Đường tuần tra ven biển do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với tổng số tiền lên tới 165 tỷ đồng. Tuyến đường này dài hơn 11km nối từ đê Cẩm Lĩnh tới xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù chỉ 11km đường nhưng có tới 17 đơn vị trúng thầu thi công với 6 đơn vị tư vấn giám sát.
Đây được đánh giá là con đường có vai trò hết sức quan trọng trong công tác tuần tra ven biển, đồng thời cũng là tuyến đường huyết mạch nối huyện Cẩm Xuyên đi huyện Kỳ Anh và khu kinh tế Vũng Áng. Người dân vùng ven biển hết sức vui mừng khi con đường này mở ra sẽ mang một triển vọng mới đối với sự phát triển kinh tế, giao thương đi lại trong vùng. Nhưng rồi kỳ vọng bao nhiêu thì họ lại thất vọng bấy nhiêu trước khung cảnh con đường hàng trăm tỷ đồng chỉ mới đưa vào sử dụng được hơn 1 năm đã xuống cấp một cách nhanh chóng.
Đường gãy ngang là điều dễ dàng nhìn thấy ở nhiều đoạn trên 11km này
Nhiều nơi lề đường đã bị ăn sâu hơn 30cm
Sự yếu kém về chất lượng là hình ảnh chung cho cả dự án này
Được khởi công xây dựng từ năm 2009, đến nay cơ bản 11km đường đã được hình thành nhưng không hiểu vì sao nó vẫn chưa được bàn giao cho chủ đầu tư, trong khi đó tất cả các nhà thầu đã rút khỏi hiện trường và số tiền đầu tư cơ bản cũng được giải ngân cho các đơn vị thi công và giám sát.
Chưa bàn giao nhưng đã đưa vào sử dụng đó chính là lý do chính khiến con đường này xuống cấp nhanh chóng mà không hề nhận được một sự quan tâm có trách nhiệm nào từ phía chủ đầu tư, nhà thầu cũng như chính quyền địa phương nơi có tuyến đường chạy qua. Như thế, cả một con đường hàng trăm tỷ bị đẩy vào tình trạng “đem con bỏ chợ” hàng năm nay.
Hình ảnh một con đường nham nhở, bị biến dạng từ phần lề đường cho tới mặt đường bị bong tróc, gãy ngang để lộ ra những “ổ gà, ổ voi”, qua đó cũng cho thấy trong quá trình thi công nó đã bị “rút ruột”.
Hiện, mặt đường bị nứt nẻ, gãy khúc hai bên, phần lề và phần mương thoát nước không còn nguyên vẹn. Phần lề đường, bị những cơn mưa xói mòn, để lại những hố sâu và có những đoạn bị ăn sâu vào phần móng, độ sâu đo được hơn 30cm. Phần mương thoát nước bị vùi lấp do đất, đá từ trên núi rơi xuống, có những khúc mương vì thi công sơ sài nên không còn hình dạng.
Hệ thống cọc tiêu đoạn cắm đoạn không và nếu có cũng được dựng một cách tạm bợ, không đúng với quy chuẩn, một số đã bị bật tung, xô ngã.
Nhiều nơi đã phải thi công lại do sạt lở
Toàn cảnh dự án đường tuần tra ven biển đang xuống cấp.
Mặt đường bị xé toang, nứt gãy
Mương thoát nước đã bị biến dạng nghiêm trọng
Tuyến đường này được thiết kế với nền đường bằng đất biên hòa với các chỉ số độ chặt (K95), tiếp đến là một lớp đá bây, một lớp giấy dầu và bê tông đổ bằng đá 1×2, ở các điểm co giãn phải có thép truyền lực.
Tuy nhiên, từ những gì được nhìn thấy hiện tại, những yêu cầu đó đã bị nhiều nhà thầu phớt lờ. Cụ thể, có một số nhà thầu đã sử dụng loại đá 2×4 để thi công (Theo báo giá thì hai loại đá nói trên chênh lệch giá rất nhiều), phần thép truyền lực và giấy dầu đều không được nhà thầu sử dụng.
Theo một số ý kiến, trong quá trình sử dụng vật liệu xây dựng chủ đầu tư đã yêu cầu sử dụng nguồn cát tại chỗ, nghĩa là sử dụng cát từ Cẩm Lĩnh và Kỳ Xuân. Một số nhà thầu cho hay, phần cát ở đây có khả năng bị nhiễm mặn khiến con đường sau khi làm xong đã bị bong tróc.
Hệ thống cọc tiêu không có, nếu có cũng chỉ sơ sài, yếu ớt.
Mặt đường sau khi thi công xong thì giống như mới bắt đầu rải đá
Công trình sử dụng sai loại đá để thi công
Trao đổi với đại diện chủ đầu tư, ông Trần Văn Tuấn phó Ban dự án, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh cho biết : “Hiện nay, tuyến đường này vẫn chưa thể bàn giao vì một số hạng mục vẫn chưa được làm xong, về sự xuống cấp thì chúng tôi cũng đã nắm được và đang yêu cầu các nhà thầu khắc phục”.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi một số nhà thầu cho biết, làm xong đã lâu nhưng không thể bàn giao vì chủ đầu tư còn chờ những đơn vị khác và trong mấy năm qua con đường không hề được bảo dưỡng vì nhà thầu không thể cứ ở đó mãi khi đã hoàn tất công trình, và việc chưa thể bàn giao cũng đành để chờ.