Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Nghề mót đá kiếm cơm giữa tứ bề hiểm nguy

Tháng 5, nắng như đổ lửa, ở Hà Tĩnh có vùng nhiệt độ lên tới 40,2 độ C. Trời này, người ta chỉ muốn ở trong nhà mát mẻ hay đổ xô ra các vùng sông hồ nghỉ ngơi. Nhưng ở núi Mốc, bên mỏ sắt khổng lồ Thạch Khê, hàng chục người vẫn hì hục chẻ, đục, đẽo đá. Nắng chảy mỡ trong hỏm núi đá vàng khè. Mồ hôi chưa kịp rơi đã bết lại cùng bụi bặm trên da mặt nứt nẻ. Họ đang mót đá để mưu sinh.

Nghề mót đá kiếm cơm giữa tứ bề hiểm nguy
Chữ “mót” trong tiếng Nghệ Tĩnh nghĩa nôm na là thu lượm, nhặt nhạnh lại những gì còn sót. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường ra đồng “mót” lúa trên những ruộng lúa vừa gặt xong.
Người ta thu lượm không hết, những nhành lúa rơi vãi còn sót lại, chịu khó mót hết mùa gặt cũng thêm vài nồi cơm cháo.

Nguy hiểm

Mót đá khổ cực và nguy hiểm hơn mót lúa nhiều! Đó là những bãi đá sót còn nằm cheo leo trong hốc, trên những sườn núi đã bị khai thác rầm rộ trước đó. Núi Mốc trước đây sừng sững nằm trên địa bàn 2 xã Thạch Bàn, Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Nay, chỉ lụp xụp so với bãi rác khổng lồ của mỏ sắt Thạch Khê.
Không còn là bãi khai thác đá rầm rộ của các công ty, nay ngọn núi đá này là chỗ mót cơm mót gạo của những người khốn khổ đang sống lay lắt cạnh mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á đang bị ngưng trệ vô thời hạn.
 Ông Luật và ông Biên đang đập vỡ một hòn đá vừa đào được.
 Đầu giờ chiều, nắng táp dữ dội. Ông Nguyễn Tuấn Luật (56 tuổi, xóm 2, Thạch Đỉnh) cùng một người trong thôn đang hì hục đào một hòn đá sót trên lưng chừng núi. Trên đầu họ, một vỉa đá lìa chân chỉ còn dính một phần đầu vào đỉnh chỉa thẳng xuống cách chừng 20 m.
Hòn đá bị đất vùi. Ông Luật hì hục dùng xẻng đào lộ dần từng viền đá. Bạn phu, ông Phạm Công Biên (người cùng thôn) lâu lâu lại dùng chiếc xà beng cạy ra từng phần. Nhìn phiến đá lộ có thể hình dung hòn đá to cỡ chục người thường.
Chiếc xà beng của ông Biên cắm sâu vào đất, oằn cong vì ông dùng hết cả sức bình sinh đè mình lên đầu còn lại của đòn bẫy chúi xuống hòng bắn hòn đá ra. Thanh thép nóng ran nhẫy mồ hôi lâu lâu lại trở lực hất người phu đá mảnh khảnh lên, hai chân chới quới.

Phải mất cả tiếng đồng hồ, hai người mới vật được hòn đá lìa ra vách núi. Công đoạn tiếp theo là đập vỡ tảng đá lớn. Búa tạ liên tục đập vào chan chát, lửa tóe; những mảnh đá nhỏ bắn tứ phía như đạn, nhiều mảnh găm vào đùi, vào tay ông Luật tứa máu.

Đã là mót, là lượm lặt thì tự phát và hoàn toàn không bảo hộ lao động. Nhưng vì miếng cơm, chuyện đề phòng hiểm nguy nhiều khi rất nhẹ nhàng đối với người nghèo.

Ở mỏ đá này, vào cuối năm 2007 đã từng xảy ra vụ sập mỏ đá khiến 7 người thuộc xã Thạch Bàn chết tức tưởi. Ngọn núi này có kết cấu đá dựng đứng và đi theo từng vỉa. Vụ tai nạn khiến 7 người chết do HTX Sơn Long nhận khai thác đá nhưng làm không đúng quy trình, khoét lấy đá từ dưới lên, đào theo kiểu hàm ếch nên các khối đá phía trên mất trụ vỉa dưới và sụp xuống.

Bây giờ, không còn doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác ở đây. Những vỉa đá lơ lửng trên đỉnh núi vẫn chực chờ rơi xuống.

Không dám leo, tôi chỉ luẩn quẩn dưới góc núi, nơi anh Phạm Văn Phúc (31 tuổi, xóm 1, Thạch Đỉnh) đang chèn đóng đá. Khi đã gỡ đá tảng được xuống núi thì việc tiếp theo là phải làm vỡ nó ra từng mảnh cỡ vừa tay ôm. Việc này phải dùng sức và kinh nghiệm. Nếu không biết mà cứ dùng búa nện cả ngày đến gãy lưng thì cũng chẳng sứt mẻ gì.

