Những ngày này, về xóm Mai Lâm (xã Mai Phụ), phóng viên ghi nhận không khí hết sức ảm đạm vì ngao được mùa nhưng không chỉ giá thấp mà bán chẳng ai mua. Nhiều lứa ngao đã quá thời gian thu hoạch 2 tháng nay khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa.
Ông Nguyễn Văn Việt-Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Việt Hồng ở thôn Mai Lâm buồn rầu nói: “Gần 2 tháng nay, người tiêu dùng ít dùng hải sản khiến ngao nuôi ở đây không tiêu thụ được, ảnh hưởng nặng nề đến người nuôi. HTX có 16 xã viên nuôi ngao, trong đó người nuôi ít cũng hơn 1ha, còn hộ nhiều trên 15ha. Tính sơ bộ đến thời điểm này sản lượng ngao thương phẩm đạt trên 300 tấn. Theo lịch nuôi, bắt đầu từ tháng 4 là thu hoạch. Đã vượt thời gian 2 tháng, nhưng mỗi lần thu hoạch ngao bán không ai mua, các xã viên vô cùng khó khăn và gây hoang mang cho người dân”. Cũng theo ông Việt: “Riêng hộ gia đình tôi có hôm thu hoạch về hơn 1 tấn ngao nhưng bán chỉ được vài kg”.
Nhiều hộ dân ở Mai Lâm bán không được đành thả ngao trở lại bãi nuôi, dù ngao đã quá thời kỳ
thu hoạch. Ảnh: H.A
Trước việc ngao nuôi khỏe mạnh nhưng không tiêu thụ được, Sở NNPTNT sẽ đề xuất lên tỉnh tìm phương án hỗ trợ người dân. Phải thừa nhận ở Mai Phụ là vựa ngao lớn của cả tỉnh, nếu kéo dài không tiêu thụ được thì ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của họ”. Ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh |
Ông Phạm Xuân Thắng (45 tuổi) ở thôn Mai Lâm cho biết: “So với người dân ở đây, gia đình tôi là một trong những hộ nuôi ít (chỉ 1,4ha), nhưng hậu quả của việc ngao không tiêu thụ được cũng hết sức nặng nề. Những năm trước, thương lái đến mua ngay tại bãi, nay đưa ra chợ cũng không bán được. Nhiều đợt thu hoạch mà không bán được, đành phải thả nuôi trở lại. Không chỉ gia đình tôi mà hàng chục hộ dân ở đây như ngồi trên đống lửa nếu tới đây mưa lũ là trôi mất hết.
Trao đổi với phóng viên NTNN, trưởng thôn Mai Lâm-ông Lê Xuân Hùng cho biết: “Cả thôn Mai Lâm có 45 hộ gia đình chuyên nuôi ngao thương phẩm (người dân ở đây chỉ có duy nhất nghề nuôi ngao). Sản lượng năm nay ước đạt trên 1.000 tấn. Đáng lẽ đến thời điểm này các hộ nuôi phải bán được 50% sản lượng, nhưng thực tế hiện nay không tiêu thụ được, chưa nói giá ngao bèo bọt. Người dân đang lâm cảnh đường cùng”.
Mong được hỗ trợ lãi suất
Trưởng thôn Lê Xuân Hùng cho biết thêm: Hậu quả nặng nề với người dân ở đây do việc không bán được ngao là hàng tháng không có tiền trả lãi ngân hàng. Dư nợ của các hộ dân vay đầu tư nuôi ngao ở ngân hàng lên đến hàng chục tỷ đồng. Người vay ít nhất cũng 50 triệu đồng, còn người vay nhiều trên 2 tỷ đồng, hiện người dân đang hết sức hoang mang. “Trước mỗi vụ thả nuôi, gia đình tôi cầm cố nhà đất vay ngân hàng hơn 2,1 tỷ đồng để đầu tư. Sau khi thu hoạch ngao lại đem đi trả, cứ quay vòng như thế, dự định của tôi là tháng 6 này có thể trả hết nợ. Ai ngờ đến thời điểm này, ngao còn đầy bãi, bán không ai mua. Trong khi đó hàng tháng phải trả lãi ngân hàng xấp xỉ 18 triệu đồng, nguy cơ đổ nợ cận kề”- ông Việt buồn rầu nói.
Điều mà người dân ở đây mong muốn là huyện, xã cần chi trả kịp thời chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng theo Quyết định số 23/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều hộ dân ở đây phản ánh, tiền lãi tháng họ đóng nộp cho ngân hàng đầy đủ, trong khi phần lãi suất hỗ trợ chờ dài cổ, có hộ 9 tháng mới được nhận (trong khi đó theo quy định tối đa là 3 tháng được chi trả một lần). Các hộ dân lên xã và huyện hỏi thì đều được trả lời chưa có do tỉnh chưa có tiền.
Ông Lê Văn Đông- Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ xác nhận với phóng viên NTNN, hiện nay hơn 88ha ngao của người dân địa phương đã quá thời kỳ thu hoạch nhưng không bán được khiến người nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đông nói thêm: “Bây giờ ngao đã quá to không bán được, đến tháng 6 có nguy cơ gặp trận lũ bị cuốn trôi ra biển, và sau tháng 6 ngao sẽ chết theo quy trình lột xác”. Còn liên quan đến tiền hỗ trợ lãi suất chậm, Phó chủ tịch xã Lê Văn Đông cho biết: Do nguồn tiền này từ trên chuyển về chậm, thậm chí có những hộ đến nay đã quá 6-7 tháng tỉnh vẫn chưa phân nguồn hỗ trợ để xã chi trả cho các hộ được hưởng chính sách.
Hữu Anh