Nghề cào hến đem lại thu nhập ổn định cho người dân thôn Bến Hến |
Hơn 300 năm chung thủy với nghề
Sáng sớm tại bến hến, hàng chục chiếc thuyền máy công suất 12 CV đậu san sát, sẵn sàng cho chuyến “hành nghề” ngày mới. Trên bờ, những người đàn ông có khuôn mặt đen sạm nắng gió đang tất bật chuẩn bị dụng cụ bắt hến đưa lên thuyền. Biết tôi muốn tìm hiểu về nghề cào hến và cuộc sống của người dân địa phương, ông Nguyễn Văn Sinh (65 tuổi, cư dân của thôn Bến Hến) nghỉ tay tiếp chuyện.
Ông Sinh nói: “Nghề cào hến rất vất vả vì phụ thuộc về thời tiết. Thông thường người dân đánh bắt hến từ tháng Giêng cho đến hết tháng 8 âm lịch, gặp mùa nước lũ thì phải tạm dừng khai thác”.
Bản thân ông Sinh cũng không biết nghề cào hến có tự bao giờ, ông cũng như bà con nơi đây biết đến nghề nhờ được cha ông truyền lại từ đời này sang đời khác. “Năm 12 tuổi, tui bắt đầu theo cha mẹ ra sông La bắt hến. Ở quê tui nhà mô cũng rứa, đàn ông, con trai thì đóng thuyền đi cào hến, còn phụ nữ thì luộc và đãi hến mang ra chợ bán. Con hến được người dân mang ơn và được ông cha lấy đặt tên cho thôn, nhưng cũng không biết là tên thôn Bến Hến có tự bao giờ”, ông Sinh nói.
Cũng theo ông Sinh, tương truyền khoảng hơn 300 năm trước, có một học trò quê ở H.Đức Thọ (Hà Tĩnh) đỗ đạt làm quan, được vua ban áo mũ về quê vinh quy bái tổ. Hiềm thay, khi đi qua khúc sông La thuộc xã Trường Sơn ngày nay, gặp một con gió lớn làm bay mất sắc phong vua ban xuống sông. Dân làng gần đó đã lội xuống vớt giúp tờ chiếu chỉ và vô tình mò được rất nhiều hến. Dân làng mang hến về nấu ăn thử thì thấy nước hến rất ngọt nên rủ nhau đi bắt. Không lâu sau, hến trở thành một món ăn đặc sản nổi tiếng quanh vùng, nghề cào hến trở thành nghề truyền thống mưu sinh của cư dân nơi đây và được duy trì cho đến nay.
Đổi thay nhờ con hến
Buổi trưa ở thôn Bến Hến sôi động, tấp nập khi đoàn thuyền cào hến khoảng 20 chiếc nối đuôi nhau về bến, các khoang thuyền đều đầy ắp hến. Từng tốp phụ nữ và trẻ con hối hả nhặt cỏ rác lẫn lộn trong các mủng hến. Tiếng rây hến, tiếng gọi nhau í ới vang cả một vùng quê thanh bình.
Thời điểm này cũng là lúc các lò nấu hến bắt đầu đỏ lửa. Hến sau khi rửa sạch được cho vào chảo đun sôi để tách vỏ, sau đó được đãi lấy ruột. Mùi hến bốc lên thơm lừng từng con ngõ. Ruột hến và nước hến được các thương lái ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh) và Nghệ An đến thu mua tận nơi về bán lại cho các nhà hàng, còn vỏ hến được người dân trong vùng mua về xay nhỏ làm thức ăn cho gà, vịt.
Bà Thái Thị Tuyên (56 tuổi), ngụ tại thôn Bến Hến, cho hay nghề cào hến là nguồn thu nhập chính của người dân trong làng. Nhờ con hến, người dân có tiền xây dựng nhà ở khang trang, cho con ăn học, mua sắm đồ đạc…
“Trước đây cào bằng tay, người dân cầm rổ lội xuống sông, ngâm mình cả ngày để cào hến nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn, vì làm thủ công. Bây giờ cào bằng máy thì thu nhập lớn hơn. Vợ chồng tui 1 ngày cũng bắt được vài tạ hến, trừ tiền dầu, tiền củi cũng lãi được khoảng 1 triệu đồng”, bà Tuyên nói.
Sau tiếng hô lớn của một vị cao niên, hàng nghìn người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đem theo nơm, vó, lưới… đổ ra đầm Vực bắt cá trong lễ hội Đồng Hoa.
Hiện nay, hến sống (chưa luộc, đãi ruột) được các thương lái thu mua với giá từ 5.000-20.000 đồng/kg, tùy loại. Giá bán ruột hến từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, kèm theo 2 lít nước luộc hến. Không những đánh bắt hến trên sông La, những năm gần đây, người dân thôn Bến Hến còn dong thuyền xuống sông Lam (Nghệ An) cách thôn khoảng 40 km để bắt hến nước lợ (còn gọi là giắt). Loại hến này có kích thước nhỏ, vỏ mỏng, nhiều ruột, giá ruột hến 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Ông Trần Đình Dung, Phó thôn Bến Hến, cho hay trước đây thôn Bến Hến có 200 hộ thì tất cả đều theo nghề cào hến. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, do nhiều hộ chuyển sang kinh doanh hoặc xuất khẩu lao động, nên chỉ còn 100 hộ theo nghề. “Nếu vào mùa hến, một ngày người dân đánh bắt được hàng chục tấn, mỗi hộ trừ chi phí trung bình cũng lãi 500.000-700.000 đồng, thậm chí có hộ lãi hơn 1 triệu. Tiếng là nông thôn, nhưng ở thôn Bến Hến không hiếm nhà cao tầng khang trang. Tất cả cũng nhờ con hến”, ông Dung nói.
Tác giả: Phạm Đức
Nguồn tin: Báo Thanh niên