Formosa xả thải

Hà Tĩnh: Kỳ quặc tấm bảng “điểm bán hải sản đảm bảo an toàn”

Sáng 31.5, PV Báo Lao Động có mặt tại cơ sở thu mua hải sản Hải Phượng (thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, Lộc Hà). Ông chủ Nguyễn Hồng Phượng đang ngồi chơi xơi nước với 2 nhân viên của mình, lắc đầu ngao ngán, nói “chỗ tôi ngừng thu mua từ ngày 13.5 đến nay rồi, vì mua vào mà không bán được”. Đang chuyện trò với PV thì một đoàn cán bộ thuộc Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Hà Tĩnh và Sở NNPTNT Hà Tĩnh vào nói ông Phượng đưa hải sản ra để lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm. Ông Phượng nói tôi không thu mua từ 13.5 đến nay. Ngập ngừng một lúc, họ bảo ông Phượng mở kho đông lạnh rồi lấy 2 mẫu gồm cá trích và cá lẹp để gửi ra Viện Kiểm nghiệm ATVSTP.

Sau khi xảy ra tình trạng cá chết, để kích cầu việc tiêu dùng hải sản, ngành chức năng Hà Tĩnh đã mở một số điểm bán hải sản an toàn và chứng nhận các cơ sở bán hải sản an toàn. Thế nhưng, thực tế một số điểm đã chứng nhận bán hải sản an toàn trong khi chưa lấy mẫu kiểm tra, chưa có tem đảm bảo an toàn…
hatinh24hKiểm nghiệm kiểu kỳ quặc

PV hỏi, sao hôm nay mới lấy 2 mẫu này gửi đi kiểm nghiệm? Một phụ nữ nói mực trước đây đã lấy mẫu kiểm nghiệm rồi. Mẫu cá trích và cá lẹp trước đã lấy mẫu kiểm tra rồi, giờ lấy để kiểm tra lại. Tuy nhiên, khi hỏi một người tên Cường – cán bộ Sở NNPTNT đi cùng, thì anh này khẳng định mẫu cá lẹp và cá trích trước đây chưa lấy mẫu để kiểm nghiệm. PV hỏi tên người phụ nữ, chức danh thì chị này e dè không trả lời, một lúc mới nói tên Hằng – cán bộ Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh.

Tại cơ sở thu mua hải sản Toàn Tứ (thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim), vợ chồng bà Trần Thị Tứ – chủ cơ sở – cho biết, sau khi xảy ra tình trạng cá chết, họ thu mua vào 10 tấn cá và 5,5 tấn mực. Khi thu mua, có thấy cơ quan chức năng về lấy mẫu nhưng đến nay gia đình vẫn chưa nhận được thông báo kết quả kiểm nghiệm. PV hỏi, thế 15,5 tấn hải sản đó đã được cấp chứng nhận ATVSTP chưa? vợ chồng bà Toàn đều khẳng định chưa có. Nói rồi họ mở kho đông lạnh cho PV xem thì đúng là mực và cá trong kho chưa có tem chứng nhận.

Cá trong kho đông lạnh của bà Toàn chưa được dán tem chứng nhận an toàn dù đã được treo biển điểm bán hải sản đảm bảo an toàn. Ảnh: TRẦN TUẤN

Chỉ an toàn trên khẩu hiệu?

Như đã nói ở trên, mặc dù 10 tấn hải sản thu mua sau đợt cá chết của cơ sở Toàn Tứ đến ngày 31.5 vẫn chưa được cấp chứng nhận an toàn, nhưng theo chủ cơ sở này, ngay từ ngày 15.5, một đoàn cán bộ đã về xin treo một tấm biển lớn ngay tại cơ sở của mình với dòng chữ lớn “Điểm bán hải sản đảm bảo an toàn”. Trên đầu của dòng chữ đó có in một loạt cơ quan gồm Sở Công Thương, Sở NNPTNT, Sở Y tế, UBND huyện Lộc Hà. Phía dưới còn chú thích trong ngoặc (Được kiểm định và cấp chứng nhận an toàn).

Tương tự, tại cơ sở thu mua hải sản Hải Phượng cũng treo một tấm biển với dòng chữ “Điểm bán hải sản đảm bảo an toàn”. Ngay trong sáng 31.5, khi đoàn cán bộ Chi cục ATVSTP và Sở NNPTNT Hà Tĩnh đến lấy mẫu kiểm nghiệm, ông Phượng – chủ cơ sở hải sản Hải Phượng – đã nói thẳng, chính như việc treo cái biển này cũng rất lạ. Ban đầu người ta chỉ cấp cho vài điểm bán hải sản trong xã. Sau đó, một số cơ sở khác bức xúc vây lại, chất vấn tại sao ở những cơ sở của họ không được treo biển này? Chẳng lẽ hải sản của họ không an toàn? Thế là sau đó, cơ sở của ông cũng được treo biển, mặc dù trong đó có 10 tấn cá lẹp và cá trích đến sáng 31.5 mới được lấy mẫu trong kho đông lạnh ra gửi đi kiểm nghiệm.

 Một số cơ sở kinh doanh hải sản ở Hà Tĩnh được treo biển “điểm bán hải sản an toàn”.

Kêu cứu vì ế hàng

Theo ông Phượng – chủ cơ sở Hải Phượng – đến nay cơ sở của mình vẫn chưa nhận được kết quả kiểm nghiệm đối với số hàng là 9 tấn mực thu mua hỗ trợ ngư dân sau thời điểm cá chết. Số hàng này hiện đang nằm kho, chưa bán được. Mà theo lời ông Phượng “khi chưa nhận được kết quả kiểm nghiệm, thì không dám bán vì sợ ảnh hưởng đến người tiêu dùng”. Theo ông Phượng, ông đã bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để thu mua hải sản giúp ngư dân theo kêu gọi của chính quyền. Nhưng nay chưa bán được hải sản, khiến tiền nợ thu mua hải sản của ngư dân chưa có trả bị người ta liên tục đòi. Thêm nữa, tiền lãi, tiền điện cũng chưa có trả. Đến nay, cơ sở của ông và một số cơ sở thu mua hải sản khác ở Thạch Kim đã 3 lần gửi đơn kiến nghị lên cấp trên giải quyết hỗ trợ nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Chủ cơ sở Toàn Tứ cũng cho biết đã gửi đơn kiến nghị xin giải quyết hỗ trợ cho cơ sở vì số hàng mua giúp ngư dân khó tiêu thụ. Hiện cơ sở của bà đã tạm ngừng thu mua cấp kho đông lạnh. Chỉ thu mua hải sản tươi khi đã có mối đặt hàng. Nhưng việc này là hy hữu mới có nên trong ngày 30.5, bà đã cho toàn bộ 14 lao động của mình nghỉ việc.

Ngày 31.5, ông Lê Trung Phước – Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà – khẳng định đã nhiều lần nhận được đơn kiến nghị và những kiến nghị trực tiếp của chủ cơ sở thu mua hải sản về việc giải quyết hỗ trợ vì khó khăn, hàng hóa ế ẩm sau khi thu mua hải sản giúp ngư dân. Huyện cũng đã tổng hợp báo cáo tỉnh, nhưng hiện tỉnh đang tổng hợp, giải quyết.

Ông Trần Nhật Tân – GĐ Sở Công Thương Hà Tĩnh – cho biết, đến nay toàn tỉnh có 25 điểm bán hải sản đảm bảo an toàn. Về việc treo biển “điểm bán hải sản đảm bảo an toàn” nhưng biển hiện bất cập khi hải sản trong kho chưa cấp chứng nhận an toàn mà PV phản ánh, ông Tân nói “làm gì có chuyện ấy được. Điểm bán hải sản an toàn là không có ở Thạch Kim. Mà Thạch Kim chỉ có kho cung cấp hải sản an toàn thôi. Chỉ có kho cung cấp thôi”.

Ông Phan Văn Hùng – Chi cục trưởng VSATTP Hà Tĩnh – cho rằng, việc sáng nay cán bộ của họ về lấy mẫu kiểm nghiệm là lấy mẫu đối với số lô hàng các doanh nghiệp thu mua hỗ trợ ngư dân theo kêu gọi của tỉnh mà lâu nay họ chưa được bán. Về lý do lấy mẫu muộn, ông Hùng nói trước đây đã lấy một số mẫu kiểm tra và công bố rồi. PV cung cấp thông tin, kho Toàn Tứ mua theo diện hỗ trợ ngư dân sau cá chết, đã bán một tấn thì ông này lúng túng nói anh em đã làm việc… hết trách nhiệm.

Trần Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP