Cần Giúp Đỡ

Hà Tĩnh: Người thương binh già “thoi thóp” chờ giám định để hưởng chế độ

Ông Lương Hữu Chất mòn mõi chờ giám định lại

Mảnh đạn nằm trong cơ thể người thương binh đã giết chết tuỷ, chèn dây thần kinh làm hai chân của ông mất dần cảm giác, hạn chế mọi hoạt động cũng như sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Năm 1975 khi giám định thương tật, cơ quan chức năng Hà Tĩnh chỉ xác định người thương binh này chỉ “bị sức ép điếc một tai trái” với tỷ lệ 21%. Trước nỗi đau thể xác và tinh thần đang xảy ra, người thương binh đang mòn mỏi chờ cơ quan chức năng Hà Tĩnh giám định lại để được hưởng đúng chế độ.

Vết thương từ mảnh đạn găm trong cơ thể

Ông Lương Hữu Chất xóm Phú Thọ, xã Tùng Lộc, hyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ năm 1972, đến năm 1974, ông tham gia chiến đấu và bị thương tại chiến trường C – nước bạn Lào.

Năm 1975, với kết quả giám định ông được công nhận là thương binh 4/4, tỷ lệ thương tật nhẹ nhất trên 21%. Tuy nhiên, 20 năm sau, vết thương thời chiến tranh của ông tái phát, mảnh đạn nằm trong tuỷ sống đã giết chết tuỷ, chèn dây thần kinh làm hai chân của ông mất dần cảm giác, hạn chế mọi hoạt động cũng như sinh hoạt cá nhân hàng ngày, thêm vào đó là những trận sốt rét không có căn nguyên rút hết sinh lực vốn đã gần như cạn kiệt của người thương binh này.


Thẻ thương binh của ông Chất

Năm 1995, được sự hướng dẫn và tư vấn của cán bộ xã, trực tiếp là cán bộ làm công tác chính sách – xã hội, gia đình làm hồ sơ gửi đề nghị được giám định lại vết thương cho ông. Nhưng không biết vì lý do gì, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan bị thất lạc và gia đình cũng không nhận được bất cứ hồi âm gì của các cấp có thẩm quyền.

Từ năm 1995 tới nay, mảnh kim loại từ vết thương trong chiến tranh để lại đã hoành hành cơ thể. Gia đình đã đưa ông đi khắp các bệnh viện, từ huyện tới tỉnh và lên cả tuyến Trung ương, nhưng cũng chỉ là những đợt nằm điều trị, hưởng các chế độ của thương binh trong chăm sóc, khám và điều trị bệnh. Điều gia đình mong mỏi nhất là ông Chất được một lần giám định bổ sung tỷ lệ thương tật, để ông được hưởng chế độ đúng với mức độ thương tật của mình.

Điều ngạc nhiên đối với chúng tôi, khi xem tấm thẻ thương binh của ông Chất (thẻ mới được cấp lại, thẻ cũ đã bị mất). Mặt sau của tấm thẻ ấy, về vết thương chính có dòng chữ: “Bị sức ép, điếc một bên tai”, nhưng qua kiểm chứng thực tế và khẳng định của gia đình, ông không hề bị điếc, thính giác, thị giác hoạt động rất tốt. Còn vết thương ở sườn trái – nơi mảnh đạn đi vào cơ thể ông dấu tích vẫn còn đó, lại không hề được thể hiện trên tấm thẻ thương binh. Vết thương chính của ông được “chẩn đoán” đại khái như vậy. Nhưng với thực tế hiện nay, ông rất cần được giám định để bổ sung vết thương, xác định tỷ lệ thương tật của mình.

“Thoi thóp” chờ giám định lại thương tật

Trong ngôi nhà cũ kỹ với bốn bức tường ẩm mốc, ông Lương Hữu Chất chỉ còn da bọc xương nằm trên chiếc giường ở góc nhà. Tấm chăn mỏng đắp vội lên người, không đủ để che đôi chân bị liệt với lớp da dày loang lổ… Vết rò dưới hông phải luôn luôn chảy mủ, mặc dù đầu óc rất minh mẫn nhưng ông không kiểm soát được việc vệ sinh cá nhân của mình.

Vợ của ông 4 năm trở lại đây, luôn thường trực ở bên cạnh để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và vệ sinh cá nhân cho ông. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng hai vợ chồng vẫn luôn hy vọng… bà Nguyễn Thị Dịnh- vợ ông Chất bộc bạch: “Hiện giờ sức khỏe của chồng tôi như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào. Chỉ mong các cấp có thẩm quyền xem xét để tạo điều kiện cho ông đi giám định bổ sung thương tật, hưởng chế độ ưu đãi”.

Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp người bị thương đã giám định thương tật nhưng còn sót vết thương chưa giám định, thì được giám định bổ sung … Cũng theo quy định này, thì chỉ sau 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ của đối tượng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phải có trách nhiệm đối chiếu, sao hồ sơ gốc đang lưu tại Sở để giới thiệu đối tượng ra Hội đồng giám định Y khoa có thẩm quyền .

Nguyện vọng của gia đình sau nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng cuối cũng đã được Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo UBND huyện Can Lộc trực tiếp xuống gặp gỡ, thăm hỏi, động viên và chia sẻ với gia đình thương binh Lương Hữu Chất.

Sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế, UBND huyện kịp thời chỉ đạo các phòng, ban liên quan: Bệnh viện đa khoa huyện, Phòng LĐ-TBXH; lãnh đạo và cán bộ làm công tác chính sách – xã hội của địa phương trực tiếp xuống khám, cung cấp thuốc, tư vấn chăm sóc và điều trị, hỗ trợ kinh phí và yêu cầu hoàn thiện hồ sơ thủ tục đề xuất giám định bổ sung thương tật cho đối tượng.

Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Can Lộc, sự nỗ lực của chính quyền xã Tùng Lộc và các cơ quan chuyên môn từ cơ sở tới huyện, trong thời gian sớm nhất, người thương binh này sẽ được đi giám định vết thương để bổ sung tỷ lệ thương tật theo đúng như những gì mà mình được hưởng.

Kiệt Thạch – Bích Liên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP