Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Những bánh xe đời cút kít lăn lên phố

Đi qua thành phố nghèo Hà Tĩnh, không khó để nhận ra ở góc phố Nguyễn Du giao với đường Trần Phú một phố người lao động. Người ở đây quen gọi là chợ người, ở hàm nghĩa không xấu cũng chẳng chê bai; đó là những người phụ nữ ở quê lên phố tìm chỗ thuê mình làm việc thợ đụng: bốc vác, đẩy đất, phụ xây nhà…

Chiếc xe đạp cột phía sau là chiếc xe cút kít, xẻng, búa là hành trang lên phố của họ; và cũng là điều để nhận biết họ là những diêm dân của vùng muối Hộ Độ.

Muối đắng


Ở vùng sáu xã ven biển cửa Sót quê tôi, vùng đồng nại (đồng muối) xã Hộ Độ xưa là thủ phủ muối trắng của cả tỉnh nghèo Hà Tĩnh. Cuộc sống của diêm dân ngày đó cũng khá hơn bây giờ nhờ muối được giá, có thị trường bán. Chỉ cần vài tháng hè nắng nực, người diêm dân quyện mồ hôi trong nước mặn, gió chát thế là vừa đủ lo toan cho cuộc sống quanh năm.


Mùa mưa, họ lại chở từng xe muối lên các vùng Đức Thọ, Cẩm Xuyên trù phú lúa gạo để trao đổi. Xã Hộ Đọ cách nay vài năm có cả một kho muối trữ của hợp tác xã to lắm, nay cũng đã xập xệ và luôn chứa không được non nửa.


Chị Lý sau buổi làm việc nặng nhọc

Chị Lý sau buổi làm việc nặng nhọc


Chị Võ Thị Lý (35 tuổi, ở xóm Liên Xuân, Hộ Độ) tranh thủ giờ nghỉ trưa bên vệ đường Nguyễn Du, kể: “Ngày xưa làm muối cũng sống được lắm vì có đầu ra. Bây giờ người làng kẻ thì đi làm trong nam, kẻ thì đi làm thuê mướn trên phố như thế này đây”.


Ngư dân thường bán muối tính theo rổ, một rổ như vậy khoảng 20kg trước đây bán được 30 ngàn. Đến bây giờ, giá cả tất thảy mọi thứ đều tăng chỉ trừ muối, không những vậy còn rất khó bán vì không mấy ai mua.


“Mùa làm muối chỉ nhờ được 3 tháng nắng, vậy mà làm ra không bán được, muối chất đống trong kho nhà đến gỉ cả nền đất. Được một hai mùa như vậy, vợ chồng cầm cự không được phải nghĩ cách khác kiếm ăn. Chồng tui thì vô nam đi làm khoán, còn tui thì lên phố kiếm việc như thế này đây”, chị Trần Thị Huyền (xóm Tân Qúy, Hộ Độ) tâm sự.


Một nhóm phụ nữ đang bao quanh người đàn ông cần người làm thuê tại “chợ người”

Một nhóm phụ nữ đang bao quanh người đàn ông cần người làm thuê tại “chợ người”


Bên cạnh, chị Lý nói thêm: “Không những vậy, bây giờ quy hoạch, xây dựng khắp nơi, người thì đẻ mà đất không đẻ. Như nhà tôi có 2 sào ruộng muối với 3 đứa con; vừa rồi tỉnh làm con đường sang mỏ sắt Thạch Khê, cả hai sào được đền bù hơn 3 chục triệu, phải chấp nhận chứ sao. Nhưng rồi vậy là hết đất làm, chồng lang bạt vô tận Bình Dương, Đồng Nai làm khoán các công trình, còn tôi thì cũng phải lên phố mà kiếm thêm để nuôi con”.


Rất đông những người phụ nữ ở chợ lao động này khi được tôi hỏi đều cho biết hoàn cảnh của họ rất khó khăn, nhưng gia đình lại không được diện nghèo. “Bọn tui giờ cũng chỉ biết gắng gượng với cái chỗ này thôi chú ạ, nhà không có con cái đi học thì còn có miếng ăn không khó nhọc; chứ nhà nào mà muốn cho con cái đi học thì cày cho kiệt sức mà trả nợ ngân hàng đó chú”, một người phụ nữ luống tuổi than thở.


Bánh cút kít lăn lên phố


Nghề làm muối xem như đã đắng trái ngược với cái vị mặn đơn thuần của nó. Những diêm dân nữ lại kéo nhau mang theo chiếc xe cút kít -vốn là xe chuyên dụng để làm muối- lên phố sinh nhai.


Trăm người bán chỉ một vài người mua!

Trăm người bán chỉ một vài người mua!


Mỗi sáng sớm, ở con đường Nguyễn Du này có khoảng vài ba nhóm người “họp chợ”; mỗi nhóm có lúc lên tới 30 người, chủ yếu là phụ nữ. Lúc tôi tìm đến bắt chuyện, rất đông các bà các chị đang ngồi ngóng “chủ”. Chủ là những người có việc nhà như xây dựng, cần dọn dẹp sân vườn, thuê bốc vác…đến đây để gọi người. Một lúc, có một người đàn ông chạy xe máy trờ tới nói cần hai người dọn đất cát trong sân vườn. Lập tức cả nhóm phụ nữ ùa tới để mong được chọn. Mãi một lúc lâu người đàn ông này mới xong việc gọi người vì phải giải thích với họ là công việc chỉ cần hai người, đi đông thì không thể gọi ai nữa.


Rồi chợ người thưa dần khi những người lao động tản mác về khắp mọi hướng thành phố làm đủ công việc nặng nhọc. Bữa trưa, về lại chợ để tìm công việc tiếp theo, chị Lý tranh thủ giở đùm cơm nắm với chút cá kho mặn mang theo từ sáng ăn vội. Chị cho biết, sáng nay chị cùng ba người đi bốc thuê gỗ làm nhà cho một gia đình ở đường Nguyễn Trãi, công mỗi người là 50 ngàn bốc 4 khối gỗ. “Công việc cũng thất thường lắm, có ngày nhiều việc thì kiếm được 200 ngàn, có ngày vài chục là chuyện thường; bù qua bù lại cũng đủ kiếm tiền ăn và chắt bóp lo việc học cho nó thôi chú ạ”, chị Lý thở dài.


SONY DSC

Xong một ngày làm việc, những người phụ nữ lặng lẽ đạp xe về quê nghèo khi bụng đã đói meo


Nhìn những người phụ nữ uể oải, có người chỉ mới trạc tuổi đôi mươi, ăn những nắm cơm vắt, uống ngụm nước lạnh cho qua bữa để vật lộn kiếm miếng ăn cho gia đình trên phố nghèo này, không những tôi, mà ai đó đã cùng được trò chuyện đôi câu cũng đã phải chạnh lòng.


Một góc đồng muối Hộ Độ

Một góc đồng muối Hộ Độ


Thế nhưng, câu chuyện mà ít ai được nghe như tôi khi cùng ngồi cạnh các cô, các chị trong buổi trưa nắng bên góc phố đã bớt ồn ào này, thì cũng phải có chút gì thương cảm và rung động. Chị Lý kể, khi hỏi tôi là nhà báo hay không: “Chuyện cực khổ thì cũng đã cực rồi, giờ cũng chỉ biết kiếm miếng ăn ở đây thôi, nhưng cũng đừng đưa lên báo hay chí làm chi. Bữa trước chồng với mấy người đi làm khoán trong nam về, mang theo tờ báo có chụp tụi tui đang ở cái đường ni. Chồng nói, ai lại cho người ta biết mình khốn khó thế này, được chi!”.


Rồi góc đường Nguyễn Du vắng lặng dần đến chiều tối. Đèn đường dần tỏ, những bóng người phụ nữ nhỏ dần trên chiếc xe đạp, chở sau là chiếc xe cút kít, từ phố lặng lẽ xuôi về các xóm nghèo bên đồng muối lo bữa cơm muộn cho con, cho mình.


Bài, ảnh: Thạch Châu

MTG

  Từ khóa: Xã Hộ Độ , bánh xe

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP