Giao Thông

Hà Tĩnh: Nhan nhản xe tải không phù hiệu

Trên khắp các tuyến đường ở Hà Tĩnh, xe tải không có phù hiệu vận tải theo quy định ngang nhiên đi lại. Không những vi phạm quy định pháp luật mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN...

Một số xe tải không dán phù hiệu theo quy định

Ra đường là gặp xe tải không phù hiệu

8h40 sáng 7/6, trên QL1 đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, PV Báo Giao thông ghi nhận rất nhiều xe tải các loại ra - vào 5 bãi tập kết cát dọc QL1. Sau khi “ăn” no cát, các xe này di chuyển lên QL1 rồi tỏa đi các hướng. Nhiều xe qua đây không có phù hiệu vận tải theo quy định.

Cũng trên QL1, đoạn đối diện bến xe Hồng Lĩnh (thuộc TX Hồng Lĩnh) chỉ chưa đầy 5 phút (từ 9h30 - 9h34), PV cũng ghi nhận hơn 5 xe tải không có phù hiệu. Chiều cùng ngày, trên QL1, thuộc địa phận huyện Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, PV Báo Giao thông ghi nhận và đối chiếu với số liệu từ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hà Tĩnh, phát hiện có 14/27 xe tải (có tải trọng từ 4,6 – 14,66 tấn) không dán phù hiệu theo quy định, gồm các xe BKS: 38C-006.10, 38C-098.67, 38C-043.76, 38C-087.80, 38C-043.47, 38N-4750, 38C-029.84, 38C-073.56, 38N-3921, 38C-027.75, 38C-042.89, 38C-015.85, 38C-004.69, 38C-043.47.

Một chủ xe tải ở TX Hồng Lĩnh bức xúc: “Sau khi mua xe tải 4,7 tấn, tháng 3/2017 tôi đã đi dán phù hiệu và lắp thiết bị giám sát hành trình. Hiện, trên đường có rất nhiều xe tải không dán phù hiệu. Tôi thấy không công bằng, đã quy định thì tất cả mọi người phải thực hiện”.

Ông Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, ngoài cạnh tranh không lành mạnh giữa các cá nhân, doanh nghiệp, xe không dán phù hiệu khiến việc kiểm soát, quản lý phương tiện, quản lý lái xe của các cơ quan chức năng gặp khó khăn. Khi xe gặp sự cố, TNGT, việc điều tra của cơ quan chức năng cũng gặp trở ngại. Ngoài ra, một số trường hợp cố tình chạy “chui” để trốn thuế…

Nơi kêu khó, chỗ nói thiếu thẩm quyền

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP, ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, từ ngày 1/1/2017, các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 3,5 tấn trở lên phải gắn phù hiệu. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GTVT Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 3.775 xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, nhưng hiện chỉ có 850 xe (đạt 22,5%) được cấp phù hiệu chạy xe theo quy định. Nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp, như: Can Lộc 6/114 xe được cấp phù hiệu (đạt 5,26%); Đức Thọ 30/300 xe (đạt 10%); Hương Sơn 15/164 xe (đạt 9,15%)…

Trung tá Bùi Đức Thuận, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lập biên bản và xử lý 75 trường hợp xe tải không dán phù hiệu vận tải, phạt gần 300 triệu đồng. “Việc xử lý xe không gắn phù hiệu không hề đơn giản. Bởi theo quy định, hiện chỉ các xe trên 3,5 tấn, kinh doanh vận tải hàng hóa thu tiền ngay mới phải dán phù hiệu. Với những đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền ngay thì phải 5 xe trở lên mới phải dán. Thế nhưng, ở trên đường, anh em rất khó biết được xe đó có kinh doanh vận tải thu tiền ngay không”, Trung tá Thuận lý giải.

Ông Trần Quốc Toản, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh cho hay, TTGT chỉ được dừng xe trong 4 trường hợp: Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; Vượt khổ giới hạn cho phép của cầu đường bộ; Không phủ kín bạt, để đất, đá rơi vãi trên đường; Xe bánh xích di chuyển trên cầu, đường bộ. Như vậy, nếu không có lỗi quá khổ, quá tải thì thanh tra không được dừng xe để xử lý lỗi không có phù hiệu.

Theo ông Toản, lực lượng thanh tra chỉ có thể xử phạt thông qua các kế hoạch thanh tra tại doanh nghiệp. “Từ đầu năm 2017 đến nay, TTGT đã kiểm tra 4/8 đơn vị kinh doanh vận tải. Và trong 176 phương tiện được kiểm tra, thanh tra phát hiện 1 xe không gắn phù hiệu. Ngoài ra, trong quá trình xử lý 105 xe quá tải, thanh tra phát hiện và xử lý 23 xe tải không có phù hiệu, phạt tiền hơn 100 triệu đồng”, ông Toản nói.

Ngày 2/6, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 3311 gửi Sở GTVT, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành, thị về việc “Thực hiện cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu chạy xe đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. Công văn yêu cầu tiếp tục hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoàn thành thủ tục gắn phù hiệu chạy xe; Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm; UBND các địa phương thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc các tổ chức, cá nhân có phương tiện thực hiện nghiêm túc các quy định về dán phù hiệu xe tải.

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP