Lâu nay trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tình trạng xe ô tô chở cát quá tải trọng, cát rơi vãi dọc đường thường xuyên diễn ra, gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước phản ánh của dư luận, phóng viên đã trực tiếp có mặt tại hiện trường và chứng kiến chỉ trong một thời gian ngắn mà có đến hàng trăm xe ô tô tải chở cát từ các bãi tập kết chạy ra Quốc lộ 1A. Qua quan sát cho thấy hầu hết các xe đều chở cát cao vượt quá thùng, thậm chí có xe còn be thêm thùng, che phủ bạt một cách chiếu lệ để tăng khối lượng.
Nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lam. |
Quá tải trọng đã đành, nhưng điều quan trọng hơn là sau khi xe lăn bánh ra khỏi bãi tập kết thì cát cứ tự do rơi vãi trên Quốc lộ 1A khiến cho tuyến đường này trở nên nhầy nhụa vào mùa mưa, bụi bay mù mịt khi trời nắng và gió thổi mạnh.
Anh Nguyễn Xuân Hải, người điều khiển xe mô tô trên Quốc lộ 1A bức xúc cho biết: "Nắng mưa là chuyện của trời, nhưng chẳng lẽ các cơ quan chức năng lại đứng ngoài cuộc để xe chở cát mặc sức tung hoành và người tham gia giao thông thì phải hứng chịu bụi bẩn suốt tháng này qua năm khác hay sao?".
Trong vai một người dân đi mua cát, phóng viên đã vào tận những bãi tập kết cát ven sông Lam, ngay sát đường Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Xuân Lam.
Tại bãi tập kết cát được cho là của Công ty cát sỏi Miền Trung, phóng viên gặp ông Đậu Xuân Tính, người tự giới thiệu là bảo vệ kiêm nhiệm vụ cân xe qua lại, ông Tính cho biết: "Việc lắp đặt trạm cân chỉ để đo khối lượng cát mà thôi, còn vấn đề tải trọng thì xe nào chở quá tải xe đó chịu trách nhiệm, vì lúc đó cát đã chở ra khỏi bãi tập kết rồi".
Ngoài lời giải thích trên, ông Tính còn đưa ra một phép tính khối lượng cát trên xe rất đơn giản. Ông lấy ví dụ: "1m3 cát tương đương với trọng lượng 1,2 tấn. Khi xe vào bãi đã cân tải trọng, ghi rõ biển kiểm soát xe, sau đó xe ra khỏi bãi đi qua trạm cân là chúng tôi đã biết được bao nhiêu cát trên xe để tính tiền".
Khi phóng viên đề cập đến việc mua bán cát, xuất hoá đơn và một số nội dung liên quan về công tác quản lý bến bãi, ông Đậu Xuân Tính cho rằng "Việc này các chú phải tìm gặp anh Sự, chị Thuỷ là chủ của bãi tập kết cát này thì sẽ hiểu rõ hơn".
Các xe tải chở cát chạy ngày đêm gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. |
Theo giới thiệu của ông Tính, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với ông Sự để tìm hiểu các thông tin liên quan. Vậy nhưng không hiểu việc tập kết cát ở đây có điều gì khuất tất mà ông Sự luôn lấy hết lý do này đến lý do khác để né tránh, không cung cấp thông tin cho báo chí.
Tại buổi làm việc với ông Nguyễn Vĩnh Thọ - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, vị này cho biết: "Xã Xuân Lam không có mỏ cát mà chỉ có 4 bãi tập kết cát của 5 doanh nghiệp. Việc lắp đặt trạm cân tại các bãi tập kết cát này chủ yếu chỉ để quản lý khối lượng cát là chính, còn các doanh nghiệp không mấy quan tâm đến vấn đề tải trọng".
Cũng theo ông Thọ bãi tập kết cát do tỉnh quy hoạch và thu các khoản thuế, phí theo quy định. Còn vấn đề bức xúc nhất hiện nay vẫn là tình trạng cát rơi vãi cát dọc đường gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Là cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn chúng tôi đã nhiều lần vào cuộc kiểm tra, nhắc nhở chủ bãi tập kết cát và chủ phương tiện, đồng thời kiến nghị với cấp trên có các biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, bất cập này nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Ông Thọ thông tin thêm.
Quy hoạch bãi tập kết cát ven Quốc lộ 1A tại xã Xuân Lam mà gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường là điều khó có thể chấp nhận. Còn việc kiểm soát tải trọng đặc biệt là kiểm soát nguồn tài nguyên, tránh tiếp tay cho cát tặc lộng hành là vấn đề cần được các cấp, ngành liên quan vào cuộc một cách quyết liệt. Có như vậy thì những "khoảng trống" trong công tác quản lý các bãi tập kết cát nơi đây mới được chấn chỉnh khắc phục kịp thời.
Tác giả: CTV Văn Chương
Nguồn tin: vov.vn