Bèo tây tấn công bờ biển Thạch Kim (ảnh: T.M.H) |
Theo dọc bờ biển từ Cửa Hội chạy đến cảng Cửa Sót dài hàng chục km, những mảng bèo tây dày đặc, trôi dạt nằm la liệt dọc ven bờ biển, trôi ra khơi, mắc cứng tại cảng Cửa Sót khiến mọi hoạt động tàu thuyền, ngư dân tại đây một tuần qua gặp rất nhiều khó khăn.
Sau trận mưa lớn mấy ngày qua tại Hà Tĩnh, mực nước ở các sông thượng nguồn dâng cao, huyện Lộc Hà đã bất ngờ xả nước lũ tại cống Ba ra, Đò Điệm. Lực nước xả mạnh kéo theo hàng ngàn tấn bèo tây trôi xuống hạ nguồn, phủ kín dọc bờ sông, dạt ra biển.
Bèo tấn công luôn cảng biển. Tàu thuyền khó ra khơi (ảnh: T.M.H) |
Tại vùng biển Thạch Kim, nhìn đâu người ta cũng thấy bèo trôi. Bèo bị sóng dạt lên bờ, phủ kín một lớp dày 15-20cm, rộng đến 100m, kéo dài hàng chục km. Tình trạng này đã kéo dài hơn một tuần qua. Một cảnh tưởng mà theo ngư dân vùng biển cho biết, “Từ xưa đến giờ đây là lần đầu tiên biển gặp bèo tấn công dữ dội thế này”.
Nhìn lớp bèo dày trôi nổi trên mặt nước, bám lấy thành tàu mà ngư dân Nguyễn Huy Dương, xã Thạch Kim thở dài nói: “Hơn 1 tuần nay, bèo ở đâu trôi ra biển, tấn công tàu thuyền, cản trở giao thông đường biển. Tàu thuyền di chuyển tại các luồn lạch gặp khó khăn. Bèo bủa vây lấy tàu thuyền, dính vào chân vịt, khiến tàu bị chết máy, mắc kẹt giữa biển khơi. Nhiều ngư dân buộc phải lặn xuống nước tháo gỡ từng tảng bèo mắc vào chân vịt”.
Theo ngư dân Trần Trọng Phước, xã Thạch Kim chia sẻ, “Giải pháp để tàu ra khơi, chỉ chờ cho mực nước xuống, bèo trôi ra khơi thì tàu thuyền mới ra vào cập cảng thuận tiện được”. Ông Phước cũng nói thêm: Đây là lần đầu tiên, lượng bèo tây trôi dạt ra biển nhiều đến vậy. Trước thực trạng đó, đơn vị quản lý đã báo cáo tình hình lên cấp trên, đồng thời chủ động thuê tàu đẩy bèo tây ra xa khu vực cảng.
Bèo trôi dạt vào bờ, một lớp dày từ 15-20cm, kéo dài cả hàng chục km (ảnh: T.M.H) |
Đối với những ngư dân đánh bắt gần bờ thì việc bèo phủ kín bờ biển là hết sức phức tạp. Bèo làm gián đoạn hoạt động đánh bắt thủy hải sản. Nguồn thu nhập hàng ngày từ con cua, sò, ốc, nghêu, cá… của những ngư dân này xem như tay trắng. Chờ khi bèo dạt hết ra biển, mới mong quay lại biển đánh bắt.
Theo ông Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các Cảng cá Hà Tĩnh: “Mấy ngày gần đây lượng bèo tây đổ về cảng cá rất là nhiều. Đặc biệt có những thời điểm bèo phủ kín luồng lạch ra vào và mặt nước trước biển. Trước tình trạng đó Ban quản lý cảng cá Cửa Sót đã dùng thuyền và nhân công để vớt và đẩy theo luồng nước. Nhưng biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, còn về lâu dài chưa có biện pháp nào khả thi”
Như vậy, lượng bèo lớn tại cảng biển, dọc bờ biển không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của ngư dân khi cập cảng, đánh bắt thủy hải sản, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển khi bèo bị phân hủy
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc kịp thời để giải quyết tận gốc tình trạng bèo tây phủ kín mặt nước biển đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Bèo tây gây chết cá hàng loạt
Cũng chịu ảnh hưởng từ việc xả nước lũ tại cống Đò Điệm, lượng bèo lớn từ sông Én (sông Yến Giang) trôi dạt về hạ nguồn, tấn công các lồng bè nuôi cá chẽm của các hộ dân ở xã Hộ Độ. Khiến 62 hộ dân xã này đứng trước nguy cơ trắng tay sau vụ nuôi cá chẽm đầu tiên bị chết hàng loạt.
Hàng chục lồng bè nuôi cá chẽm của hàng chục hộ dân bị chết trắng (ảnh: T.M.H) |
Ngày 15/9, phát hiện cá chẽm chết đầu tiên tại hộ ông Võ Viết Lượng (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà). Tính đến nay, có đến 1.200 con cá từ bè nuôi của ông Lượng bị chết, mỗi con đã nặng từ 2-300 gram. Được biết, để bắt tay vào nuôi cá lồng bè, ông đã phải thế chấp sổ bìa đỏ để vay hàng trăm triệu đầu tư kinh tế. Vụ nuôi cá chẽm đầu tiên, ông đã vấp phải “quả đắng”.
Theo thống kê từ Phòng NN&NT huyện Lộc Hà, đã có gần 30 lồng bè tại xã Hộ Độ có cá chết trắng, không thể vớt bán. Hàng chục hộ lồng bè khác đang có dịch bệnh, cá chết rải rác. Tổng số lồng bè có cá chết đã lên tới 62 hộ dân. Nguy cơ này còn có khả năng lan rộng.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã có mặt để kiểm tra, lấy mẫu nước xét nghiệm. Nguyên nhân ban đầu, do xả lũ tại cống Đò Điệm, kéo theo lượng bèo khổng lồ trôi dạt vào vị trí nuôi cá chẽm nước mặn, rồi cuốn chặt vào các lồng bè, khiến lồng bè bị đứt dây, nước cuốn đi.
Bèo tây phủ kín các lồng bè nuôi cá chẽm (ảnh: T.M.H) |
Theo ông Phan Văn Nhàn, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết, qua kiểm tra thì độ mặn tại các khu vực nuôi cá chẽm ở xã Hộ Độ giảm xuống còn 0‰. Lượng mưa lớn, cống Đò Điệm lại xả lũ làm cho mật độ mặn trên sông giảm đột ngột, mang theo khối lượng bèo lớn, khối lượng phù sa lớn từ thượng nguồn đổ về khiến hàm lượng ôxi ở trên sông giảm dẫn đến cá chết hàng loạt.
Trước tình hình trên, ông Phan Đình Hinh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: Xã đã từng kiến nghị lên huyện mỗi lần có xả nước thì cần thông báo cho các xã liền kề biết, trong đó có xã chúng tôi để những hộ nuôi trồng thủy sản họ chủ động hơn. Nhưng đến nay, huyện vẫn chưa hề có một văn bản nào cho việc xả nước của Ba ra, Đò Điệm.
Cá chết trắng còn có khả năng lan rộng ra (ảnh: T.M.H) |
Ước tính thiệt hại ban đầu về hàng chục hộ dân có cá chẽm chết tại xã Hộ Độ đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Người dân khó khăn chồng chất. người dân mong chờ, cơ quan chức năng kịp thời có phương pháp xử lý, ngăn chặn cá lượng chẽm chết tiếp theo và có một nguồn chính sách, hỗ trợ cho những hộ dân thiệt hại nặng.
Tính đến nay, phía huyện đã có văn bản gửi cho các xã đề nghị thống kê thiệt hại của từng hộ dân để có chính sách hỗ trợ. Trước mắt theo quy định của nhà nước, những hộ nuôi cá lồng bè do thiệt hại về thiên tai, rủi ro trong kinh doanh sản xuất sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng/hộ dân. Đồng thời những hộ nào chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì đề nghị di tán các lồng bè ra xa để thông thoáng tránh nguy cơ cá chết – ông Phan Văn Nhàn cho biết.