Ngoài búa tạ, dụng cụ hỗ trợ của anh Phúc còn có một thanh thép lớn đập dẹp một đầu, xà beng và một thanh chèn. Khi lựa chọn được thớ đá, anh dùng đục sắt đục một khe nhỏ để đặt thanh thép lớn vào cố định. Sau đó, dùng hết sức đập mạnh búa tạ vào thanh thép cho đến lúc nào đá toác ra.

Làm thủ công nên cú trật cú trầy, đôi chân anh đã có lần bị búa bập vào dập ngón; còn sứt mẻ da dẻ thì đếm không hết vết.

Ào! Một phiến đá vỡ toác trên sườn vách sau cú búa cuối của ông Luật tách ra và lăn ầm ầm xuống chân núi. Hai người đàn ông bám vội vào triền đứng để không bị trượt theo đám đất lở.

Quệt mạnh mồ hôi, ông Luật thở dốc: “Có ăn thua chi mô chú. Một ngày mót không được bao nhiêu nhưng không có nghề gì thì cũng phải ráng mà làm thôi”.

Nhà ông Luật phía sau ngọn núi này, dù ở gần mỏ sắt và chịu ảnh hưởng của nó như ô nhiễm, mất nước ngầm sản xuất nhưng lại không được vào diện di dời. 6 người con đang học, chỉ bám víu vào vài sào ruộng giờ chỉ sản xuất được một vụ, ông đành phải ngày ngày đi mót đá kiếm ăn.

“Nhìn đá lởm chởm thế, nguy hiểm không?”, “chắc không sao mô!”. “Có khi nào bác bị trượt chân, tai nạn gì?”, “cũng có đôi lúc không để ý nên trượt ngã trên sườn, bình thường ấy mà!”. “Một ngày bác làm được bao nhiêu?”, “một khối đá bán được 110 ngàn, hai người có khi cả ngày mới mót được chừng đó”. “Ở đây nhiều người đi mót không?, “nhiều lắm, nhưng chỉ đàn ông thôi, phụ nữ chỉ đi khuân đá thuê thôi, họ đang ở bên phía Thạch Bàn kìa”.
San đời nghèo trên đá cheo leo
Phía dãy núi thuộc xã Thạch Bàn, rải rác khắp các lưng núi là những nhóm đàn ông đang đục đá. Phía dưới, một tốp chừng 5 người phụ nữ đang bốc từng tảng đá lên xe tải do cánh đàn ông mót được.
 Phụ nữ sức yếu hơn, dù cố mấy cũng không thể dùng búa tạ, chèn sắt mà thi sức với gan đá. Do đó, “phân chia lao động” là đàn ông đi mót, phụ nữ bốc vác lên xe.

Trốn trong bóng nắng lấy lại sức, chị Nguyễn Thị Hương (48 tuổi, ở xóm 5, Thạch Bàn), cho biết: “Mấy chị em tui chủ yếu ở Thạch Bàn, đất làm muối để phơi nắng vậy vì làm cũng chẳng ai mua. Rứa là kéo nhau ra rú bốc đá thuê thôi”.

San sẻ đời nghèo trên vách núi 

Một ngày, tùy vào sức của cánh đàn ông vắt vẻo trên những triền đá mà công việc của những người phụ nữ nhiều hay ít. Một xe tải chở chừng 3 khối đá. Bốc một xe đá được trả 60 ngàn tiền công. Năm người bốc khoảng chục xe cũng chia nhau được người trăm bạc. Nhưng cũng có ngày lèo tèo vài xe, chỉ đủ tiền mua con cá, bó chè.

Chưa tường tận cũng đã hình dung được, những người đang vất vả sống nhờ “nghề” mót đá này có hoàn cảnh khó khăn như nhau. Người làm muối thì bỏ nại vì không ai mua. Người làm nông thì phải bỏ ruộng vì ảnh hưởng mỏ quặng.

Như chị Hương, chồng phải đi vào nam làm thợ đụng. Nhà có 4 đứa con thì chỉ lo chạy vạy được cho 2 đứa đi học, 2 đứa lớn phải nghỉ sớm để đi làm.

Còn như anh Phúc thì 2 vợ chồng chỉ có 1 sào ruộng; giờ nheo nhóc 2 đứa con nên cũng chỉ biết đánh cược mạng cùng đá.

Rồi tương tự, 2 đứa con ông Biên, dù học hành đầy đủ nhưng giờ ra không có việc vì mỏ sắt Thạch Khê đang đổ vỡ. Ông lại phải gõ đá kiếm tiền trang trải nợ nần.

Thế nên, họ lặng lẽ san nhau cái đời nghèo trên những vách đá vàng úa lởm chởm. Từng vỉa đá gỡ ra, chắp thêm vào đời họ.

Hôm nay, mấy nhóm đàn ông mót được khoảng 10 xe đá. Cánh phụ nữ vì thế chia công cũng được gần trăm ngàn một người. Không có nụ cười mà chỉ có sự mãn nguyện sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Từng bước chân lặng lẽ đi về nơi cuối xóm heo hút sau rặng núi. Cả một vùng núi đá hoen vàng úa màu nghèo đói lởm chởm trong nắng xéo cuối ngày.

Lê Đình Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP