm, bị hại nặng lớn và Chủ tịch UBND các huyện: Hương Sơn, Lộc Hà vắng họp không có lý do chính đáng; yêu cầu các địa phương kiểm điểm nghiêm túc.

Dự báo, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 sẽ vũ hoá rộ từ ngày 3 – 5/8, sâu non nở rộ từ ngày 7 – 13/8, tập trung gây hại bộ lá đòng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa hè thu. Để chủ động phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, bảo vệ an toàn lúa hè thu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi, các đơn vị chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn, phân công cán bộ bám sát cơ sở, phân rõ các trà lúa theo từng vùng, từng loại giống, từng thời điểm trổ để có đánh giá chính xác về khả năng và mức độ gây hại của sâu cuốn lá nhỏ lứa 3;

Thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện; khi phát hiện sâu, tiến hành khoanh vùng, cắm vè hành hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ kịp thời khi sâu tuổi 1, tuổi 2 bằng các loại thuốc hóa học theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; thời gian phun tập trung từ ngày 8 đến 12 tháng 8, một số diện tích có thể xảy ra hiện tượng gối lứa hoặc mật độ sâu quá cao nên sau khi phun 3 – 4 ngày tiến hành kiểm tra nếu mật độ sâu trên ruộng còn cao cần tiến hành phun lại lần 2, đồng thời tập trung công tác chăm sóc, duy trì đủ nước trên ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng phát triển và nâng cao hiệu quả phòng trừ.

Trường hợp tổ chức, hộ gia đình nào không thực hiện thì phải tuyên truyền, thuyết phục, nếu vẫn không chấp hành thì phải có các biện pháp đồng bộ bắt buộc thực hiện theo đúng quy định; các địa phương phải chủ động trích kinh phí từ ngân sách dự phòng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách mua thuốc hóa học. Nếu địa phương nào không quan tâm, chỉ đạo thiếu quyết liệt, không sâu sát, để sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gây hại, ảnh hưởng đến năng suất lúa hè thu thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo; ban hành ngay quy trình kỹ thuật hướng dẫn phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa để các địa phương thực hiện; huy động toàn bộ cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương bám sát đồng ruộng, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 kịp thời, đảm bảo hiệu quả thiết thực. Thường xuyên báo cáo diễn biến và kết quả phòng trừ ở các huyện, thành phố, thị xã về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo; nếu địa phương nào không làm tốt các nội dung trên, chỉ đạo thiếu quyết liệt, lơ là, để sâu cốn lá nhỏ tiếp tục gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất lúa hè thu thì làm rõ trách nhiệm của địa phương đó, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, xử lý, đồng thời phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh…

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị UBMTTQ tỉnh, các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, bà con nông dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật, có hiệu quả…

H.X/Baohbatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP